Thứ năm, 02/11/2017 10:55 GMT+7

Ngày hội khởi nghiệp: "Dồn lực" kết nối start-up và nhà đầu tư

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, với nội dung, cách thức tổ chức mới, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia 2017 (Techfest) sẽ giúp các thành phần tham gia hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước có thể tìm tới nhau thông qua nhiều hoạt động kết nối...

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, năm 2017 đánh dấu sự phát triển và lan tỏa của phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam. (Nguồn: CTV/Vietnam+)


Đổi mới


Phát biểu tại cuộc họp báo Techfest 2017 diễn ra sáng 31/10/2017 tại Hà Nội, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho hay, nếu như vào lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Techfest vào năm 2015 có khoảng 1.000 người tham gia thì tới năm 2016 là 3.000 người.


So với năm 2016, Techfest 2017 diễn ra vào ngày 14-15/11/2017 tới có quy mô lớn hơn với nhiều điểm mới như không gian tổ chức được chia theo 6 lĩnh vực cụ thể theo mô hình các Làng khởi nghiệp. Đó là: Làng Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Community village); Làng Công nghệ nông nghiệp (AgriTech village); Làng Công nghệ giáo dục (EdTech village); Làng Công nghệ Y tế (MedTech village); Làng Công nghệ du lịch và ẩm thực (Tourism and Food & Beverage village); Làng Công nghệ tiềm năng (Emerging Tech village) và Công nghệ tiên phong (Frontier and Fin Tech).


Đáng chú ý, các làng khởi nghiệp sẽ xây dựng nội dung chương trình riêng trong từng lĩnh vực để thu hút các đối tượng tham gia (doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư, diễn giả, chuyên gia tư vấn…).


Với nhiều hoạt động phong phú như hội thảo chuyên đề, cuộc thi tìm kiếm ý tưởng sáng tạo…, các làng khởi nghiệp sẽ địa chỉ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và các nhóm khởi nghiệp. Qua đó, thu hút từ 4.000-4.500 người tham dự Techfest.


Cũng theo Ban Tổ chức, Techfest 2017 đặt mục tiêu thu hút 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 80 doanh nghiệp cùng các tập đoàn kinh tế lớn và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. 


Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, Techfest sẽ là nơi quy tụ cộng đồng khởi nghiệp, hỗ trợ, đầu tư cho khởi nghiệp trong và ngoài nước, qua đó quảng bá hình ảnh của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam. 


Cùng lúc, đây cũng là nơi kết nối các hoạt động về khởi nghiệp đang diễn ra trong cả nước, để các tổ chức, cá nhân đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tìm đến nhau thông qua các hoạt động kết nối đầu tư được tổ chức trước, trong và sau sự kiện. Đặc biệt, Techfest 2017 còn là nơi để các doanh nghiệp đã có những thành công nhất định trên thị trường có thể tìm thấy những giải pháp sáng tạo từ các start-up.

 

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)


Hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển


Vẫn theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, thời gian qua ông thấy sự phát triển và lan tỏa mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Hiện nay, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã mở rộng ra các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội và các hiệp hội. Nhiều tỉnh và thành phố có hoạt động khởi nghiệp phát triển mạnh (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Tháp…). 

“Những sự kiện như vậy đã giúp cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương trở nên thiết thực và hiệu quả hơn đồng thời khẳng định chủ trương chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã được phát triển và lan rộng trên toàn quốc,” ông Tùng nhận định.


Tiến sĩ Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ thì cho hay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam được hình thành trong vài năm trở lại đây. Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có những điển hình start-up thành công như Công ty Cổ phần VNG trị giá khoảng 1 tỷ USD, Vatgia gần 75 triệu USD… Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gọi được vốn hàng triệu USD như Tiki, Lozi, CocCoc, Foody, The Kafe…

Để tạo đà cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, Việt Nam cũng xuất hiện các đơn vị ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp như ở khối tư nhân là Topica Founder Insititute, 5 Desire, Hach! Program…; khu vự công lập như vườn ươm Đại học Bách khoa Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Khu công nghiệp phần mềm Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, một số đơn vị cung cấp cơ sở hạ tầng cho khởi nghiệp như Vietnam Silicon Valley, UP Coworking Space, Toong Coworking… 


Bên cạnh thuận lợi, những khó khăn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam chính là thiếu thông tin, kết nối; thiếu vốn; thiếu năng lực khởi nghiệp; chưa có văn hóa khởi nghiệp (văn hóa làm chủ, chấp nhận thất bại); thiếu năng lực khởi nghiệp…


Do đó, thời gian tới bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần nâng cao chất lượng khởi nghiệp thông qua các cơ sở ươm tạo, tổ chwusc thúc đẩy kinh doanh, liên kết cộng đồng khởi nghiệp khu vực và quốc tế…


Ông Quất cũng tin tưởng Techfest chính là cơ hội gặp mặt của các thành phần trong hệ sinh thái, tạo ra cơ hội kết nối đầu tư, học hỏi kinh nghiệm… giúp hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng phát triển lớn mạnh./.

 

Ngoài sự kiện chính, Techfest 2017 còn có nhiều hoạt động quan trọng như: 
- Chuỗi hội thảo chuyên sâu về đổi mới sáng tạo.

- Kết nối đầu tư giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp.

- Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Triển lãm sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới của các Làng khởi nghiệp.
- Lễ tôn vinh doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 

Liên kết nguồn tin: https://www.vietnamplus.vn/ngay-hoi-khoi-nghiep-don-luc-ket-noi-startup-va-nha-dau-tu/473112.vnp

Nguồn: vietnamplus.vn

Lượt xem: 3788

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)