Thứ tư, 10/01/2018 08:01 GMT+7

Khoa học công nghệ đã tạo đà cho các lĩnh vực phát triển

Nhờ áp dụng tiến bộ của khoa học công nghệ, xuất khẩu nông nghiệp đã đạt mức 36 tỷ USD, công tác dự báo thiên tai cũng chính xác hơn.

Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học công nghệ năm 2017, nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Khoa học và Công nghệ được tổ chức sáng 9/1 tại Hà Nội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều bộ trưởng, trưởng ngành và 63 giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng tham dự.

Khoa học công nghệ đã hỗ trợ tích cực cho các bộ ngành

Sau khi nghe Thứ trưởng Phạm Công Tạc báo cáo kết quả đạt được năm 2017, lãnh đạo bộ ngành đã phát biểu ý kiến. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng năm 2017 Bộ đã nhận được sự phối hợp, chia sẻ của Bộ Khoa học và Công nghệ cả về cải cách hành chính, thể chế, ứng dụng công nghệ, đổi mới quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm...

"2018 là năm tiếp tục nỗ lực chung theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Khoa học chắc chắn có vai trò quan trọng cùng với các bộ, ngành thực hiện chủ trương đó", ông Trần Tuấn Anh nói.
 

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao  Huân chương Lao động cho các cán bộ, lãnh đạo của Bộ Khoa học Công nghệ. Ảnh: VGP.
 

Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng khẳng định khoa học công nghệ thời gian qua đã giúp tăng giá trị gia tăng của nông nghiệp. Ví dụ Đà Lạt có những nông trại chỉ 1.000 m2 nhưng thu nhập mỗi năm lên tới trên 200 triệu đồng. Ở Bến Tre, cây dừa ngày càng mang tới thu nhập cao cho người dân nhờ áp dụng công nghệ trong chế biến.

"Đặc biệt, trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, nhờ những tiến bộ và thành tựu khoa học công nghệ, công tác dự báo, hướng dẫn cho ngư dân ở hàng trăm nghìn tàu thuyền trên biển diễn ra thuận lợi, giảm đáng kể thiệt hại thời gian vừa qua", ông Thắng nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nông nghiệp cũng nêu một số vấn đề cấp bách cần ngành khoa học công nghệ vào cuộc mạnh hơn nữa, như mất bùn cát ở đồng bằng sông Cửu Long, thiên tai diễn biến phức tạp gây rủi ro nghiêm trọng. “Cần có những nghiên cứu khoa học công nghệ đột phá trong thời gian ngắn để tìm ra giải pháp cho các vấn đề này”, ông Thắng nói.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng nông dân Việt Nam có nhiều sáng kiến giúp ích cho hoạt động sản xuất, thậm chí có người được gọi là “vua sáng chế”. Tuy nhiên, họ vẫn còn có khoảng cách lớn với cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, bên cạnh việc dạy người dân làm nông, cần có chương trình dạy họ tự biết tìm kiếm thông tin về thị trường, về cuộc sống và hoạt động sản xuất, giúp họ tiếp cận với công nghệ.

"Ở Đồng Tháp, nông dân thành lập các hội quán mà ở đó hạ tầng công nghệ thông tin khá đầy đủ, giúp nông dân tiếp cận công nghệ. Nhờ đó, nhiều người đã biết thương mại điện tử là gì", ông Hoan nói và giới thiệu về món quà người dân Đồng Tháp muốn gửi tới Thủ tướng mang tên “Cây xoài nhà tôi” và tặng Bộ trưởng "cây cam vườn tôi" - một sản phẩm được mua bán qua thương mại điện tử, giúp người dân cả nước có thể mua dễ dàng.

Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Kim Anh chia sẻ nhờ chủ động tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0, ngành ngân hàng đã thu được nhiều kết quả tốt trong ứng dụng bigdata, trí thông minh nhân tạo, nhân trắc học… "Nhiều ngân hàng có công cụ, thiết bị thông minh để khách hàng dễ dàng tương tác, triển khai một số hình thức ngân hàng không chi nhánh, chi nhánh ngân hàng không cần giao dịch viên…", Phó thống đốc cho hay.

Đề nghị tăng cường khoa học trong y học thảm họa

Nhận được nhiều tràng pháo tay của đại biểu dự hội nghị là ý kiến của Giám đốc Học viện Quân y, thiếu tướng Đỗ Quyết. Theo GS Quyết, năm 2017 đã kích hoạt tiềm năng phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Hoạt động khoa học không chỉ dừng lại ở trí thức mà lan tỏa tới mọi tầng lớp, kể cả nông dân.

Là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện đề tài cấp nhà nước về ghép phổi và đã thành công, GS Quyết cho rằng đó là do có chương trình trọng điểm quốc gia, được hỗ trợ một phần kinh phí cho quá trình thực hiện đề tài. Kết quả, Viện đã ghép phổi thành công cho một cháu bé 7 tuổi ở Hà Giang từ phần phổi của bố và bác, bỏ hoàn toàn hai phổi đã hỏng của cháu bé. 

