Thứ hai, 12/06/2017 08:54 GMT+7

Nhiều kỳ vọng vào Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi)

Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh.

Ngày 09/6, trao đổi với báo chí về những điểm mới trong Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định công nghệ (đơn vị chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật) cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ sau gần một thập kỷ đi vào cuộc sống đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập; có nội dung thậm chí đã lạc hậu, chưa theo kịp được với xu thế cải cách, đổi mới trong phát triển kinh tế, KH&CN.

Chính vì vậy, lần sửa đổi này sẽ tập trung vào vào các nội dung chính là chính sách của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; biện pháp thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN; công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ.

Về phát triển thị trường KH&CN, một loạt biện pháp được đưa vào Dự thảo Luật theo hướng tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN. Trong đó, các tổ chức trung gian được quan tâm, hỗ trợ để thực hiện vai trò kết nối giữa bên cung và bên cầu như xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian; nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến chuyển giao, đánh giá, định giá và giám định công nghệ.

Về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Dự thảo Luật đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động KH&CN với tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để phù hợp đặc thù của địa phương được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN.

Khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ

Một điểm mới của Dự thảo Luật là bổ sung một số biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp (DN) ứng dụng, đổi mới công nghệ như đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho DN có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển (R&D). Luật cũng tạo cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với DN; mở rộng nội dung chi của Quỹ Phát triển KH&CN của DN; khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với DN.

Đặc biệt, để ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, Dự thảo Luật được bổ sung 1 chương (Chương II với 8 Điều) quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, có ý kiến về công nghệ. Dự thảo Luật quy định, ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền là một nội dung bắt buộc trong nội dung văn bản thẩm định dự án đầu tư khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, trong Chương này cũng thiết kế 1 Điều quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN và cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và chuyển giao trong dự án đầu tư cùng với việc kiểm tra, giám sát đầu tư.

Ông Đỗ Hoài Nam cũng cho biết thêm, để tạo nên một bộ lọc giúp cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm soát nhằm ngăn chặn việc gian lận, chuyển giá qua hoạt động chuyển giao công nghệ, rà soát công nghệ nhập khẩu, tránh trùng lặp, gây lãng phí, Luật cũng quy định cụ thể về thẩm định công nghệ dự án đầu tư và quản lý chuyển giao công nghệ với cơ chế bắt buộc đăng ký chuyển giao công nghệ.

Dự kiến, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua vào ngày 19/6.

Liên kết nguồn tin: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Nhieu-ky-vong-vao-Luat-Chuyen-giao-cong-nghe-sua-doi/308463.vgp

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Lượt xem: 6134

TAGS : Luật CGCN
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)