Thứ sáu, 24/03/2017 20:00 GMT+7

Nghiên cứu xác định độ tồn lưu và lan tỏa của dioxin nguồn gốc từ chất da cam tại Biên Hòa và Đà Nẵng và sự khác biệt đặc trưng của dioxin từ nguồn phát thải khác; đề xuất giải pháp ngăn chặn phơi nhiễm dioxin

Trong thời gian chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã phun rải hơn 74 triệu lít chất diệt cỏ xuống miền Nam Việt Nam, trong đó có chứa khoảng 366 kg dioxin. Trải qua hơn 40 năm từ khi chất độc da cam được sử dụng tại Việt Nam, dioxin vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, chuỗi thức ăn và cộng đồng dân cư sống tại những khu vực gần với các căn cứ không quân cũ của quân đội Mỹ, là nơi được coi là các điểm nóng ô nhiễm tại Việt Nam. Các sân bay quân sự cũ được Mỹ sử dụng trong chiến tranh là Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát được phát hiện là các khu vực ô nhiễm dioxin nặng nhất và vấn đề này đã thu hút sự quan tâm chú ý của các tổ chức khoa học và xã hội trong nước và quốc tế trong nhiều năm qua. Sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng là hai điểm nóng có mức độ và quy mô ô nhiễm dioxin trong môi trường lớn nhất, được các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế nghiên cứu từ năm 1980.

Vì vậy, từ tháng 8/2012 đến 9/2015, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Quan trắc môi trường do TS. Nguyễn Hùng Minh dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xác định độ tồn lưu và lan tỏa của dioxin nguồn gốc từ chất da cam tại Biên Hòa và Đà Nẵng và sự khác biệt đặc trưng của dioxin từ nguồn phát thải khác; đề xuất giải pháp ngăn chặn phơi nhiễm dioxin”.
 


Đề tài đã đạt được các kết quả như sau:
- Đã đánh giá toàn diện và khoanh vùng ô nhiễm CDC/Dioxin ở sân bay Biên Hòa phục vụ kế hoạch xử lý ô nhiễm trong tương lai. Các khu vực tồn lưu và lan tỏa ô nhiễm theo hướng địa hình và thủy văn được đánh giá tổng thể. Thể tích đất và trầm tích vượt ngưỡng và cần xử lý được tính toán là rất lớn vào khoảng 372.000m3 (tương đương khoảng 710.000 tấn đất, trầm tích).
- Đã nghiên cứu áp dụng thành công phương pháp so sánh đặc trưng đồng loại và các phương pháp phân tích thống kê hiện đại để nghiên cứu đặc trưng của ô nhiễm dioxin từ các nguồn khác. Đề tài đã cung cấp bằng chứng khoa học về nguồn ô nhiễm dioxin trong đất ở nhiều nơi bên ngoài sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng có nguồn gốc lan tỏa CDC/Dioxin từ điểm nóng và từ các hóa chất trừ sâu và nấm là Na-PCP và Cloranil. Các kết quả tính toán cũng chứng minh, xét về độc tính thì nguồn CDC/Dioxin vẫn nổi trội gần tuyệt đối và đóng góp về TEQ gấp 60-90 lần so với hai nguồn còn lại.
- Đã nghiên cứu về mức độ phát thải dioxin và đặc điểm phát thải dioxin từ một số ngành công nghiệp điển hình ở Biên Hòa, Đà Nẵng và miền Bắc. Đây là một trong những kết quả nghiên cứu mới và đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện ở các nguồn phát thải điển hình và địa bàn nghiên cứu rộng khắp cả nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy dioxin phát thải ra môi trường từ các nguồn này là rất đáng quan tâm. Các số liệu nghiên cứu không chỉ được sử dụng để đánh giá mức độ phát thải mà còn được sử dụng để phân biệt với dioxin nguồn gốc từ CDC/Dioxin sân bay Biên Hòa. Các kết quả đã được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Đề tài nghiên cứu đã góp phần vào đánh giá nguy cơ phơi nhiễm dioxin qua con đường thực phẩm ở Biên Hòa và Đà Nẵng và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc phòng tránh phơi nhiễm dioxin bảo vệ sức khỏe.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12251/2016) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Lượt xem: 6534

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)