Thứ sáu, 15/09/2017 15:44 GMT+7

Hội thảo “Hệ thống và công cụ quản lý nâng cao năng suất chất lượng - Nền tảng cho doanh nghiệp tham gia vào ngành Công nghiệp Phụ trợ và hội nhập quốc tế”

Sáng ngày 15/9/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Hệ thống và công cụ quản lý nâng cao năng suất chất lượng - Nền tảng cho doanh nghiệp tham gia vào ngành Công nghiệp Phụ trợ và hội nhập quốc tế”.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Nguyễn Nam Hải cho rằng, một doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì cần phải có thực lực công nghệ. Công nghệ để tạo ra được các sản phẩm hàng hóa đáp ứng các chỉ tiêu của bạn hàng. Tuy nhiên, có công nghệ nhưng cần phải quản lý tốt.

“Nếu chúng ta không quản lý tốt sẽ xảy ra 2 vấn đề. Thứ nhất là có công nghệ nhưng các biện pháp quản lý không chuẩn sẽ dẫn đến sản phẩm tạo ra bởi công nghệ đó chưa chắc đã đáp ứng được các chỉ tiêu chất lượng mà bạn hàng đặt ra. Thứ hai, ngay cả khi có nền công nghệ và làm ra chất lượng sản phẩm tốt nhưng làm ra chi phí không phù hợp thì sẽ không thể giải được bài toán lợi nhuận. Do đó, một trong những vấn đề giải được bài toán trên chính là nâng cao năng suất chất lượng” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh. 
 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Nam Hải phát biểu tại Hội thảo
 

Tổng cục TCĐLCL, Bộ Khoa học và Công nghệ nhận thấy đây là nội dung cần thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ lẻ, doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa không phải là vấn đề mới, đã được triển khai tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhưng nó phải thay đổi, phải cải tiến và bổ sung thêm nhiều hoạt động khác.

“Dưới áp lực của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 nó đặt chúng ta phải giải bài toán năng suất chất lượng trong một hoàn cảnh mới. Ví dụ, nếu có hoạt động tham gia của robot trong sẽ thay thế được công nhân. Do đó, bài toán năng suất chất lượng cần phải phát triển, nghiên cứu, thay đổi, và triển khai trong bối cảnh mới” - Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải chia sẻ.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải cho rằng việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm là vấn đề trọng yếu của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với kinh tế thế giới qua các hiệp định thương mại tự do. Muốn vậy, các doanh nghiệp phải có các kiến thức sâu về năng suất và chất lượng.

Tại Hội thảo các diễn giả đã giới thiệu đến doanh nghiệp nhiều chương trình đào tạo, các dự án hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn về đổi mới sáng tạo, về quản lý chất lượng ISO 9001, ISO 14000, ISO 17025, về các công cụ cải tiến năng suất như 5S, Kaizen, 6 Sigma, Lean, KPI… Hội thảo hy vọng là cầu nối để những doanh nghiệp có thể tiếp cận đến “Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải hy vọng thông qua Hội thảo, doanh nghiệp có thể hiểu và tiếp cận đến “Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.

Được biết, trong giai đoạn tới, các hoạt động của phong trào năng suất, chất lượng sẽ tiếp tục hướng vào các mục tiêu cụ thể gồm: Tập trung vào những ngành kinh tế mũi nhọn, lợi thế cao và tác dụng lan tỏa tới các ngành khác thông qua các chương trình hỗ trợ, chương trình ứng dụng các công cụ cải tiến liên tục, chương trình hỗ trợ về phát triển khoa học và công nghệ.

Đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng văn hóa cải tiến năng suất và ý thức công nghiệp; xây dựng, đào tạo và phát triển chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực năng suất; đẩy mạnh các khóa đào tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ văn hóa nhận thức về pháp luật cho người lao động. Nhà nước cũng sẽ tập trung tăng cường khích lệ doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ, là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, các chính sách cũng tập trung thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ tiềm năng tăng trưởng về quy mô thông qua các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn phát triển kinh doanh. Đặc biệt, sẽ hỗ trợ thông tin, kiến thức để các doanh nghiệp có thể xây dựng được các định hướng phát triển dài hạn.

Riêng đối với các doanh nghiệp ngành công nghiệp của Việt Nam, giải pháp chung được đưa ra là tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển về quy mô; khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường; ứng dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế và công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, hiện đại.
 

 

Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Lượt xem: 3290

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)