Thứ bảy, 18/11/2017 22:21 GMT+7

Hoàn thiện công nghệ nhân giống Lan thạch hộc tía và nâng cao năng suất giống lợn Nậm Khiếu

Hoàn thiện 4 quy trình công nghệ nhân giống in vitro, nuôi trồng Lan Thạch hộc tía, 5 quy trình công nghệ tuyển chọn, nâng cao năng suất giống Lợn Nậm Khiếu; sản xuất thử nghiệm được 126.530 cây giống Lan Thạch hộc tía, 602 con lợn giống và 1.211 con lợn thương phẩm. Đặc biệt, thành lập được Doanh nghiệp khoa học và công nghệ để thương mại hóa sản phẩm.

Đó là những kết quả chính của Dự án “Hoàn thiện công nghệ nhân giống in vitro, nuôi trồng Lan Thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et Migo) và tuyển chọn, nâng cao năng suất giống lợn Nậm Khiếu (Bắc Kạn – Thái Nguyên)”, mã số CT-592.DABKHCN.05.2015. Thông tin được đưa ra tại buổi họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 17/11/2017, tại Hà Nội. Dự án thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592) của Bộ KH&CN.  



Toàn cảnh buổi họp Hội đồng đánh giá, nghiệm thu Dự án

 

Dự án do Bộ KH&CN giao Viện Khoa học sự sống – Đại học Thái Nguyên chủ trì thực hiện, PGS.TS Trần Văn Phùng – Viện trưởng, làm chủ nhiệm trong 2 năm. Đến nay, Dự án đã đạt được những kết quả đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Cụ thể, hoàn thiện 4 quy trình công nghệ nhân giống in vitro và nuôi trồng Lan Thạch hộc tía; xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở cây giống Lan Thạch hộc tía có nguồn gốc nuôi cấy mô; hoàn thiện 5 quy trình công nghệ tuyển chọn, nâng cao năng suất giống Lợn Nậm Khiếu.

Cùng với đó, xây dựng được 1 mô hình sản xuất giống Lan Thạch hộc tía, 1 mô hình trồng Lan Thạch hộc tía trong nhà có mái che với quy mô 20.000 cây và 1 mô hình trồng dưới tán cây với quy mô 5.000 cây. Xây dựng 1 mô hình chăn nuôi lợn tại cơ sở của Viện và 10 mô hình tại các hộ nông dân.

Dự án đã sản xuất thử nghiệm được 126.530 cây giống Lan Thạch hộc tía, 500 kg sinh khối Thạch hộc tươi và 10 lít cao lỏng Thạch hộc; 602 con lợn giống đạt tiêu chuẩn (19,8kg/con), 1.211 con lợn thương phẩm (50,3kg/con). Đặc biệt, thành lập được Doanh nghiệp KH&CN – Công ty CP Nghiên cứu và Phát triển Dược liệu miền núi, để thương mại hóa sản phẩm.



Chăm sóc lợn Nậm Khiếu

 

Tại buổi họp nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao các kết quả Dự án đạt được. Đồng thời cho rằng, các quy trình công nghệ đều có tính mới, sáng tạo, hàm lượng khoa học cao, có tính đột phá, tính mới so với phương pháp truyền thống và đáp ứng được xu hướng phát triển của xã hội, nhu cầu của người dân. Đặc biệt, việc hình thành được Doanh nghiệp KH&CN là một thành quả rất quan trọng góp phần sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm của dự án trên thị trường. Điều này, giúp đơn vị phát triển bền vững theo hướng tự chủ, hỗ trợ người dân, các cơ sở nuôi trồng có thể hoàn toàn yên tâm về việc có được nguồn giống chất lượng cao, chất lượng và thị trường tiêu thụ sản phẩm được đảm bảo.

Dự án tạo ra được sản phẩm KH&CN mang đặc thù của khu vực miền núi phía Bắc đó là giống cây Thạch hộc tía và giống lợn đặc sản. Đây là kết quả của việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất và chế biến. Không chỉ có ý nghĩa trước mắt, kết quả của Dự án còn có tác dụng lâu dài đối với công tác bảo tồn, phát triển động thực vật quý hiếm, bảo đảm sự phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3739

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)