Toàn cảnh buổi Họp nghiệm thu Dự án.
Dự án được triển khai từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2017 do Dược sĩ Đỗ Đức Nhuận – Hợp tác xã Linh Dược Sơn làm chủ nhiệm. Dự án hướng đến mục tiêu hoàn thiện quy trình nhân giống, nuôi trồng Lan gấm, Sâm cau và Nưa Konjac để phát triển nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành dược; xây dựng mô hình trình diễn dưới tán rừng cho 3 loài Lan gấm (0,5 ha), Sâm cau (1 ha) và Nưa Konjac (1 ha). Trên cơ sở kết quả thực hiện dự án tiến tới thành lập 1 doanh nghiệp KH&CN.
Lan Gấm, Sâm cau và Nưa Konjac là những giống dược liệu quý hiếm, vừa có giá trị làm dược liệu, nhiều tác dụng chữa bệnh lại mang giá trị thẩm mỹ nhưng hiện 3 loài cây này đang bị khai thác cạn kiệt trong tự nhiên và có nguy cơ tuyệt chủng. Xuất phát từ thực tiễn cùng với việc mong muốn cải tiến, hoàn thiện kết quả nghiên cứu thành công của Công ty Biopharm Hòa Bình về công nghệ nhân giống và nuôi trồng 3 loại cây dược liệu trước đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt Dự án nói trên.
Mục tiêu sản xuất thử nghiệm là hoàn thiện được quy trình nhân giống, nuôi trồng Lan gấm, Nưa Konjac và cây Sâm cau quy mô lý thuyết 550.000 cây giống/1năm, để phát triển nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành dược. Nhân nhanh 300.000-550.000 cây giống mỗi loại đủ tiêu chuẩn, có chất lượng và phát triển mô hình vườn trồng sản xuất thương phẩm qui mô 1 ha Sâm cau, 0,5 ha Lan gấm và 1 ha Nưa Konjac tại Hợp tác xã Linh Dược Sơn.
Tại buổi họp, ông Đỗ Đức Nhuận - Chủ nhiệm Dự án đã báo cáo kết quả thực hiện Dự án. Theo ông Nhuận, cây Sâm cau, Lan Gấm và Nưa Konjac được thu thập và tuyển chọn từ nhiều nguồn. Sau khi đánh giá về hình thái, các cây này được đưa về trồng tại vườn giống gốc của công ty cổ phần Biopharm Hòa Bình để cung cấp mẫu cho quá trình nhân giống in vitro. Mắt ngủ trên thân và củ của Sâm cau, Lan gấm, Nưa Konjac được sử dụng để tạo vật liệu khởi đầu trong quá trình nhân giống in vitro.
Vườn ươm cây Nưa Konjac.
Để thực hiện Dự án, nhóm nghiên cứu đã triển khai các nội dung chính: Hoàn thiện công nghệ nhân nhanh invitro và nuôi trồng cây Sâm cau; Hoàn thiện công nghệ nhân nhanh invitro và nuôi trồng cây Lan gấm; Hoàn thiện công nghệ nhân nhanh invitro và nuôi trồng cây Nưa Konjac; Xây dựng mô hình vườn sản xuất cây Sâm cau; Xây dựng mô hình vườn sản xuất cây Lan gấm; Xây dựng mô hình vườn sản xuất cây Nưa Konjac; Thành lập 1 doanh nghiệp KH&CN.
Kết quả, Dự án đã hoàn thành đúng tiến độ và thực hiện tốt nội dung các công việc theo thuyết minh và hợp đồng đã ký: hoàn thiện 1 quy trình nhân giống nhân giống invitro và 1 quy trình trồng cây Sâm cau; hoàn thiện được 1 quy trình nhân giống nhân giống invitro và 1 quy trình trồng cây Lan gấm; Đã hoàn thiện được 1 quy trình nhân giống nhân giống invitro và 1 quy trình trồng cây Nưa Konjac.
Dự án đã thực hiện tốt nội dung xây dựng mô hình sản xuất các loại cây dược liệu Sâm cau, Lan gấm và Nưa Konjac với tổng diện tích mỗi mô hình từ 0,5- 1 ha và sản xuất được 510.000 – 530.000 cây giống mỗi loại. Đồng thời, đã đào tạo và tập huấn 23 kỹ thuật viên, công nhân và 60 nông dân về kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cho mỗi loại cây Sâm cau, Lan gấm và Nưa Konjac. Đặc biệt, đã thành lập được 1 doanh nghiệp KH&CN với tên gọi “Công ty TNHH một thành viên Linh Dược Sơn”. Đây là đầu mối chuyển giao công nghệ trong sản xuất dược liệu, tạo ra hướng phát triển mới của KH&CN trong vùng.
Việc nhân giống và nuôi trồng cây Lan gấm, Sâm cau và Nưa Konjac góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt cho đồng bào dân tộc miền núi. Sản phẩm của Dự án là nguồn mẫu cây giống góp phần làm phong phú nguồn gen để bảo tồn, cung cấp giống cho thị trường. Dự án mang tính khả thi cao, có hiệu quả kinh tế xã hội và khoa học. Việc triển khai thành công Dự án sẽ là nền tảng quan trọng, vững chắc để phát triển ngành sản xuất cây giống và sản xuất nguyên liệu thô cung cấp cho ngành dược sản xuất thực phẩm chức năng theo hướng ứng dụng công nghệ cao tại miền Bắc Việt Nam.
Với những kết quả đã đạt được, đề tài đã được Hội đồng KH&CN nghiệm thu cấp Nhà nước nhất trí nghiệm thu và đánh giá đạt loại Khá.