Tham dự phiên khai mạc Hội nghị có: ông Phạm Công Tạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN; ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; bà Lê Vinh Liên Trang, Phó Giám đốc Sở KH&CN Khánh Hòa; và gần 400 đại biểu là các cán bộ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng năng lượng nguyên tử đến từ các tổ chức KH&CN, giáo dục và đào tạo, các cán bộ quản lý thuộc các bộ, ngành, cơ quan, địa phương liên quan trong cả nước, nghiên cứu sinh và sinh viên các trường đại học và hơn 40 giáo sư, nhà khoa học, chuyên gia quốc tế đến từ các quốc gia có nền KH&CN hạt nhân tiên tiến như Liên Bang Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc, Hà Lan, Bỉ, Romania, Hungary, Ấn Độ, Singapore v.v.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị vào sáng ngày 02/08/2017, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh “Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và đào tạo trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, ngành năng lượng hạt nhân Việt Nam phải tiếp tục vượt qua nhiều khó khăn, thách thức nhằm đạt được các mục tiêu phát triển, trong đó tập trung vào việc nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân; hỗ trợ tiếp thu, làm chủ, chuyển giao và phát triển công nghệ; tạo ra nhiều công nghệ, sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng những yêu cầu của đất nước”.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Viện trưởng Trần Chí Thành cho biết: Ứng dụng năng lượng nguyên tử đã được hình thành và phát triển hơn 40 năm tại Việt Nam, đã thực sự đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Mặc dù chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam đang tạm dừng, nhưng nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử vẫn tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ tại Việt Nam. Hiện nay, ngành năng lượng nguyên tử cần tập trung chú trọng giải quyết 4 nhiệm vụ chính: Phát triển năng lực, chuẩn bị nguồn nhân lực về lò nghiên cứu để xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân với lò nghiên cứu mới; Giữ năng lực và nguồn nhân lực cho việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai khi có yêu cầu; Chuẩn bị năng lực cho việc ứng phó sự cố, và Thúc đẩy các kỹ thuật tiên tiến cho ứng dụng phi năng lượng trong lĩnh vực hạt nhân. Trong bối cảnh như vậy, tôi tin tưởng rằng Hội nghị KH&CN hạt nhân lần thứ 12 sẽ đóng góp quan trọng và đáng kể cho việc thực hiện các nhiệm vụ nêu trên.
Thay mặt Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Duy Bắc, Phó Chủ tịch cho biết: Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa có một số cơ quan, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp có các hoạt động nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử, sử dụng nguồn phóng xạ và thiết bị bức xạ như: Viện Hải dương học Nha Trang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Trường Đại học Nha Trang, Nhà máy đường Cam Ranh, Công ty TNHH Nhà Nước một thành viên Yến Sào Khánh Hòa, Liên đoàn Địa chất thủy văn địa chất công trình Miền Trung. Hội nghị lần này là một cơ hội tốt cung cấp cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp KH&CN bức tranh toàn cảnh về ứng dụng năng lượng nguyên tử của nước ta; trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tạo điều kiện xây dựng quan hệ hợp tác và chuyển giao các công nghệ mới và hiệu quả nhằm góp phần thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trên cả nước, trong đó có Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ.
Qua việc tiến hành phản biện các bài báo một cách nghiêm túc của Hội đồng khoa học, Hội nghị đã chọn được 235 báo cáo, trong đó có 135 báo cáo được trình bày (Oral presentation) tại 6 Tiểu ban chuyên môn và 79 báo cáo dán bảng (Posters).
Các Tiểu ban chuyên môn bao gồm:
- Tiểu ban A: Điện hạt nhân, Lò phản ứng và Đào tạo nguồn nhân lực.
- Tiểu ban B: Vật lý hạt nhân, Số liệu hạt nhân, Máy gia tốc và Phân tích hạt nhân.
- Tiểu ban C: Ghi đo bức xạ, An toàn bức xạ, và Quan trắc môi trường.
- Tiểu ban D1-D2: Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong Y tế và Công nghiệp.
- Tiểu ban D3-D4: Ứng dụng công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong Nông nghiệp và các lĩnh vực khác.
- Tiểu ban E: Hóa phóng xạ và Hóa học hạt nhân, Công nghệ vật liệu hạt nhân, Chu trình nhiên liệu hạt nhân và Quản lý chất thải phóng xạ.
