Tới tham dự buổi tập huấn có các giảng viên đến từ Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Viện Khoa học kỹ thuật & hạt nhân, 30 học viên là các cán bộ nghiên cứu viên, kỹ thuật viên đang công tác tại Viện Công nghệ xạ hiếm đã tham gia khóa tập huấn.
Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, TS. Hoàng Nhuận - Viện trưởng Viện Công nghệ xạ hiếm, Trưởng ban ứng phó sự cố khẳng định: “Đối với các viện nghiên cứu, công tác ứng phó sự cố là rất quan trọng để đảm bảo các hoạt động nghiên cứu của Viện. Do đặc thù là một Viện chuyên nghiên cứu nguyên vật liệu hạt nhân, chế biến quặng từ Uran và xử lý chất thải phóng xạ, nguy cơ xảy ra các sự cố liên quan đến các nguồn phóng xạ hở là rất cao. Vì vậy, đây là một nhiệm vụ rất quan trọng và được sự quan tâm lớn của Viện Công nghệ xạ hiếm. Đây cũng là lần đầu tiên Viện Công nghệ xạ hiếm tổ chức khóa tập huấn này. Cũng chính vì vậy đề nghị các học viên tham gia đầy đủ, nghiêm túc đạt hiệu quả cao”.
Thay mặt cho các giảng viên, TS. Vương Thu Bắc đã phát biểu: “Việc tổ chức các khóa tập huấn ứng phó sự cố là vô cùng cần thiết và nên diễn ra thường xuyên để các cán bộ trong Viện hiểu rõ các quy tắc cũng như các phương pháp đảm bảo an toàn, trước hết là cho chính bản thân họ, sau đó là cho công việc chung. Các bài giảng đã được giảng viên soạn thảo dựa trên các tài liệu có uy tín chất lượng từ IAEA, Nhật Bản …và các giảng viên chủ yếu là trao đổi, truyền đạt lại những kiến thức, những thông tin đến cho các học viên. Rất mong sự hợp tác từ các học viên để khóa tập huấn thành công tốt đẹp”. Ngay sau đó, các học viên đã lần lượt được nghe các bài giảng về: “Các khái niệm cơ bản về bức xạ ion hóa; ghi đo bức xạ”, “Chuẩn bị và ứng phó sự cố”, “Bảo vệ nhân viên ứng phó sự cố bức xạ”, “Phương pháp ghi đo trong một sự cố bức xạ”.
Nội dung các bài giảng đã được các giảng viên soạn thảo chi tiết, trình bày sinh động. Các học viên sau khi nghe nội dung các bài giảng đã tham gia trao đổi sôi nổi để làm rõ thêm các thông tin cần quan tâm.
Sáng ngày 15/8/2017, các học viên tập trung để thảo luận nội dung diễn tập. Kịch bản diễn tập được lựa chọn là đổ vỡ nguồn phóng xạ. Các học viên được chia thành các nhóm chuyên biệt phụ trách các phần trong kịch bản, gồm có: Ban chỉ huy diễn tập do Sỹ quan an toàn của Viện ThS. Phùng Vũ Phong phụ trách; Nhóm phát hiện do TS. Nguyễn Trọng Hùng phụ trách; Nhóm kiểm xạ và ghi đo do ThS. Đoàn Thanh Sơn trưởng nhóm; Nhóm tẩy xạ và thu gom do đồng chí Lưu Cao Nguyên phụ trách. Khu vực được chọn làm nơi diễn tập là sảnh trước của Viện Công nghệ xạ hiếm. Mọi trang thiết bị và dụng cụ cần thiết đã được chuẩn bị đầy đủ và tập kết tại sảnh. Nguồn phóng xạ được lựa chọn là nguồm Am - 241, 25 mCi và bột yellowcake. Các nhóm chuyên biệt được trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ lao động, mặt nạ và kính phòng hộ, liều kế các nhân và liều kế phát hiện nhanh. Các thiết bị được sử dụng gồm các máy đo suất liều phóng xạ và máy đo nhiễm bẩn bề mặt. Nhóm tẩy xạ có đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ để tiến hành tẩy xạ và thu gom như giấy lau, khăn lau, dụng cụ gắp mẫu, thùng đựng v.v… Dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, các nhóm chuyên biệt lần lượt thực tập các phần trong kịch bản. Sau khi các nhóm thực tập riêng, cả đội đã khớp lại với nhau. Các giảng viên cùng với các học viên đã trao đổi nhiệt tình, thảo luận các chi tiết để nội dung kịch bản cụ thể và hiệu quả hơn.
14h00 chiều cùng ngày, buổi diễn tập chính thức đã diễn ra. Quá trình diễn tập được thực hiện đầy đủ các bước trong 30 phút. Các nhóm chuyên biệt đã tiến hành các bước đúng như diễn tập. Tuy còn một số điểm chưa đạt được như mong muốn nhưng buổi diễn tập đã diễn ra tốt đẹp. Toàn bộ buổi diễn tập đã được quay phim lại. Sau khi xem lại băng quay, TS. Vương Thu Bắc đã có một số nhận xét góp ý, tuy nhiên cũng khẳng định về cơ bản các nhóm đã hoàn thành tốt nội dung diễn tập, đặc biệt là nhóm tẩy xạ và thu gom. Khóa tập huấn, diễn tập công tác ứng phó sự cố bức xạ tại Viện Công nghệ xạ hiếm đã thành công tốt đẹp.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tập huấn: