Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng; ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nhiệp KH&CN; ông Dương Ngọc Tuấn - Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng; Đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
Bên cạnh đó, Hội thảo có sự tham dự của đại diện của Sở KH&CN các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia khởi nghiệp và đại diện hơn 20 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Khởi nghiệp ĐMST hiện nay đã và đang là chủ đề được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ngày càng đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST nói chung và hoạt động khởi nghiệp ĐMST nói riêng tuy mới hình thành từng ngày nhưng ngày càng phát triển và đã đạt được những kết quả khả quan trong giai đoạn gần đây. Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) với 11 nội dung hỗ trợ thuộc 3 nhóm hỗ trợ cơ bản thúc đẩy liên kết trong cộng đồng khởi nghiệp, nâng cao năng lực của các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp và sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách cần thiết và đặc thù cho khởi nghiệp ĐMST. Mục tiêu của Đề án đến năm 2020 hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; thiết lập được Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST quốc gia; Hỗ trợ được 800 dự án, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó 50 doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sát nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 1000 tỷ đồng. Đến năm 2025 hỗ trợ phát triển 2000 dự án khởi nghiệp ĐMST; hỗ trợ phát triển 600 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST; 100 doanh nghiệp tham gia Đề án gọi được vốn đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sát nhập, với tổng giá trị ước tính khoảng 2000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Để triển khai thực hiện Đề án, Bộ KH&CN đã thành lập Ban Điều hành Đề án để định hướng triển khai Đề án 844 và tiến hành tiếp nhận hồ sơ của các tổ chức tham gia thực hiện các nhiệm vụ đặt hàng trong đợt tuyển chọn đầu tiên và đã tiếp nhận được 67 hồ sơ và lựa chọn được 9 hồ sơ hỗ trợ triển khai các hoạt động thuộc Đề án. Đồng thời, Bộ KH&CN đã phối hợp với các thành viên của Ban Điều hành Đề án 844 xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai Đề án từ nay đến năm 2025, xây dựng thông tư quản lý Đề án, xây dựng tiêu chí chuyên gia, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng thông tư hướng dẫn tài chính Đề án, phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST như sự kiện Techfest, phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp APEC 2017.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, trong quá trình hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Việt Nam điều quan trọng là phải xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các Vùng miền với trọng tâm là các Vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các trường Đại học trong cả nước để thông qua đó giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp ĐMST trong Vùng và cả nước. Đây chính là tiền đề để xây dựng mối liên kết với các thành phần của Hệ sinh thái Vùng với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế.
Tại Hội thảo này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cũng bày tỏ mong muốn các nhà quản lý, nhà khoa học, trường đại học, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức tài chính vùng đồng bằng sông Hồng, các đại biểu, đại diện các Sở KH&CN các tỉnh, thành phố, cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá những thuận lợi, khó khăn vướng mắc để đề xuất các giải pháp liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu tại Hội thảo
Ông Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: Trong những năm qua, Hải phòng nhận thức sâu sắc vai trò và tầm quan trọng của phát triển KH&CN. Tác động đa chiều của toàn cầu hóa, tự do thương mại hóa, sự phát triển mạnh mẽ của KH&CN thế giới, xu thế định hình và phát triển của Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ mang lại cơ hội và thách thức rất lớn cho Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng. Để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao và bền vững, thực hiện các mục tiêu chiến lược về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất yếu phải dựa vào KH&CN mà lực lượng trung tâm là các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp ĐMST.
Khởi nghiệp ĐMST thường gắn với rủi ro, nhưng khi đã thành công thì có giá trị rất lớn, có sức cạnh tranh cao, có tính đột phá, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế, giúp nền kinh tế của chúng ta tăng tốc phát triển, đi tắt đón đầu, thu hẹp khoảng cách với khu vực và thế giới. Để hạn chế rủi ro, những ý tưởng, dự án ĐMST nảy mầm và phát triển, nhà nước cần thúc đẩy tạo lập và hỗ trợ phát triển một môi trường ươm tạo tốt – một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST lành mạnh sẽ giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có điều kiện phát triển thành công.