Đại diện Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân (JINR), Dubna, Liên bang Nga, GS. Mikhail Grigorievich Itkis trình bày tại phiên toàn thể Hội nghị
Tại Phiên toàn thể, ngày 02/08/2017, Hội nghị có 21 bài trình bày, các diễn giả khách mời là các nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu đến từ các viện nghiên cứu, các trường đại học, các bệnh viện và các tổ chức uy tín trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam và quốc tế. Đặc biệt, tại Hội nghị lần thứ 12 Viện NLNTVN phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo “Ứng dụng các kỹ thuật hạt nhân trong Công nghiệp, Nông nghiệp và Y tế” do các chuyên gia quốc tế đến từ IAEA, Cộng hòa Séc và Việt Nam trình bày.
Tại Phiên toàn thể, GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Phó Viện trưởng Viện NLNTVN trình bày kết quả ứng dụng kỹ thuật phân tích hạt nhân trong nghiên cứu bụi khí. Đại diện Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân (JINR), Dubna, Liên bang Nga, GS. Mikhail Grigorievich Itkis trình bày về các kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực hạt nhân và các kế hoạch nghiên cứu trong tương lai tại Dubna. Lần đầu tiên tham dự Hội nghị thuộc ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam, GS. Boris Hippolyte đại diện của Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) tại Geneva trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất của Vật lý hạt nhân hiện đại về Vật lý Plasma Quark-Gluon với thí nghiệm ALICE tại Large Hadron Collider (Máy gia tốc hạt lớn - gọi tắt là LHC). LHC là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton (một trong các loại hạt cơ bản) với động năng cực lớn. Mục đích chính của nó là phá vỡ những giới hạn và mặc định của mô hình chuẩn - những lý thuyết cơ bản hiện thời của vật lý hạt. Trên chu vi của máy gia tốc đối chùm LHC được lắp bốn hệ đo ATLAS, CMS, LHCb và ALICE. Hệ ALICE nghiên cứu một số hiện tượng vi mô của vật lý hạt nhân xảy ra ở năng lượng cao.
Đến từ Đại học Bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ, GS. Ayman Hawari hiện là Giám đốc Chương trình lò phản ứng hạt nhân của Bang Bắc Carolina và là thành viên của Hội hạt nhân Hoa Kỳ (American Nuclear Society, ANS) trình bày về kinh nghiệm nâng cấp, vận hành và ứng dụng lò phản ứng PULSTAR. Lò phản ứng R-1 nằm trong địa giới Bang North Carolina là lò phản ứng nghiên cứu đầu tiên được thiết kế, xây dựng và vận hành bởi một Viện nghiên cứu ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Kể từ khi xây dựng lò R-1 vào năm 1950, đến nay đã có 4 lò phản ứng hạt nhân ở Bang North Carolina ở ba địa điểm khác nhau. Đại diện Việt Nam, trong lĩnh vực nông nghiệp, GS. Lê Huy Hàm Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trình bày về Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp: Hiện trạng và triển vọng; và TS. Trần Duy Dương, Viện hợp tác nghiên cứu KH&CN khu vực châu Á- Thái Bình Dương (IAP) trình bày về Nghiên cứu các giống lúa đột biến cho năng suất, chất lượng và khả năng kháng chịu sâu bệnh cao bằng công nghệ hạt nhân.
PGS. Chung Keng Yeow, Viện Sáng kiến An toàn và Nghiên cứu hạt nhân (SNRSI), Singapore và GS. Chul Hwa Song, Viện Nghiên cứu năng lượng nguyên tử Hàn Quốc (KAERI), Hàn Quốc trình bày về kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu về an toàn hạt nhân ở Singapore cũng như chia sẻ về kinh nghiệm phát triển các công nghệ hạt nhân tại Hàn Quốc. Trong lĩnh vực nghiên cứu thủy văn đồng vị, TS. Đặng Đức Nhận, Đại học Điện lực, Bộ Công thương trình bày về Sự hình thành và thành phần hóa học của nguồn tài nguyên nước ngầm vùng đồng bằng sông Mê Kông.
Trong lĩnh vực nghiên cứu về cấu trúc hạt nhân, PGS. Nguyễn Quang Hưng, Đại học Duy Tân, trình bày về các kết quả nghiên cứu gần đây tại Việt Nam về cấu trúc của các mức kích thích trong hạt nhân nguyên tử. Một số kết quả mới nhất của nhóm nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí có uy tín trên thế giới của ngành hạt nhân (Nuclear Physics A). Công trình này hoàn toàn xuất phát từ các kết quả đo đạc thực nghiệm được thực hiện tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt sử dụng kỹ thuật trùng phùng gamma-gamma, đánh dấu một bước tiến mới trong việc công bố các kết quả nghiên cứu của ngành vật lý hạt nhân thực nghiệm của Việt Nam ra thế giới. Đại diện đến từ Viện Vật lý hạt nhân IPN Orsay-Pháp, TS. Serge Franchoo trình bày về Mẫu vỏ hạt nhân hiện nay: Góc nhìn từ thực nghiệm. TS. Dimiter Balabanski, ELI-NP, Magurele, Rumani trình bày về những Suy nghĩ về tương lai của quang tử hạt nhân.
