Tham dự Hội thảo có đại diện của một số nền kinh tế thành viên APEC Australia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia,... Về phía Việt Nam có sự tham dự của 16 Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh/ thành phố, 8 viện nghiên cứu, trường đại học, một số tổ chức hỗ trợ thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và đại diện của trên 30 Startup, doanh nghiệp khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Toàn cảnh Hội thảo
TS Phạm Hồng Quất cho biết, các vấn đề được thảo luận không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu ở khu vực nhà nước mà còn là việc khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khu vực tư nhân, tạo nền tảng để các startup, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận được với các quỹ đầu tư đưa sản phẩm ra thị trường. Nhấn mạnh đến những yêu cầu phải thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động sâu rộng đến kinh tế các thành viên APEC trong đó có Việt Nam, đòi hỏi phải tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh những thách thức, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra nhiều cơ hội cho đổi mới sáng tạo để cùng cạnh tranh và phát triển.
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN phát biểu trong buổi khai mạc
Theo các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155% GDP. Trong đó, riêng vốn đầu tư FDI từ các nền kinh tế APEC vào Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 80% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 3 thập niên qua.
Trong quá trình toàn cầu hóa sâu rộng, các nền kinh tế APEC đang là những đối tác đầu tư, thương mại quan trọng của Việt Nam, bỏ qua những sự khác biệt thể chế chính trị, quy mô kinh tế - xã hội thì sự vượt trội, sự chênh lệch về trình độ công nghệ giữa các nền kinh tế thành viên là thách thức vừa là cơ hội cho Việt Nam khi thực hiện hoạt động thương mại hóa công nghệ nhằm thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển doanh nghiệp và tạo ra sự cạnh tranh phát triển của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Nhằm hoàn thiện các chính sách, tạo môi trường cạnh tranh và minh bạch cho phát triển thị trường KH&CN, trong những năm qua Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, tham gia xây dựng và ban hành một số văn bản pháp quy quan trọng như: Luật Chuyển giao công nghệ số 07/2017/QH14 ngày 19/06/2017; Luật quản lý, sử dụng tài sản công về nội dung liên quan đến giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước;...
Những quy định mới trong các văn bản này nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định về thủ tục giao quyền kết quả nghiên cứu, công nhận các tổ chức trung gian theo phản ánh của doanh nghiệp, tổ chức KH&CN, viện nghiên cứu, trường đại học, đồng thời bổ sung quy định về cơ chế phân chia lợi ích từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu một cách hợp lý hơn, đảm bảo lợi ích của các bên tham gia vào quá trình này.
Các chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước, các nhà quản lý KH&CN các tỉnh, thành phố, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, cùng nhau trao đổi, thảo luận những vấn đề như: Kinh nghiệm của Singapore trong xây dựng các chính sách thúc đẩy hợp tác thương mại hóa công nghệ, kết quả R&D gắn với thị trường; Giới thiệu dự án hợp tác giữa viện, trường, và doanh nghiệp của Bộ KH&CN Đài Loan; Vai trò của kinh tế tư nhân trong thúc đẩy hoạt động thương mại hóa công nghệ, kết quả R&D từ khu cực nghiên cứu ra doanh nghiệp; Thực tiễn nghiên cứu, ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm KH&CN tại Viện Công nghệ môi trường, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; Giới thiệu đèn Led chống cận thông minh; Phần mềm ứng dụng kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về kinh nghiệm của các nước thành viên APEC trong thúc đẩy hợp tác thương mại hóa công nghệ, kết quả R&D và gợi ý bài học cho Việt Nam; Các vấn đề về xây dựng mạng lưới tổ chức hỗ trợ thương mại hóa công nghệ, kết quả R&D gắn với nhu cầu doanh nghiệp nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc để đề xuất các giải pháp khả thi nhất về thương mại hóa kết quả nghiên cứu KH&CN gắn với nhu cầu doanh nghiệp và thị trường.
Đặc biệt, các chuyên gia đã đưa ra cách nhìn rất mới qua khái niệm về thành phố thông minh không phải là cái gì lớn lao mà thành phố thông minh chính là việc tận dụng sức mạnh của mình, sức mạnh công nghệ và có tầm nhìn rõ ràng, lấy người dân làm trung tâm, làm cho cuộc sống của người dân được tốt hơn, đưa hàm lượng nghiên cứu khoa học vào cuộc sống ngày càng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, khu vực tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tiêu thụ các sản phẩm sáng tạo của các viện trường. Ví dụ như cách tiếp cận của Đài Loan, Nhà nước đầu tư vốn mồi, quan trọng là gọi được khu vực tư nhân vào đầu tư cho những sản phẩm mới, dịch vụ mới và những nghiên cứu cũng được bắt nguồn từ cuộc sống và phục vụ cho đời sống của con người.
Để thương mại hóa công nghệ tốt, theo các chuyên gia cần phải có hành lang pháp lý cho thương mại hóa nghiên cứu, đứng trên quan điểm của cả nhà nghiên cứu và doanh nghiệp đưa ra một số mô hình mẫu để hợp tác giữa 2 bên cùng có lợi; chú trọng hơn, đầu tư nhiều hơn nữa cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng; các nghiên cứu cần có sự phối hợp liên ngành; tăng cường hơn nữa cơ quan cầu nối trung gian giữa nghiên cứu và doanh nghiệp, bảo vệ được quyền lợi của nhà nghiên cứu.
Các chuyên gia chia sẻ về kinh nghiệm của các nước thành viên APEC trong thúc đẩy hợp tác thương mại hóa công nghệ, kết quả R&D và gợi ý bài học cho Việt Nam
Hội thảo đã thực sự là một diễn đàn các nhà quản lý, các nhà đầu tư, giới nghiên cứu khoa học và chính sách và nhất là các startup, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm thiết lập nâng cao hiệu quả của hợp tác công tư thúc đẩy thương mại hóa công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo để nhanh chóng thiết lập Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam; tìm kiếm và phát triển các công nghệ có vai trò tích cực trong chuỗi giá trị tăng trưởng xanh không chỉ của Việt Nam mà cả đối với các nền kinh tế thành viên APEC. Trong đó, việc phát hiện và đề xuất chính sách hỗ trợ khu vực tư nhân, cộng đồng khởi nghiệp tham gia và thực hiện các chuỗi giá trị với các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm gắn với tăng trưởng xanh là các mục tiêu mà APEC đã thông qua cần được hết sức quan tâm. Hội thảo cũng thống nhất đề xuất Bộ KH&CN nghiên cứu hình thức tổ chức “Diễn đàn đối thoại phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thường niên” tương tự như các diễn đàn kinh tế mùa xuân, mùa thu đã từng được tổ chức nhằm tăng cường sự đối thoại giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.