Trong thời gian tới, Thành phố Hải Phòng sẽ xây dựng Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tổng hợp, xây dựng Cổng thông tin khởi nghiệp ĐMST, định kỳ hàng năm tổ chức Ngày hội khởi nghiệp ĐMST. Xây dựng và thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp ĐMST; các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và các tổ chức, quỹ đầu tư, các tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất kĩ thuật cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Đồng thời kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của thành phố với các thành phần hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài. Ông Lê Khắc Nam khẳng định.
Tại Hội thảo các tham luận tập trung thảo luận xung quanh các vấn đề như: Giới thiệu về Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST và kế hoạch triển khai Đề án 844; Xây dựng và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST thành phố Hải phòng trong mối liên kết với Hệ sinh thái Vùng đồng bằng sông Hồng; Vai trò của trường Đại học Hải Phòng trong xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST TP Hải Phòng và định hướng phát triển hoạt động khởi nghiệp ĐMST của nhà trường trong mối liên kết với các trường đại học Vùng Đồng bằng Sông Hồng; Xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong nông nghiệp; Chia sẻ bài học thành công.
Đặc biệt, trong khuôn khổ của Hội thảo, 02 tọa đàm đã được tổ chức tập trung thảo luận về các vấn đề xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST ở Trung ương và địa phương và xây dựng cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong một số lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, du lịch.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục chung tay cùng nhiều Bộ, ngành, địa phương triển khai các nội dung của Đề án 844. Tuy nhiên, do hoạt động khởi nghiệp ĐMST rất khác với khởi nghiệp truyền thông, nên việc triển khai toàn diện các nội dung thuộc Đề án là rất cần thiết để thiết lập một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST phát triển bền vững, tạo lập môi trường hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thành công. Bên cạnh đó, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn với các Bộ, ngành có liên quan để đưa các nội dung trong Đề án vào kế hoạch triển khai, tiếp tục rà soát để phân công công việc cho các bộ, ngành, địa phương.
Trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, ngoài liên kết quốc tế còn rất cần chú trọng xây dựng và phát triển được hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các Vùng miền với trọng tâm là các Vùng kinh tế và hệ thống khởi nghiệp ĐMST ở các trường Đại học trong cả nước để thông qua đó giúp tạo dựng và lan tỏa văn hóa khởi nghiệp.
Hội thảo là diễn đàn rất hữu ích để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp thành công trong và ngoài nước; là dịp để trao đổi thông tin, thảo luận từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của các tỉnh, thành phố Vùng Đồng bằng sông Hồng góp phần kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vùng Đồng bằng sông Hồng với hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của quốc gia và quốc tế. Hội thảo ngày hôm nay chính là tiền đề để xây dựng cổng thông tin kết nối các Vùng với quốc gia và quốc tế và cơ hội để liên kết các thành phần của Hệ sinh thái Vùng với hệ sinh thái quốc gia và quốc tế.
Trước đó, đoàn công tác của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN đã có buổi làm việc với trường Đại học Hải Phòng và Đại học Hàng hải Việt Nam. Qua đó, cho thấy trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cả ba giai đoạn chính: Hình thành ý tưởng; phát triển sản phẩm và tăng trưởng. Đối với giai đoạn thứ ba khi hệ sinh thái có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển tốt, trường đại học cần đóng vai trò tiên phong cung cấp những tài năng kinh doanh, nguồn lực chất lượng tốt với tư duy, kỹ năng và trải nghiệm hữu ích để doanh nghiệp tăng trưởng bền vững. Như vậy, trường đại học vừa trang bị cho người học những kỹ năng, kiến thức và trải nghiệm để sẵn sàng khởi nghiệp khi có hướng đi đổi mới sáng tạo thực sự vừa thực thi tốt vai trò của mình trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.
Trong khuôn khổ sự kiện, đã diễn ra chương trình tuyển chọn và trao thưởng cho các ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu. Ban tổ chức đã lựa chọn 5 trong số 13 ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc nhất để tham gia Techfest Việt Nam 2017 - sự kiện lớn nhất dành cho cộng đồng khởi nghiệp, do Bộ KH&CN tổ chức.