Việc ứng dụng KH-CN trong sản xuất sẽ giúp sản phẩm đạt chất lượng cao, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn
Nhiều chương trình thiết thực
Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN về nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn TPHCM đang được triển khai mạnh mẽ, với mục tiêu là tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng, nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân…
Theo báo cáo của Sở KH-CN TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, sở đã khảo sát, kết nối xác định các nhu cầu ứng dụng KH-CN cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn các quận, huyện; triển khai các chương trình hỗ trợ thiết thực như: Xây dựng thương hiệu làng hoa kiểng Thủ Đức cho nông dân làng nghề hoa kiểng; xây dựng mô hình máy sấy tổ yến và nhãn hiệu cho sản phẩm yến sào huyện Cần Giờ; thiết kế, chế tạo hệ thống trộn và đóng bao bột nhang cho nông dân tại làng nghề se nhang Lê Minh Xuân; thiết kế, chế tạo hệ thống cấp liếp vào băng tải cho nông dân sản xuất bánh tráng tại Hóc Môn… Bên cạnh đó, nhiều quận, huyện cũng chủ động đề xuất các đề tài ứng dụng KH-CN cho doanh nghiệp, như: Xử lý khói trong sản xuất tàu hủ tại quận Tân Phú; nuôi cua thương phẩm trên ruộng muối huyện Cần Giờ; hệ thống rửa củ nghệ tươi cho các hộ dân huyện Củ Chi; ứng dụng công nghệ sấy thủy sản tại huyện Cần Giờ...
Trong chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN về nông nghiệp, Sở KH-CN đã tiếp nhận 19 yêu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và lựa chọn được 7 dự án để triển khai: Xây dựng mô hình công nghệ nuôi thương phẩm tôm càng xanh toàn đực theo hướng VietGAP (quận 9); Áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý giống và sản xuất tại Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (Củ Chi); Xây dựng mô hình chăn nuôi tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm ảnh hưởng đến môi trường trong chăn nuôi bò sữa (Củ Chi); Chuyển giao giống heo có nguồn gốc Đan Mạch tại Hợp tác xã chăn nuôi heo Tiên Phong; Nhân giống lan Mokara cắt cành bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (Củ Chi); Mô hình trồng dưa lưới trên giá thể nhà màng áp dụng tưới nhỏ giọt (Nhà Bè); Thiết kế, chế tạo thiết bị sấy áp dụng hiệu ứng nhà kính với dàn sấy tự động cho cá sặc rằn (Củ Chi).
Xây dựng ít nhất 120 mô hình
Theo ông Trần Thu Bích, Trưởng phòng Quản lý KH-CN cơ sở, tuy các quận, huyện đã có sự chủ động hơn nhưng nhìn chung, việc triển khai các hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở chưa được thực hiện nhiều, chưa đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực quản lý về KH-CN. Phân tích nguyên nhân của thực trạng trên, ông Bích cho rằng ở cấp quận, huyện chưa có cán bộ chuyên trách về KH-CN, cán bộ kiêm nhiệm lại thường xuyên thay đổi, nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của hoạt động KH-CN. Vì vậy, việc ứng dụng KH-CN để nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị công lập, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp là 2 nội dung mà hoạt động KH-CN cấp cơ sở cần chú trọng, tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Và để lĩnh vực KH-CN ở cấp quận, huyện phát triển mạnh hơn, trong giai đoạn 2016-2020, Sở KH-CN đã đưa ra các mục tiêu cụ thể: Xây dựng được ít nhất 120 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN có hiệu quả và ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng KH-CN theo chuỗi giá trị hàng hóa; chuyển giao được ít nhất 150 lượt công nghệ mới, tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho ít nhất 50 cán bộ quản lý và 50 kỹ thuật viên cơ sở, cùng khoảng 3.000 lượt nông dân (để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn, giúp nông dân mở rộng việc áp dụng các tiến bộ KH-CN đã được chuyển giao); có ít nhất 1 doanh nghiệp KH-CN hoạt động chuyển giao KH-CN phục vụ phát triển nông thôn…
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết trong thời gian tới, sở tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác triển khai các mô hình ứng dụng KH-CN cho các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, nâng năng suất và chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo ở cấp cơ sở. Đồng thời, phát động các cuộc thi sáng kiến cộng đồng, đổi mới sáng tạo cho giáo viên và học sinh trên địa bàn quận, huyện. “Trong quá trình tìm hiểu thực tế, những vấn đề gì cần cải tiến, đổi mới, các quận, huyện có thể đề xuất với Sở KH-CN xem xét, hỗ trợ để triển khai ngay”, ông Nguyễn Việt Dũng khẳng định.
“Hiện nay, Sở KH-CN TPHCM có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp, như đào tạo đội ngũ chuyên gia về quản trị năng suất, chất lượng; tư vấn nâng cao năng suất, chất lượng; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, sản phẩm mới, đổi mới công nghệ; hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo... Khi có nhu cầu, mời các doanh nghiệp liên lạc với sở để được hỗ trợ”, bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, Phó phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, cho biết.
|