Thứ sáu, 12/06/2015 14:55 GMT+7

Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ với các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật

Chiều 09/6/2015, Sở KH&CN thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố “Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các văn nghệ sỹ cao tuổi tiêu biểu, tài năng trẻ xuất sắc, những người có...


Đại diện Ban chủ nhiệm đề án báo cáo kết quả nghiên cứu

Theo thông tin đề án đưa ra, hiện nay ở trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đều đã có những cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các văn nghệ sỹ tiêu biểu, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật. Tại các địa phương như Khánh Hoà, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Hải Dương, các cơ chế, chính sách đãi ngộ về bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn được áp dụng với các đối tượng là diễn viên chính, diễn viên chính thứ, diễn viên phụ và phục vụ. Phương thức hỗ trợ thu nhập hàng tháng và hỗ trợ tiền thuê nhà được áp dụng với các đối tượng là nghệ sỹ, diễn viên trong diện biên chế tại một số tỉnh, thành nêu trên. Các nghệ sỹ, diễn viên đạt huy chương vàng, bạc tại các cuộc thi, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và các diễn viên trẻ xuất sắc của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được nhận một trong những hình thức hỗ trợ: tuyển dụng thẳng, nâng một bậc lương hoặc nhận hỗ trợ bằng tiền theo quy định cụ thể của từng địa phương.

Tại Hải Phòng, những năm qua, bên cạnh việc thực hiện các cơ chế, chính sách đãi ngộ chung của nhà nước, thành phố đã dành sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần đối với các văn nghệ sỹ. Nhiều giải thưởng của thành phố; giải thưởng của các chuyên ngành, của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; giải thưởng của những cuộc thi sáng tác do các báo, ngành phát động; đặc biệt là các Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nhà nước hay các danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật được trao cho các văn nghệ sỹ đã góp phần tạo nên diện mạo văn học, nghệ thuật của thành phố. Tuy nhiên, điểm hạn chế là đến nay, thành phố vấn chưa dành sự quan tâm đồng đều cho các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực sáng tác. Đời sống của giới văn nghệ sỹ còn gặp nhiều khó khăn. Một số đối tượng văn nghệ sỹ chưa được đãi ngộ. Trước thực trạng đó, đề án đã đưa ra dự thảo quy định về cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các văn nghệ sỹ cao tuổi tiêu biểu, tài năng trẻ xuất sắc và những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của thành phố nhằm khơi nguồn động lực, khích lệ các văn nghệ sỹ tận tâm cống hiến.

Hai tiêu chí xét công nhận văn nghệ sỹ cao tuổi tiêu biểu, tài năng trẻ xuất sắc và những người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật đề án đưa ra là: xét thành tích và thời gian hoạt động trong nghề cùng độ tuổi. Đối với văn nghệ sỹ cao tuổi tiêu biểu và tài năng trẻ xuất sắc, thành tích xét công nhận chia theo 2 lĩnh vực: sáng tác và biểu diễn. Đối tượng người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của thành phố, phần thành tích xét công nhận mà đề án đưa ra đã bao quát đầy đủ, toàn vẹn 4 nhóm đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này gồm: người làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình, quảng bá; giáo viên ngành văn hoá, nghệ thuật, người truyền nghề; người làm công tác sưu tầm, phục dựng và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể và những người làm công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật. Xét về tuổi tác và số năm cống hiến, đối tượng được công nhận là văn nghệ sỹ cao tuổi tiêu biểu phải có thời gian hoạt động trong nghề từ 25 năm trở lên, tuổi đời tính theo quy định tuổi nghỉ hưu trở lên. Tài năng trẻ xuất sắc là những người không quá 33 tuổi (căn cứ theo Quy chế Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu). Người được công nhận có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của thành phố cũng phải đạt yêu cầu về thời gian hoạt động trong nghề từ 25 năm trở lên.

Dự thảo quy định cũng nêu rõ việc vận dụng thành tích nghệ thuật của tác phẩm để tính thành tích cho cá nhân tham gia và việc đặc cách công nhận người có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học, nghệ thuật của thành phố. Quy trình, thủ tục và hồ sơ xét công nhận các đối tượng trên; trách nhiệm thực hiện và phần tổ chức thực hiện cũng được đề án nêu rõ.

Hội đồng KH&CN đánh giá, đề án đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo ý kiến của đồng chí Phạm Hồng Hà – Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Hội đồng phản biện, đề án cần khảo sát kỹ hơn thực trạng và những cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với các văn nghệ sỹ của một số tỉnh/thành có điều kiện tương đồng như Hải Phòng làm căn cứ sát thực để xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các văn nghệ sỹ của thành phố. Bên cạnh đó, đề án cũng cần nghiên cứu tạo động lực cho những tài năng trẻ tích cực cống hiến…


Lượt xem: 1788

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)