Thứ năm, 04/01/2018 10:50 GMT+7

Sáng tạo vì cuộc sống cộng đồng

Qua 2 năm tổ chức, cuộc thi Sáng kiến cộng đồng do Tạp chí Khám Phá - Sở KH&CN TPHCM tổ chức đã ghi nhận và vinh danh những sáng kiến, sản phẩm, mô hình, giải pháp sáng tạo phục vụ sản xuất, đời sống, kinh tế, xã hội cho dân cư TP. Đặc biệt trong năm 2017, sản phẩm sáng tạo của các tác giả đã gắn chặt hơn với những vấn đề thiết thực mà họ trực tiếp nhìn thấy được trong cuộc sống hàng ngày.


Trần Phan Thanh Hải (thứ ba từ trái sang) cùng bạn bè bên robot thông minh do mình sáng chế

 

Học sinh Trần Phan Thanh Hải (lớp 10A11, Trường THPT Marie Curie) là một minh chứng như thế. Hải bị bại liệt 2 chân từ nhỏ nhưng suốt 10 năm đến trường đều là học sinh giỏi nhất nhì khối. Đáng phục hơn khi chỉ nằm một chỗ nhưng Hải tự mày mò chế tạo robot điều khiển bằng nháy mắt.

Theo lời kể của Hải, năm lớp 8, vì ngày nào cũng chứng kiến cảnh mẹ vừa cõng Hải vừa luồn tay vào cửa để mở khóa, Hải đã nghiên cứu và sáng tạo hệ thống khóa trong tự động mở khi số điện thoại gọi đến được cho phép. Đến năm lớp 9, trước việc sức khỏe ngày càng yếu, lại không muốn phiền hà đến người thân quá nhiều, Hải bắt tay sáng chế robot đa năng dành cho người bị bại liệt. Robot này có thể thay con người làm được nhiều việc khác nhau. Đặc biệt hơn hết, nhờ vào chức năng điều khiển và gõ chữ... bằng mắt.

Không kém cạnh, 3 em Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, Nguyễn Thị Ngọc Nhung và Võ Thị Ngọc Lan (Trường Tiểu học Bình Mỹ, huyện Cần Giờ, TPHCM) đã tạo ra sản phẩm áo phao bằng… chai nhựa và đoạt giải nhất dành cho hạng mục nhà sáng kiến cộng đồng năm 2017. Tác giả Quỳnh Trâm cho biết, khu vực em sinh sống là vùng sông nước. Học sinh đến trường phải di chuyển bằng ghe, xuồng nên chiếc áo phao cứu sinh như là vật thiết thân, song không phải học sinh nào cũng trang bị được. “Nhiều buổi đi chơi ở bờ sông, tụi em thường bỏ vật dụng vào chai nhựa rồi thả trôi theo dòng nước. Qua quan sát, em nghĩ tại sao không kết hợp các chai nhựa lại thành chiếc áo phao cứu sinh, vừa bền lại vừa rẻ”, Quỳnh Trâm chia sẻ.

Hay như với cô Trịnh Thị Minh Hương, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM), từ ý tưởng trò chơi Pokemon, cô Hương đã sáng tạo trò chơi của riêng mình, giúp học sinh lớp 10 vừa chơi vừa học môn Văn. Dự án “Học Văn qua game” mô phỏng game phiêu lưu nhập vai để giúp học sinh gần gũi hơn với chương trình giáo khoa. Nhân vật trong game đóng vai một sĩ tử, hàng ngày đến thư viện tìm sách, ôn bài để chuẩn bị cho kỳ thi trạng nguyên. Mỗi trang sách giở ra, sĩ tử lại có được những kiến thức mới, súc tích. Hiện nay trò chơi này đã được phổ biến rộng rãi tại Trường THPT Phú Nhuận, nơi cô đang công tác. Ngoài ra, trò chơi đã được đăng tải lên webiste của nhà trường để học sinh trong và ngoài trường có thể dễ dàng tiếp cận.

Điều ấn tượng trong cuộc thi Sáng kiến cộng đồng lần thứ 2-2017, theo nhà báo Lương Bích Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Khám Phá, cuộc thi không chỉ có các “nhà sáng chế” mà còn có sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan truyền thông trong cả nước đã góp công sức trong việc tìm kiếm, phát hiện những con người với ý tưởng sáng tạo có giá trị để phục vụ cộng đồng. Thông qua những bài báo hấp dẫn với hình thức đăng tải đa dạng, lôi cuốn, những con người ấy được tôn vinh, những sáng kiến ấy được chắp cánh vươn xa, giúp cho nhiều người biết đến để từ đó nhân rộng thêm thành những điển hình có ý nghĩa lớn lao trong xã hội.
 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, nhìn nhận sáng kiến, sáng chế luôn xuất phát từ các vấn đề của cuộc sống. Nhưng sáng chế không chỉ thuộc về nhà khoa học mà còn là của cả cộng động, miễn mỗi người đều xem vấn đề như một bài toán của mình và quyết tâm đi tìm cách giải quyết nó. Do đó, cuộc thi Sáng kiến cộng đồng không chỉ là nơi tôn vinh những tác giả không chuyên từ cộng đồng, hy vọng cuộc thi sẽ lan tỏa đến mỗi cá nhân và tạo dựng một xã hội sáng tạo.


Liên kết nguồn tin: http://www.sggp.org.vn/sang-tao-vi-cuoc-song-cong-dong-490959.html

Nguồn: Báo Sài gòn giải phóng

Lượt xem: 3347

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)