Thứ năm, 03/08/2017 13:00 GMT+7

Xây dựng chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ

Thời gian qua, đã có rất nhiều tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), liên quan đến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý… Mặc dù Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp lý tương đối hoàn thiện về SHTT, nhưng vẫn còn thiếu nhiều văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý.

Tại Việt Nam còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức rõ quyền SHTT có khả năng đem lại những lợi ích gì cho họ. Do đó, việc sử dụng quyền SHTT để bảo vệ cho hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Khi không để ý đến SHTT, kết quả sáng tạo của doanh nghiệp có thể bị sao chép, lạm dụng, xâm phạm mà không có phương pháp hữu hiệu nào để bảo vệ và sẽ đối mặt với những thiệt hại về tài chính. Đăng ký quyền SHTT còn cho phép chủ sở hữu xuất phát trước các đối thủ cạnh tranh thông qua độc quyền sử dụng trong một thời gian, qua đó sẽ đem lại nguồn lợi tài chính cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu. Thực tế, có không ít chủ thể quyền vẫn có suy nghĩ phải đợi đến khi sản phẩm thành công trên thương trường mới tiến hành đăng ký, điều đó sẽ dẫn tới khả năng bị từ chối bảo hộ do thời điểm quá muộn hoặc đã bị người khác đăng ký trước. Thống kê từ Cục SHTT cho thấy, tính đến hết ngày 31-5-2017, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN) tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2016. Hiện nay, Cục đã xử lý được 34.535 đơn các loại, chấp nhận bảo hộ 12.969 đối tượng SHCN, từ chối bảo hộ 3.905 đối tượng SHCN và còn một lượng lớn đơn đăng ký SHCN đang bị tồn đọng. Điều này dẫn tới nhiều tình huống liên quan quyền tác giả, các hành vi giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm bí mật thương mại, xâm phạm quyền và những tranh chấp có thể xảy ra khi các chủ thể quyền chưa xác lập được quyền SHTT. Nhất là trong giai đoạn hội nhập TPP, việc chậm xử lý đơn còn dẫn tới khả năng tranh chấp quốc tế và phải bù thêm thời gian bảo hộ bổ sung cho chủ văn bằng bảo hộ sáng chế. Trong khi đó, thời gian bảo hộ sáng chế càng dài sẽ khiến việc tiếp cận sáng chế của cộng đồng bị hạn chế, nhất là các sáng chế thuộc lĩnh vực có tác động lớn đến xã hội như dược phẩm, nông hóa phẩm…

Mặc dù Cục SHTT đang tìm mọi cách để tăng nguồn lực đầu tư cho việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, đội ngũ thẩm định viên để giảm bớt thời gian xử lý đơn, nhưng vẫn chỉ giải quyết được phần "ngọn" của vấn đề. Các chuyên gia cho rằng, để khắc phục những tồn tại, cần triển khai xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT làm cơ sở cho việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển của hệ thống SHTT. Dựa vào đó có thể tạo ra nền tảng cho việc hoạch định các cơ chế, chính sách, pháp luật về SHTT của Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo. Phó Cục trưởng SHTT Lê Ngọc Lâm cho rằng, hệ thống SHTT trong nước phải đáp ứng được các yêu cầu nội tại, phù hợp cam kết quốc tế và là công cụ trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển của đất nước. Cần xây dựng một chiến lược hướng tới nâng cao năng lực của cơ quan quản lý về SHTT và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Việc xác lập quyền phải được cải thiện để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân có được kết quả đăng ký sớm, công chúng dễ dàng tiếp cận thông tin, tư liệu về SHCN và cần xã hội hóa một số khâu trong hệ thống sẽ giảm tải được khối lượng công việc cho các cơ quan quản lý. Nhất là phải có các mục tiêu, giải pháp được đề xuất trong chiến lược hướng tới công chúng, cộng đồng được nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của quyền SHTT. Qua đó, người dân, doanh nghiệp sẽ có ý thức tôn trọng quyền SHTT, hạn chế việc bị vướng vào các tranh chấp do sơ ý hoặc thiếu kiến thức mà dẫn đến xâm phạm quyền SHTT của người khác.

Các chuyên gia cho rằng, để có sự phát triển trong lĩnh vực SHTT không phải chỉ có chiến lược SHTT, nhưng việc xây dựng một chiến lược SHTT quốc gia sẽ góp phần đặt nền móng cho lĩnh vực này. Qua đó, sẽ giải quyết các nhu cầu cụ thể của đất nước, thống nhất với chính sách phát triển, mục tiêu kinh tế chung của quốc gia. Theo Cục trưởng SHTT Đinh Hữu Phí, vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký thỏa thuận với tổ chức WIPO để được hỗ trợ về kỹ thuật khi xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT gắn với chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ, kinh tế-xã hội. Chiến lược SHTT sẽ gồm ba nội dung chính: quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát của hệ thống SHTT; các mục tiêu chiến lược cụ thể đến năm 2030; các nhiệm vụ chiến lược. Phát triển tài sản trí tuệ sẽ đưa hệ thống SHTT trở thành công cụ chủ lực giúp thúc đẩy hoạt động sáng tạo, nhằm tạo ra tài sản trí tuệ của Việt Nam, nhất là công nghệ nội sinh để phát triển các ngành công nghiệp. Mặt khác sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy và hoạt động bảo vệ quyền SHTT vận hành theo đúng bản chất của các cơ chế dân sự, hành chính, hình sự để đạt hiệu quả cao trong việc chống xâm phạm quyền SHTT, nhất là chống giả mạo về SHTT. Qua đó sẽ tăng cường khai thác tài sản trí tuệ, đưa tài sản trí tuệ trở thành một trong những nguồn lực quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/khoahoc/item/33615202-xay-dung-chien-luoc-quoc-gia-ve-so-huu-tri-tue.html

Nguồn: Báo điện tử Nhân dân

Lượt xem: 3086

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)