Chủ nhật, 20/08/2017 13:05 GMT+7

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 95/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

 

Theo quy định, Bộ KH&CN là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ bao gồm: Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc bộ quản lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể.

Bộ KH&CN trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của Chính phủ và các nghị quyết, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm, hằng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia của ngành thuộc lĩnh vực do Bộ KH&CN quản lý.

Đồng thời, phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN 5 năm, kế hoạch KH&CN hằng năm, các nhiệm vụ KH&CN thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ phù hợp với chiến lược phát triển KH&CN và theo phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ sau khi được ban hành, phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về KH&CN; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật theo thẩm quyền trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Nghị định cũng nêu rõ, Bộ KH&CN kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành có liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Nếu phát hiện những quy định đó có dấu hiệu trái với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý thì kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ hướng dẫn, kiểm tra đối với ngành nghề kinh doanh thuộc ngành, lĩnh vực theo danh mục do Chính phủ quy định; quản lý việc cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký trong phạm vi quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực của Bộ; hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc trung ương.

Về hoạt động KH&CN, Bộ có nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN 5 năm và hằng năm, thúc đẩy việc phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật trọng điểm trên cơ sở ứng dụng, đổi mới và làm chủ công nghệ, phát triển công nghệ mới, công nghệ cao và thương mại hóa công nghệ. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch KH&CN 5 năm, hằng năm và nghiệp vụ quản lý hoạt động KH&CN. Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch KH&CN 5 năm, hằng năm. Hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc chứng nhận các hoạt động công nghệ cao; quy định điều kiện đối với cơ sở ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng thông tin về công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao;… Cùng với đó, hướng dẫn việc xác định, đặt hàng, tuyển chọn, giao trực tiếp, đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN; việc giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Khai thác, ứng dụng, thương mại hóa công nghệ, công bố, tuyên truyền kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Bộ có nhiệm vụ quản lý các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ; xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; kiểm tra, giám sát và thanh tra chuyên ngành quá trình thực hiện và sau nghiệm thu các chương trình, đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước.

Bộ có nhiệm vụ hướng dẫn, đăng ký hoạt động đối với các tổ chức KH&CN, quỹ phát triển KH&CN, quỹ đổi mới công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao theo quy định của pháp luật; hỗ trợ tổ chức, cá nhân đổi mới công nghệ, tìm kiếm công nghệ, nhập khẩu công nghệ, khai thác sáng chế, giải mã và làm chủ công nghệ. Đồng thời, Bộ quy định và hướng dẫn hoạt động chuyển giao công nghệ, đánh giá, giám định công nghệ; cấp phép chuyển giao công nghệ và chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ theo phân cấp; thẩm định hoặc có ý kiến về nội dung KH&CN của các dự án đầu tư, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực, các chương trình, đề án nghiên cứu khoa học phục vụ hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường KH&CN.

Về phát triển tiềm lực KH&CN, Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch mạng lưới các tổ chức KH&CN công lập và tổ chức thực hiện sau khi được ban hành; ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN; hướng dẫn hoạt động thông tin, truyền thông, thư viện, thống kê trong lĩnh vực KH&CN, phát triển thị trường KH&CN;…

Liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ xây dựng, hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về SHTT; quy định quy trình, thủ tục đăng ký và xác lập quyền SHTT, quyền sử dụng và chuyển nhượng tài sản trí tuệ của tổ chức, cá nhân; quản lý nhà nước về hoạt động sáng kiến; hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc xác lập, giao quyền sở hữu công nghiệp; giải quyết các tranh chấp về sở hữu công nghiệp và tranh chấp thương mại liên quan đến sở hữu công nghiệp;...

Về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Bộ có nhiệm vụ quản lý hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam; thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia; ; hướng dẫn xây dựng và thẩm định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài ở Việt Nam; hướng dẫn xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương; quản lý việc thiết lập, duy trì, bảo quản, sử dụng, phát triển và ứng dụng hệ thống chuẩn đo lường; phê duyệt chuẩn đo lường quốc gia; tổ chức nghiên cứu, triển khai, ứng dụng, phát triển, chế tạo, sản xuất sản phẩm, chất chuẩn, thiết bị đo lường;...

Bộ KH&CN còn có nhiệm vụ quản lý nhà nước về ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - kỹ thuật; quản lý an toàn bức xạ, phóng xạ môi trường, an toàn hạt nhân, an ninh nguồn phóng xạ, an ninh hạt nhân và thanh sát hạt nhân đối với các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trên phạm vi cả nước...

Đồng thời, tổ chức thực hiện các chương trình, hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương, đề án hội nhập quốc tế và khu vực về KH&CN; triển khai mạng lưới đại diện KH&CN ở nước ngoài; đại diện chính thức của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực KH&CN theo phân công, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng...

Theo Nghị định 95, Bộ có 25 đơn vị gồm: Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên; Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật; Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ; Vụ Công nghệ cao; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Thi đua - Khen thưởng; Vụ Phát triển KH&CN địa phương; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Công tác phía Nam; Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Cục Năng lượng nguyên tử; Cục Thông tin KH&CN quốc gia; Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Cục Sở hữu trí tuệ; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Học viện KH,CN và Đổi mới sáng tạo; Báo Khoa học và Phát triển; Tạp chí KH&CN Việt Nam; Trung tâm Công nghệ thông tin./.

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 3860

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)