Thứ ba, 20/06/2017 07:55 GMT+7

Hơn 93% Đại biểu Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Chiều 19/6/2017, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XIV, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bấm nút thông qua Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) với 93,28% (458/459) số đại biểu có mặt tán thành.

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Chuyển giao Công nghệ (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Khóa XIV

 

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 6 Chương, 60 Điều đã sửa đổi căn bản những vấn đề hạn chế, trong đó tập trung vào: Phạm vi điều chỉnh; Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; Biện pháp thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư; Quản lý Nhà nước hoạt động chuyển giao công nghệ.

Tại Phiên họp, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UBKH,CN và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật CGCN (sửa đổi) với các nội dung về: chính sách của Nhà nước đối với CGCN (Điều 3); công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao; thẩm định công nghệ dự án đầu tư (Chương II); cấp phép, đăng ký và hợp đồng chuyển giao công nghệ (Chương III); các biện pháp khuyến khích CGCN và phát triển thị trường KH&CN; một số vấn đề khác.

Về chính sách của Nhà nước đối với CGCN, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất, sáng chế, sáng tạo; khuyến khích tổ chức KH&CN chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp, kỹ thuật viên lành nghề; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế về KH&CN cũng như về CGCN, ưu tiên CGCN thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã bổ sung chính sách “thúc đẩy phong trào sáng tạo, đổi mới của tổ chức, cá nhân”; bổ sung nội dung coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo; bổ sung nội dung “đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam”; bổ sung quy định Nhà nước chú trọng hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước. Đồng thời, trong Dự thảo Luật đã có một mục gồm 6 Điều quy định cụ thể về việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khuyến khích tổ chức, cá nhân lao động sản xuất, sáng chế, sáng tạo như ý kiến đề nghị của ĐBQH.

“Về đề nghị bổ sung chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách hội nhập quốc tế trong CGCN, UBTVQH thấy rằng nội dung này đã được quy định trong trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành và UBND tỉnh. Đồng thời, Luật KH&CN đã có 1 chương riêng quy định về cá nhân hoạt động KH&CN cũng như chương riêng về hợp tác quốc tế trong hoạt động KH&CN. Mặt khác, hoạt động CGCN và hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung có mối quan hệ mật thiết với nhau và cần thiết lồng ghép với nhau. Do đó, xin phép Quốc hội không bổ sung nội dung này vào chính sách của Nhà nước đối với CGCN”, ông Phan Xuân Dũng cho biết.

Đối với ý kiến đề nghị cần làm rõ mặt hàng xuất khẩu chủ lực đặc trưng của Việt Nam; bổ sung các điều kiện để bảo đảm quản lý chặt chẽ hơn đối với công nghệ “không còn sử dụng phổ biến ở các quốc gia phát triển”, “tạo ra sản phẩm có sử dụng hóa chất độc hại hoặc phát sinh chất thải nguy hại mà đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát và tiếp thu chỉnh sửa các quy định về nội dung này.

Đối với đề nghị bổ sung hạn chế chuyển giao vào Việt Nam công nghệ mà Việt Nam đã nghiên cứu sử dụng có trình độ và hiệu quả tương đương với công nghệ thế giới, UBTVQH thấy rằng cần thiết phải khuyến khích sử dụng công nghệ trong nước tạo ra. Tuy nhiên, nội dung này không quy định trong Luật mà quy định trong các văn bản dưới Luật để tránh xung đột với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Về thẩm định công nghệ dự án đầu tư, một số ý kiến ĐBQH đề nghị cần quy định cụ thể trong những trường hợp mà chủ đầu tư xin ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực hoặc của UBND cấp tỉnh nơi triển khai dự án. Một số ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định đối với trình tự, thủ tục, hồ sơ thẩm định cũng như cấp ra quyết định. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát các quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư, thể hiện tại Chương II.

Về các biện pháp khuyến khích CGCN và phát triển thị trường KH&CN, một số ĐBQH đề nghị cần quy định cụ thể về cơ chế giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước, cho các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là phương thức xác định giá trị giá trị CGCN; bổ sung quy định về các điều kiện đặc thù, ngoài các điều kiện chung đối với hoạt động đánh giá, định giá và giám định công nghệ đã được quy định trong Luật Giá. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, quy định về chính sách thuế để thúc đẩy hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ cho thống nhất với Luật KH&CN, Luật Ngân sách nhà nước và các Luật về thuế. Đối với đề nghị cần quy định cụ thể về cơ chế giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc sở hữu nhà nước cho các cá nhân, tổ chức, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, đối chiếu nội dung các quy định này tại Điều 36 với các luật có liên quan như Luật KH&CN, Luật Ngân sách nhà nước, Dự thảo Luật Quản lý tài sản công…. được thể hiện trong Dự thảo Luật…