GS Quyết nhấn mạnh, ghép phổi là khó nhất trong các ca ghép tạng. Việc thực hiện thành công là nhờ ứng dụng khoa học công nghệ. Trong năm 2018 Bộ Khoa học và Bộ Y tế cần có hai trọng tâm là dành ưu tiên cho lĩnh vực y tế dự phòng để phòng bệnh mới nổi, những bệnh có nguy cơ. Nếu không làm tốt việc này thì có xây bao nhiêu bệnh viện cũng quá tải. Ông đề nghị Bộ Khoa học có sự đột phá về y học dự phòng trong năm 2018.

Khâu thứ hai GS Quyết đề nghị là cần sự đột phá về y học thảm họa với những tổn thương hàng loạt. "Rất cần thiết có nhiều đề tài nghiên cứu về bão lụt, cháy nổ, y học quân sự. Hiện nay không phải chiến tranh giải phóng nữa mà là chiến tranh bảo vệ tổ quốc với những phương thức tác chiến khác, vũ khí khác. Vì vậy cần phải đẩy mạnh y học thảm họa", Giám đốc Học viện Quân y nói.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học thực hiện bốn trụ cột, ba đột phá

Trong bài phát biểu dài 40 phút, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ đặc biệt ấn tượng với nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được giới thiệu, từ thành tựu của Học viện Quân y đến hệ thống tài chính ngân hàng, công nghiệp xây dựng, y tế, thủy sản Việt Nam. "Lần đầu tiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt gần 36 tỷ USD, rau củ quả vượt dầu khí và gạo. Đáng mừng là những thành quả trên đều gắn liền với tiến bộ khoa học công nghệ", Thủ tướng nói.

Bày tỏ sự vui mừng khi 6 tháng vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã hâm nóng xã hội bằng tinh thần áp dụng công nghệ 4.0, Thủ tướng đề nghị Bộ tiếp tục chủ trì để phát triển mạnh mẽ hơn nội dung này. Ông cũng đánh giá cao công tác quản lý nhà nước về khoa học công nghệ ở địa phương đã được nâng lên một bước. Các lĩnh vực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, đo lường chất lượng, thông tin khoa học có tiến bộ hơn. 
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP.
 

Để khoa học công nghệ tiếp tục phát triển hơn nữa, Thủ tướng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ cần chú trọng đổi mới bốn trụ cột. Thứ nhất là góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhất là mô hình năng suất thấp. Thứ hai là phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong công nghệ mạnh mẽ hơn nữa vì dù có nhiều kết quả nhưng phong trào khởi nghiệp sáng tạo mới ở bước đầu.

Thứ ba, ngành khoa học công nghệ cần tập trung phục vụ doanh nghiệp, ứng dụng và đổi mới công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, thiết lập hệ thống sàn giao dịch công nghệ, coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Thứ tư, khoa học công nghệ phải góp phần nâng cao năng suất, chất lượng lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

"Cứ chậm trễ, giằng co giữa kinh tế thị trường và kinh tế bao cấp quan liêu thì chúng ta thất bại", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Khoa học có ba đột phá, trước hết về thể chế chính sách, xóa bỏ tư duy hành chính hóa, thành lập mới tổ chức khoa học công nghệ theo quy hoạch... Ông băn khoăn, vì sao Singapore có thể phát triển khoa học công nghệ nhanh? Vì sao Thái Lan được gọi là nước công nghiệp còn mình thì không?

"Người Việt Nam không phải kém, những người ở hội trường này cũng rất giỏi chưa nói giới khoa học, nghiên cứu. Học sinh Việt Nam đi thi quốc tế đều đạt giải cao, làm việc tốt, các đời Tổng thống Mỹ đều khen người Việt Nam thông minh. Vậy tại sao Việt Nam lại chậm phát triển?", Thủ tướng đặt câu hỏi.

Thứ hai, phương thức đầu tư, cơ chế đặt hàng cho khoa học công nghệ theo Thủ tướng cũng cần đột phá. 2% ngân sách nhà nước chi cho khoa học cần được sử dụng hiệu quả hơn. Vì vậy, Bộ Khoa học và Hội đồng chính sách Khoa học Công nghệ cần trình Thủ tướng đưa ra các quyết sách lớn đặt hàng vĩ mô cho khoa học công nghệ gắn liền với chất lượng sản phẩm của đất nước.

Đột phá cuối cùng theo Thủ tướng là đầu tư tập trung cho nghiên cứu cơ bản, ứng dụng công nghệ, huy động đầu tư của xã hội, doanh nghiệp thông qua quỹ khoa học công nghệ. 
 

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu kết thúc Hội nghị.
 

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, sẽ bám sát tinh thần bốn trụ cột, ba đột phá của Thủ tướng và đưa ngay vào chương trình hành động của Bộ cũng như ngành khoa học công nghệ năm 2018. Ông cũng cảm ơn tất cả bộ, ngành, địa phương, tổ chức khoa học công nghệ cả nước đã phối hợp, gắn bộ chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ trong suốt thời gian qua.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trao Huân chương Độc lập hạng nhất cho ông Hoàng Văn Phong, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2002-2011; Huân chương Độc lập hạng ba cho ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011-2016; Huân chương Lao động hạng nhất cho ông Trần Việt Thanh, nguyên Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ; Huân chương Lao động hàng nhì cho Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cùng hai Thứ trưởng Trần Văn Tùng và Trần Quốc Khánh.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/trong-nuoc/khoa-hoc-cong-nghe-da-tao-da-cho-cac-linh-vuc-phat-trien-3696131.html

Nguồn: vnexpress.net

Lượt xem: 8708

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)