Tham dự Hội thảo có Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi Nguyễn Thế Ích; Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương Nguyễn Văn Liễu; đại diện Bộ Tài chính và hơn 200 đại biểu đến từ các Sở KH&CN, cán bộ, chủ nhiệm các dự án thuộc 60 tỉnh /thành phố, các trường đại học, các vụ, viện có liên quan.
Ông Nguyễn Thế Ích phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Ích cho biết, từ năm 1998 đến nay, Chương trình đã triển khai 3 giai đoạn. Sau mỗi giai đoạn, Chương trình đều tổ chức đánh giá kết quả, đồng thời xây dựng kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình giai đoạn mới. Ở mỗi giai đoạn mới đều kế thừa những kết quả tích cực của giai đoạn trước, vừa có sự điều chỉnh về mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.
Nhằm triển khai tốt Chương trình trong giai đoạn này, Lãnh đạo Bộ KH&CN đã chỉ đạo các Vụ chức năng của Bộ và Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng các văn bản quản lý và hướng dẫn các đơn vị thực hiện từ khi lập kế hoạch, tổ chức hội đồng xét duyệt và giám sát quy trình thực hiện dự án. Trong quá trình phối hợp tổ chức thực hiện cần thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các bộ quản lý tại các đơn vị quản lý ở Bộ KH&CN và các Sở KH&CN địa phương, đơn vị chuyển giao công nghệ và đơn vị chủ trì dự án.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Liễu đã có bài tham luận về Quy định quản lý Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2025 và Hướng dẫn xây dựng kế hoạch năm 2018. Nội dung của Chương trình trong giai đoạn này tập trung vào việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN phù hợp với năng lực trực tiếp của người dân nhằm phát huy lợi thế so sánh từng vùng miền, các nguồn lực xã hội tham gia thực hiện Chương trình để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; tập trung ưu tiên cho hoạt động thúc đẩy, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, Chương trình tập trung vào các dự án có doanh nghiệp tham gia với vai trò là hạt nhân trong chuỗi sản xuất hàng hóa, tạo sinh kế cho vùng kinh tế khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; chuyển giao tiến bộ KH&CN phải đi đôi với công tác đào tạo phát triển đội ngũ cán bộ cơ sở, nâng cao năng lực ứng dụng KH&CN cho người dân.
Theo đó, Chương trình đặt ra mục tiêu chính của giai đoạn 2016 – 2020 là xây dựng ít nhất 1.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả, có quy mô phù hơp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân. Chương trình cũng hướng tới mục tiêu chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền; chuyển giao đi đôi với công tác đào tạo. Các dự án tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết của người dân vùng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, dược liệu, công nghệ sinh học, nước sạch trong sinh hoạt…
Cũng tại hội thảo, Bà Nguyễn Thùy Linh, đại diện Vụ Hành chính – Sự nghiệp, Bộ Tài chính đã có bài tham luận về hướng dẫn công tác tài chính kế toán của Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016-2020 (Thông tư số 348/2016/TT-BTC; Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN; Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC).
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến chia sẻ về các cơ chế khoán tài chính liên quan. Các đại biểu cũng nhận định, trong thời gian qua, Chương trình đã có nhiều cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tài chính tạo điều kiện cho các địa phương triển khai dự án. Tuy nhiên, một số thủ tục cần cải tiến hơn nữa để tạo điều kiện cho các địa phương triển khai dự án hiệu quả nhất trong giai đoạn 2016 – 2025.