Mức độ sẵn sàng ở mức trung bình thấp
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhận định, các thành tựu của công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được xây dựng trên nền tảng của công nghệ số, trong đó có vai trò quan trọng của hạ tầng viễn thông băng rộng, robot, xe tự hành, bảo đảm an ninh từ xa…, yêu cầu độ trễ thấp, thông lượng lớn và sự sẵn sàng kết nối cao. Ứng dụng thực tại ảo, thực tại tăng cường có khả năng ứng dụng cao và sử dụng rất nhiều dữ liệu di động.
Theo đó, hạ tầng viễn thông băng rộng, tiên tiến đặc biệt là hạ tầng di động băng rộng rộng khắp là điều tiên quyết cho sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.
Về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã sớm trình Chính phủ ban hành chương trình viễn thông băng rộng quốc gia nhằm chuẩn bị bài bản hạ tầng viễn thông băng rộng, đặc biệt là di động băng rộng trên cả nước. Các doanh nghiệp đang triển khai 4G và bắt đầu bắt tay vào nghiên cứu triển khai 5G.
Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Công – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Thông tin và Truyền thông): “Mức độ sẵn sàng của Việt Nam đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở mức trung bình thấp. Điều này thể hiện qua hai khía cạnh, các chỉ số và công nghệ.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực công nghệ ở Việt Nam về cơ bản vẫn chưa sẵn sàng, chưa tương đương với ASEAN. Một điểm yếu nữa là năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Tuy nhiên, ưu điểm của nước ta là mật độ thuê bao di động vượt xa các nước có mức thu nhập tương đương trong khu vực ASEAN.
Đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện Việt Nam có 83.000 trạm phát sóng 3G, phủ sóng tới 95% dân số. Với công nghệ 4G vừa mới được đưa vào triển khai, hiện có khoảng 43.000 trạm phát sóng, bảo đảm phủ sóng 95% dân số Việt Nam. Cục Viễn thông cũng chỉ ra rằng, ở Việt Nam số lượng thuê bao băng rộng cố định còn khiêm tốn, đa phần việc phát triển là ở băng rộng di động. Tổng lưu lượng băng rộng ở Việt Nam là 417.000 Terabyte.
Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Phong Nhã, Cục phó Cục Viễn thông cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước phải đối mặt với khá nhiều thách thức.
Định hướng chính sách mà Cục Viễn thông đưa ra là tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, quy định quản lý về viễn thông. Bên cạnh đó là việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng.
Cục Viễn thông cũng đang tiến hành xem xét thời điểm hợp lý để triển khai dịch vụ 5G tại Việt Nam và thúc đẩy sự phát triển của các mạng vô tuyến cho công nghiệp IWN sử dụng cho kết nối vô tuyến. Cuối cùng là tiến hành hoàn thiện các chính sách, hướng dẫn về tài nguyên số.
Tận dụng lợi thế để không tụt hậu
Tại Hội thảo, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, mặc dù các nước phát triển có lợi thế hơn các nước đang phát triển ở tiềm lực công nghệ và kinh tế, nếu chúng ta biết tận dụng tốt cơ hội thì chúng ta sẽ không tụt hậu quá xa so với các nước phát triển. Việt Nam là một nước nhỏ nhưng không phải là một nước yếu về công nghệ thông tin và viễn thông. Do đó chúng ta cần biết tận dụng tốt cơ hội này.
Thách thức hiện hữu nhất trong việc hướng tới cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam nằm ở vấn đề lao động. Tiếp đến là sự phát triển của mỗi quốc gia. Nếu chậm chân trong cuộc cách mạng này, chúng ta sẽ tụt hậu rất xa.
Để theo đuổi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hạ tầng viễn thông băng rộng và việc bảo đảm an toàn thông tin đóng vai trò nền tảng. Các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin cũng cần phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu các ứng dụng mới theo các xu thế tất yếu của công nghệ như điện toán đám mây, IoT…
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đưa ra chính sách định hướng cho các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin, để tiến tới dịch chuyển dần sang các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin và viễn thông băng rộng, đảm bảo chất lượng, an toàn, bảo mật, sẵn sàng cho việc kết nối các thiết bị IoT trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bộ cũng khuyến khích việc phát triển một số sản phẩm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông. Xây dựng nền tảng các trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng IP, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt của đời sống.
Tiếp đến là việc xây dựng cơ chế chính sách hướng tới phát triển nền kinh tế số. Tạo chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo lập được hệ sinh thái mở để phát triển công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công tác tuyên truyền và ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trọng điểm để sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần này.
Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn các cá nhân, nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp… tiếp tục đóng góp đối với chính sách của Đảng, Nhà nước về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các bộ, ban ngành liên quan sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hạ tầng băng rộng tại Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc, sẵn sàng đón nhận các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, cần thiết phải xây dựng một chiến lược từ nay cho đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Bộ cũng rất mong, các doanh nghiệp, tổ chức, các nhà khoa học tư vấn phản biện đối với các chính sách của Đảng và Nhà nước về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói chung và ngành công nghệ thông tin nói riêng.
Liên kết nguồn tin: http://nhandan.com.vn/congnghe/item/33453402-%E2%80%9Cdon-song%E2%80%9D-cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-nhung-van-de-tu-ha-tang-vien-thong.html