Thứ tư, 16/08/2017 21:15 GMT+7

Lễ trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên

Trong khuôn khổ Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên lần thứ nhất, Hội chợ thương mại đặc sản các vùng miền năm 2017, tối 7/8, tại Quảng trường thành phố Hưng Yên, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã công bố và trao Quyết định cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên.

Tại buổi khai mạc Lễ hội, ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý số 00055 cấp cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên. Sở KH&CN Hưng Yên là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Khu vực địa lý cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên bao gồm thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Tiên Lữ, huyện Kim Động thuộc tỉnh Hưng Yên.

 

Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên

 

Nhãn lồng Hưng Yên có đặc điểm hình thái nổi bật và dễ nhận biết. Quả nhãn tròn, vỏ quả màu nâu sẫm, đường kính quả từ 25,61 đến 29,36 mm, chiều cao quả từ 23,98 đến 27,61 mm, trọng lượng quả từ 9,35 đến 13,28 g/quả. Hàm lượng vitamin C từ 45,12 đến 59,32 mg/100g, axit hữu cơ tổng số từ 0,04 – 0,17 %, đường tổng số 13,89 đến 17,37%, hàm lượng chất rắn hòa tan từ 17,63 đến 20,88 độ Brix, hàm lượng nước từ 18,38 – 22,09. Hương vị nhãn lồng Hưng Yên rất đặc trưng, mùi thơm tinh khiết và dịu mát, cùi quả dày, ráo nước, màu trắng trong, giòn, vị ngọt đậm.

 


Nhãn lồng Hưng Yên có được danh tiếng và đặc thù như vậy là nhờ khu vực địa lý rất thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây nhãn lồng và kinh nghiệm tích lũy được của người dân. Khu vực trồng nhãn lồng Hưng Yên có địa hình bằng phẳng, dọc theo sông Hồng và sông Luộc nên đất đai màu mỡ, địa hình không đồng đều, hướng dốc từ tây bắc xuống đông nam, xen kẽ là những ô đất trũng thường xuyên bị ngập nước tạo thành các dải, các khu, vùng cao thấp xen kẽ nhau như làn sóng. Kinh nghiệm của người dân trồng nhãn cũng góp phần không nhỏ làm cho danh tiếng của nhãn lồng Hưng Yên ngày một nhiều người biết đến. Bên cạnh kỹ thuật trồng và chăm sóc được tích lũy từ lâu đời, người dân trồng nhãn đã tích cực tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch và chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt.

 

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

Lượt xem: 2813

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)