Thứ ba, 22/07/2014 10:20 GMT+7

Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản” tại Lạng Sơn

Ngày 18/7/2014, Cục Thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Trung tâm Xúc tiến đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ cao...

Hội thảo được tổ chức với mục đích giới thiệu tổng quan chung về chính sách, thị trường, công nghệ và các kết quả nghiên cứu của các viện, trường đại học trong lĩnh vực này cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản của vùng miền núi phía Bắc, giúp cho các doanh nghiệp Lạng Sơn có thể lựa chọn các công nghệ thích hợp cho việc đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về nông sản an toàn để xuất khẩu. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở KH&CN, Sở KH&ĐT, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Hiệp hội, ngành nghề trong vùng… và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm đến vấn đề đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản.

Tại Buổi hội thảo Ths. Lê Thị Khánh Vân - Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã giới thiệu tổng quan các thông tin liên quan thị trường nông sản trong nước và trên thế giới, những thực trạng tồn tại cần khắc phục về thị trường nông sản; cách thức lựa chọn công nghệ thích hợp, phù hợp với năng lực tiếp nhận công nghệ của các doanh nghiệp.

Tiếp đó, TS.Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện cơ điện Nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã trình bày tham luận “Ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản và chế biến nông sản” trong đó, một số công nghệ mới được giới thiệu như: công nghệ bảo quản bằng phương pháp CA, công nghệ bao gói Map, công nghệ bảo quản bằng chế phẩm tạo màng, công nghệ bảo quản quả trên cây bằng chế phẩm retain, công nghệ và thiết bị chế biến hạt giống nông sản, chế biến mứt quả, công nghệ và thiết bị sấy bơm nhiệt, công nghệ và thiết bị chế biến tinh dầu… tạo được sự quan tâm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các đại biểu còn được tiếp cận công nghệ hiện đại của Nhật Bản – Công nghệ lạnh đông nhanh với chức năng CAS do Thạc sỹ Tạ Thu Hằng, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và môi trường, Viện nghiên cứu và phát triển vùng giới thiệu. Công nghệ CAS không phá vỡ màng và thành tế bào nên được sử dụng trong bảo quản chế biến thực phẩm tươi như nông sản, thực phẩm, hải sản trong thời gian dài từ 1-2 năm.

TS.Lương Đăng Ninh – Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh cũng có bài tham luận nêu rõ những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng KH&CN trong sản xuất và thương mại của trung ương và địa phương. Đồng thời cũng chỉ rõ những ưu thế và khó khăn của các sản phẩm nông sản tỉnh nhà cũng như sự cần thiết phải đầu tư áp dụng những công nghệ khoa học mới nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc sơ chế, chế biến và bảo quản nông sản như: sử dụng phương pháp nào để sấy hoa hồi hiệu quả đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, cách thức trồng và chăm bón để quýt chín đều vào cuối vụ (trước Tết nguyên đán) … qua đó nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh các mặt hàng nông sản của tỉnh. Hội thảo là một kênh thông tin hữu ích không những giúp doanh nghiệp tiếp cận được với những công nghệ tiên tiến mà còn là cầu nối đưa nhà khoa học – nhà quản lý đến gần hơn với những đơn vị trực tiếp sản xuất.

Kết thúc hội thảo, đoàn các nhà khoa học, nhà quản lý đã có chuyến tham quan và gặp gỡ lãnh đạo Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Nông Lâm Sản Lạng Sơn – Đơn vị xuất khẩu các sản phẩm hồi duy nhất của Việt Nam. Doanh nghiệp rất phấn khởi vì họ đang rất khó khăn trong việc nâng cao chất lượng hồi khô (giá hồi khô Việt Nam chỉ bằng 1/5 lần so với giá của Đức) và chất lượng tinh dầu hồi (không cạnh tranh được với tinh dầu hồi Trung Quốc).

Các chuyên gia đã tư vấn cho Doanh nghiệp công nghệ sấy hồi ở nhiệt độ thấp để không làm giảm tinh chất trong hoa hồi, đồng thời tư vấn công nghệ tinh chiết dầu hồi theo quy trình công nghiệp. Giám đốc Công ty rất phấn khởi và nói: “Đây là lần đầu tiên có chuyên gia Việt Nam về công nghệ này đến tư vấn cho Công ty. Chúng tôi hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ để nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm hồi trong thời gian tới”.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp với sự gắn kết giữa các nhà khoa học của Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch với Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn.

Lượt xem: 2004

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)