Trong lĩnh vực Y tế, GS. Mai Trọng Khoa, Bệnh viện Bạch Mai, Việt Nam trình bày về Ứng dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư. Việt Nam là một trong những quốc gia ứng dụng thành công một số kỹ thuật hiện đại, tiên tiến có sử dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Người bệnh được hưởng lợi từ những kỹ thuật hiện đại này với chi phí hợp lý, giúp tăng cơ hội sống. Cụm công trình Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hoá trong chẩn đoán điều trị ung thư và một số bệnh lý do GS. Mai Trọng Khoa cùng các cộng sự thực hiện nghiên cứu trong suốt 20 năm vừa giành giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2016. Đây là một cụm công trình gồm 5 nhóm công trình, là tập hợp các kết quả nghiên cứu và đã được ứng dụng vào thực tiễn chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác tại Việt Nam.
Trong buổi Hội thảo IAEA, TS. Najat Mokhtar đại diện IAEA trình bày về các chương trình hợp tác kỹ thuật của IAEA hỗ trợ cho các nước thành viên nhằm đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. GS. Misak Jozef, đến từ Viện nghiên cứu hạt nhân UJV, Cộng hòa Séc đã giới thiệu về Vai trò thiết yếu của điện hạt nhân trong giảm thiểu phát thải khí nhà kính. TS. Rui Cardoso Pereira và TS. Sunil Sabharwal trình bày lần lượt về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong việc quản lý loài ruồi gây hại và các ứng dụng bức xạ hạt nhân. Về phía đối tác từ Việt Nam TS. Nguyễn Thị Thanh Hiền Viện Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày cụ thể hơn về quản lý loài ruồi gây hại trên địa bàn Bình Thuận và ông Lê Minh Tuấn, đại diện Trung tâm triển khai công nghệ bức xạ VINAGAMMA, thuộc Viện NLNTVN trình bày các kết quả ứng dụng kỹ thuật bức xạ tại VINAGAMMA tập trung vào các thành tựu đạt được và các thách thức trong tương lai trong việc triển khai ứng dụng bức xạ.
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra Triển lãm giới thiệu về Ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ với mục đích thông báo những kết quả trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, thiết bị và dịch vụ kỹ thuật hạt nhân trong phát triển kinh tế xã hội.
Phiên bế mạc của Hội nghị đã được diễn ra vào chiều ngày 04/08/2017. Đại diện các tiểu ban chuyên môn đã lần lượt báo cáo các kết quả chính và định hướng nghiên cứu trong thời gian sắp tới. PGS. Nguyễn Nhị Điền, đại diện Tiểu ban A, đã trình bày định hướng nghiên cứu như sau:
- Đối với nhà máy điện hạt nhân:
+ Nghiên cứu an toàn hạt nhân cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm về dòng chảy hai pha và đối lưu tự nhiên (tập trung vào xây dựng hệ thực nghiệm);
+ Nghiên cứu công nghệ lò phản ứng công suất thấp (SMR) thuộc thế hệ thứ 4 sử dụng nhiên liệu TRISO;
+ Tiếp tục nghiên cứu và sử dụng các chương trình mô phỏng để tính toán neutron, thủy nhiệt, phân tích an toàn (tất định và xác suất), cũng như các quá trình cơ học, hóa học và vật lý của nhà máy điện hạt nhân;
+ Nâng cao năng lực nghiên cứu và phân tích sự cố nghiêm trọng và quản lý tai nạn của nhà máy điện hạt nhân.
- Đối với lò nghiên cứu:
+ Tiếp tục nghiên cứu thiết kế cho lò phản ứng hạt nhân mới của dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, chú trọng đến cả vận hành an toàn và sử dụng hiệu quả lò phản ứng nghiên cứu (đường dòng, các phòng thí nghiệm,…);
+ Tiếp tục nghiên cứu vật lý hạt nhân, vật lý neutron, thủy nhiệt và thực hiện các thí nghiệm trên lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt;
+ Tiếp tục sử dụng hiệu quả lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt phục vụ công tác đào tạo và huấn luyện, chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân mới.
