Thứ năm, 16/11/2017 16:44 GMT+7

Chia sẻ nghiên cứu khoa học trong ngành điện

Ngày 15/11, tại Hà Nội, Hội Điện lực Việt Nam đã phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức Hội nghị khoa học và Công nghệ điện lực toàn quốc năm 2017.

Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp trong ngành năng lượng; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Hội, tổ chức nghiên cứu khoa học.

Đại diện Hội Điện lực Việt Nam cho biết, trong những năm qua, nhờ việc ứng dụng khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trong ngành điện như Tập đoàn EVN, Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Điện lực Than - Khoáng sản đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong hoạt động đầu tư, quản lý, sản xuất kinh doanh cũng như dịch vụ khách hàng.

Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học ở tất cả các lĩnh vực điện từ đầu tư, sản xuất, truyền tải, phân phối... đã được ứng dụng vào thực tế góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả đầu tư, tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, công tác này vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp ngành điện đẩy mạnh, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Hội nghị lần này quy tụ 65 báo cáo, tham luận từ các đơn vị, được chia ra với 4 phân ban về truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và nguồn điện với mục đích phổ biến, chia sẻ các kiến thức và các đề tài nghiên cứu khoa học trong ngành điện.
 

 

Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN phát biểu

Cụ thể, các tham luận nghiên cứu khoa học đề cập đến lĩnh vực chuyên ngành chuyên sâu tại Việt Nam như giải pháp xây dựng hệ thống truyền tải linh hoạt; nghiên cứu về xây dựng hệ thống giám sát diện rộng cho hệ thống điện Việt Nam; giải pháp ứng dụng phần mềm Citywork quản lý tổng thể mạng lưới điện; phát triển phần mềm mô phỏng hệ thống điện Smart – Simulator; Ứng dụng hạ tầng đo đếm tiên tiến trong lưới điện thông minh; Quy định và nghiên cứu nối lưới đối với năng lượng tái tạo – tính toán cho nhà máy điện mặt trời tại Nam Phi; ứng dụng tự động hóa lưới điện phân phối trong công tác nâng cao độ tin cậy cung cấp điện tại Tổng công ty điện lực TP Hồ Chí Minh...

Tại Hội nghị, đại diện Hội điện lực Việt Nam, Tập đoàn EVN và một số nhà khoa học cũng trình bày kết quả nghiên cứu một số đề tài đã và đang thử nghiệm hoặc áp dụng trong thực tiễn như: Kết quả nghiên cứu thí điểm điện mặt trời lắp mái nối lưới tại Việt Nam; ứng dụng biến tần trong nhà máy nhiệt điện; Phần mềm tính toán đặc tính bề mặt truyền điện GAP; Công nghệ nhiệt điện siêu tới hạn.

 

 

Diễn giả trình bày báo cáo tại Hội nghị

 

Trong lĩnh vực truyền tải điện có các đề tài phân bố công suất tối ưu trong hệ thống điện có thiết bị FACTs sử dụng thuật toán lai DE-HS; nghiên cứu ứng dụng phương pháp giám sát nhiệt độ điểm nóng quận dây và phương pháp phân tích thành phần khí hòa tan trong dầu cho hệ thống giám sát Online MBA; nghiên cứu hệ thống truyền tải điện xoay chiều linh hoạt FACTs và lựa chọn thiết bị sử dụng cho lưới truyền tải 220kV; hiệu quả hạn chế dòng điện ngắn mạch của thiết bị hạn chế dòng ngắn mạch kiểu điện trở tại TBA 110kV Bình An.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc EVN nhấn mạnh, Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam trong những năm qua tăng trưởng cao. Trung bình từ năm 2010 đến 2016 là 11,5% và theo tổng sơ đồ điện, dự báo trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mức trên 10% cho đến 2020. Để đáp ứng yêu cầu này, ngoài các giải pháp khác thì khoa học công nghệ được coi là giải pháp quan trọng được EVN ưu tiên chú trọng./.

Liên kết nguồn tin: http://baocongthuong.com.vn/chia-se-nghien-cuu-khoa-hoc-trong-nganh-dien.html

Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử

Lượt xem: 4551

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)