Trước đó, ngày 2/6, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật CGCN (sửa đổi); đã có 26 đại biểu Quốc hội phát biểu và một số ý kiến của các ĐBQH gửi bằng văn bản. Hầu hết, ý kiến của các ĐBQH đều tán thành với Báo cáo giải trình tiếp thu, góp ý chỉnh lý và Dự thảo Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội và đã có một số ý kiến góp ý thêm nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật. Sau phiên họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực UBKH,CN&MT phối hợp với Ban soạn thảo, Thường trực UB Pháp luật và một số cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến của các ĐBQH.

 

Thông tin về những điểm mới của Luật Chuyển giao công nghệ:

Luật Chuyển giao công nghệ được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/11/2006, trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (01/2007), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thấp (chưa đạt mức 700 USD), tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào tăng quy mô vốn đầu tư, lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, chúng ta khi đó vẫn xếp vào hàng những nước nghèo. Trong 10 năm triển khai thực hiện, Luật đã góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ trong nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất và đời sống, từng bước giúp cải thiện năng lực công nghệ của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ, một số ngành, lĩnh vực  như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, tự động hóa và vật liệu mới đã tiếp nhận và làm chủ những công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH đất nước.

Tuy nhiên, hiện nay, bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, khu vực và thế giới đã có nhiều thay đổi, làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ để thích ứng với các thay đổi của thị trường.

Bên cạnh đó, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội trong nước cũng đặt ra yêu cầu mới trong công tác quản lý công nghệ, thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, thách thức đối với cơ quan quản lý nhà nước trong việc một mặt đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, mặt khác kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để bảo đảm gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.

Luật Chuyển giao công nghệ sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; có nội dung thậm chí đã lạc hậu, chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, khoa học và công nghệ.

Xuất phát từ thực tế nêu trên, cùng với những hạn chế, bất cập của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ cần phải sửa đổi, bổ sung để tạo môi trường pháp lý thuận lợi và phù hợp thúc đẩy hoạt động đổi mới, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững trong bối cảnh mới.

 

Dưới đây là những nội dung mới của Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi):

1. Về phát triển thị trường KH&CN, một loạt biện pháp được đưa vào Dự thảo Luật theo hướng tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó các tổ chức trung gian được quan tâm, hỗ trợ để thực hiện vai trò kết nối giữa bên cung và bên cầu công nghệ như:

- Xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; 

- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ;

- Đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian;

- Nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao công nghệ, đánh giá, định giá và giám định công nghệ.

2. Về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Dự thảo Luật đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như: giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động khoa học và công nghệ với tổ chức ứng dụng, CGCN địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để phù hợp đặc thù của địa phương được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho KH&CN.

3. Về khuyến khích, hỗ trợ hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp

Dự thảo Luật đã bổ sung một số biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ. Cụ thể như sau: đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D; cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp; mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.

4. Để thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, Dự thảo Luật đã dành 1 Điều quy định về hoạt động này, trong đó quy định phương thức, hình thức, loại hình chuyển giao công nghệ đặc thù trong nông nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết hoạt động chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Để ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, Dự thảo Luật được bổ sung 1 Chương (Chương II với 8 Điều) quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, có ý kiến về công nghệ. Dự thảo Luật quy định ý kiến về công nghệ công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là một nội dung bắt buộc trong nội dung văn bản thẩm định dự án đầu tư  khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, trong Chương này cũng thiết kế 1 Điều quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và CGCN trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư.

5. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, ngăn chặn, hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam cũng như ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ. Điều này thể hiện ở các quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý chuyển giao công nghệ. Cơ chế bắt buộc đăng ký chuyển giao công nghệ là cần thiết để các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam đã tạo nên một bộ lọc để cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát nhằm ngăn chặn việc gian lận, chuyển giá qua hoạt động chuyển giao công nghệ, đồng thời cơ quan quản lý nhà nước cũng có cơ chế để rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lặp, gây lãng phí nguồn lực của xã hội.

Ban soạn thảo, Bộ Khoa học và Công nghệ với sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan có liên quan đã nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển KH&CN và chuyển giao công nghệ, kế thừa những nội dung tiến bộ của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, tháo gỡ tối đa  các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Qua đó, thúc đẩy việc ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Với mục tiêu nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước, Dự thảo Luật đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ, trong đó tập trung  đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước. Đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm; nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội.

 

Đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN báo cáo làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm về Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)  tại Phiên họp ngày 2/6

 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Lượt xem: 6992

TAGS : Luật CGCN
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)