Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo là diễn đàn để cùng nhau chia sẻ, trao đổi các kiến thức, kinh nghiệm mới nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam; qua đó đóng góp một cách hữu ích nhất, có hiệu quả nhất trong các lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến các hoạt động quản lý, điều hành các tổ chức, doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định: Hội thảo là một hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của Triển lãm quốc tế về sản phẩm, dịch vụ viễn thông, CNTT và truyền thông đã được khai mạc.
Trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chỉ thị về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Hiện nay, Bộ KH&CN đang cùng các Bộ ngành địa phương tích cực triển khai các nội dung theo Chỉ thị của Thủ tướng. “Về phía Bộ KH&CN chúng tôi rất mong chúng ta cùng luôn đứng về Cuộc Cách mạng 4.0 và các nội dung quan trọng của nó, từ đó có thể vận dụng vào các lĩnh vực, ngành nghề để phát triển kinh tế, hội nhập với quốc tế”, Thứ trưởng khẳng định.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết, lĩnh vực CNTT với những hoạt động quan trọng như cơ sở dữ liệu lớn, số hoá dữ liệu, kết nối vạn vật là những nội dung quan trọng quan tâm phát triển trong giai đoạn tới. Bộ KH&CN sẽ luôn ủng hộ các hiệp hội, các doanh nghiệp và toàn thể các đối tượng đang hoạt động trong các lĩnh vực thông tin và truyền thông để thực hiện tốt các nội dung của Cuộc Cách mạng và công nghiệp lần thứ 4.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe nhiều chủ đề về phát triển CNTT ở Việt Nam và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Hệ sinh thái cho phát triển các dịch vụ IOT, Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh; Giải pháp trong Dịch vụ công trực tuyến; IOT công nghệ cốt lõi của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4; Thúc đẩy tăng trưởng IOT cho 4G và 5G do các nhà quản lý, hoạch định chính sách và chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trình bày.
Được biết, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 với vai trò trung tâm của công nghệ số trên cơ sở tiếp nối thành quả của cuộc Cách mạng số hoá diễn ra mấy chục năm từ khi có máy tính. Bước vào kỷ nguyên 4.0 được xem là chiến lược bản lề cho các nước đang phát triển theo kịp với xu hướng thế giới. Việt Nam hiện có khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đứng thứ 5 ở Châu Á Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối Internet sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia, trung bình có tới 95 % doanh nghiệp sử dụng Internet./.