Đại diện Tiểu ban B, GS. Trần Đức Thiệp đã nhấn mạnh, trong lĩnh vực Vật lý hạt nhân một tiêu chuẩn để đánh giá một sản phẩm nghiên cứu: Nếu là nghiên cứu cơ bản thì sản phẩm phải được xuất bản trong các tạp chí quốc tế có uy tín của ngành và nếu là nghiên cứu ứng dụng thì sản phẩm phải tìm và đến được tay người dùng. Ngoài ra trong tương lai cần tập trung tiềm năng các đơn vị nghiên cứu trong nước và mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các hiệp định nghiên cứu với các Viện nghiên cứu hoặc các trung tâm nghiên cứu nước ngoài. Bên cạnh đó trong lĩnh vực vật lý hạt nhân cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và thiết lập các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.
TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN, đại diện Tiểu ban C đã đưa ra định hướng nghiên cứu của các lĩnh vực thuộc Tiểu ban như sau:
- Phát triển các kỹ thuật mô phỏng và kỹ thuật tách phổ;
- Ứng dụng đồng vị phóng xạ trong nghiên cứu môi trường biển;
- Phát triển kỹ thuật phân tích đồng vị cho các đồng vị bền và ứng dụng các đồng vị bền này trong nghiên cứu môi trường;
- Phát triển kỹ thuật cảnh báo sớm và dự báo tình trạng bức xạ môi trường.
Trong lĩnh vực Y tế thuộc Tiểu ban D1, GS. Phan Sỹ An đã trình bày các định hướng nghiên cứu và ứng dụng như sau:
- Tăng cường và mở rộng các phương pháp mới về y học hạt nhân để chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp PET / CT, PET / MRI và SPECT, CT, MRI và các kỹ thuật X-quang can thiệp trong chẩn đoán và điều trị các bệnh đặc biệt đối với ung thư;
- Nâng cao chất lượng và phạm vi áp dụng các kỹ thuật bức xạ trong thực hành lâm sàng như chẩn đoán, theo dõi và đánh giá kết quả điều trị ngay cả những người không phải là ung thư;
- Mở rộng năng lực để tăng số lượng các nghiên cứu viên vật lý y tế trong xạ trị ung thư;
- Mở rộng việc sản xuất các dược phẩm chuẩn đoán mới khác với nhãn FDG- F-18 đối sử dụng cho PET/CT;
- Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho các nhà vật lý làm việc trong lĩnh vực Xạ trị, X-quang.
- Có một số nhiệm vụ đề xuất tập trung vào các nghiên cứu cấp Nhà nước với sự tham gia của nhiều đơn vị nghiên cứu trong nước.
Đại diện Tiểu ban D2, TS. Trịnh Văn Giáp đã tổng kết tiểu ban và xác định trong tương lai về lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn nữa để thực hiện các nghiên cứu và tiếp cận các phương pháp cũng như các công nghệ mới tiên tiến trên thế giới để phục vụ nhu cầu của ngành công nghiệp và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Với Tiểu ban D3-D4 “Ứng dụng công nghệ bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong Nông nghiệp và các lĩnh vực khác”, TS. Trịnh Minh Quỳnh trình bày các định hướng nghiên cứu như sau:
- Ứng dụng công nghệ bức xạ để sản xuất các vật liệu hiệu suất cao bằng cách sử dụng máy gia tốc EB năng lượng trung bình;
- Tạo các đột biến gây ra do bức xạ để sàng lọc các vi sinh vật hữu ích có khả năng chịu mặn để giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu;
- Chuẩn bị các sản phẩm sinh học phóng xạ mới dựa trên polysaccharides (đường đa phân tử) tự nhiên và vật liệu nano dùng trong nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Tiểu ban E đã có các định hướng trong 2 năm tiếp theo như sau:
- Tiếp tục hoàn thành nghiên cứu công nghệ chế biến urani và ứng dụng của nó đối với chế biến quặng kim loại;
- Phân tích và đánh giá môi trường, đặc biệt là đánh giá về sự an toàn của các khu vực cất giữ và chôn lấp chất thải nguy hại;
- Chế tạo các loại vật liệu để xử lý chất thải phóng xạ và chất thải độc hại;
- Tiếp tục sản xuất các sản phẩm đất hiếm mới và ứng dụng các vật liệu này trong nông nghiệp và công nghiệp;
- Bắt đầu thực hiện các nghiên cứu về vật liệu sử dụng lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân.
Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 12 (Vietnam Conference on Nuclear Science and Technology-VINANST12) là một sự kiện khoa học quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Website của Hội nghị: http://vinanst.vinatom.gov.vn