Tham gia khóa học có các học viên đến từ Viện NCHN (Phòng Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị, Trung tâm Phân tích, Trung tâm Công nghệ bức xạ và Công nghệ sinh học, Trung tâm An toàn bức xạ, Trung tâm Nghiên cứu môi trường), Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Trung tâm Đào tạo hạt nhân và Viện Công nghệ xạ hiếm.
TS. Cao Đông Vũ – Viện trưởng Viện NCHN phát biểu tại Lễ Khai giảng khóa học
Phát biểu khai giảng khóa học, TS. Cao Đông Vũ – Viện trưởng Viện NCHN nhấn mạnh vai trò của phân tích tỉ lệ đồng vị bền trong các nghiên cứu hiện nay. Việc được trang bị hệ thiết bị hiện đại là khối phổ tỉ lệ đồng vị EA-GC-LC-IRMS là cơ hội mở ra nhiều nghiên cứu mới trong nhiều lĩnh vực (môi trường, biến đổi khí hậu, nguồn gốc, xuất xứ các đối tượng nghiên cứu…) tại Viện NCHN nói riêng và Ngành năng lượng nguyên tử nói chung.
ThS. Lưu Thị Thu Hòa – Đại diện Trung tâm ĐTHN phát biểu giới thiệu về chương trình và nội quy khóa học
Kỹ thuật đồng vị bền là một trong những kỹ thuật tiên tiến hiện nay, đã và đang được nghiên cứu ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như môi trường, khí hậu, nông nghiệp, địa chất, thực phẩm, y sinh… Các đồng vị bền tồn tại một cách tự nhiên và khác nhau qua từng vị trí địa lý, từng cơ thể sinh vật sống. Vì vậy mà tỉ lệ các đồng vị bền sẽ cung cấp các thông tin về xuất xứ, nguồn gốc, đặc tính của đối tượng nghiên cứu. Tỉ lệ các đồng vị bền thường được dùng để phân tích truy xuất và xác định nguồn gốc của các hợp chất hữu cơ trong các đối tượng môi trường, thực phẩm, nông sản, chuỗi thức ăn… như 2H/1H, 18O/16O, 13C/12C, 15N/14N.
Phương pháp phân tích tỉ lệ đồng vị bền là một kỹ thuật chuyên biệt được sử dụng để cung cấp thông tin về nguồn gốc địa lý, hóa học và sinh học của các chất. Khả năng xác định nguồn gốc của một chất hữu cơ bắt nguồn từ độ phổ biến đồng vị tương đối của các nguyên tố tạo nên đối tượng quan tâm. Do tỉ lệ đồng vị của các nguyên tố như cacbon, hydro, ôxy, lưu huỳnh và nitơ có thể trở nên giàu hoặc cạn kiệt một cách cục bộ do nhiều yếu tố động học và nhiệt động học, nên phép đo tỉ lệ đồng vị có thể được sử dụng để phân biệt các mẫu có thành phần hóa học giống hệt nhau. Phương pháp này được sử dụng để đo đạc những thăng giáng về tỉ lệ đồng vị (đồng vị được làm giàu lên hoặc bị suy giảm đi trong mẫu do quá trình phân tách đồng vị).
Nội dung khóa học nhằm trang bị cho các học viên các kiến thức cơ sở về đồng vị bền, thiết bị phân tích đồng vị bền, quy trình chuẩn bị mẫu, chuẩn bị thiết bị đo đạc, sử dụng và vận hành hệ phân tích khối phổ tỉ lệ đồng vị ghép nối với hệ phân tích nguyên tố (EA-IRMS), phân tích số liệu, và thực hành phân tích trên mẫu trầm tích, thực vật, mật ong,… Giảng viên khóa học là các chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong nghiên cứu thủy văn của Viện NLNTVN và Công ty TNHH MTV Khoa học Công nghệ Hoàn Vũ.
Sau 03 ngày tham dự, các học viên đã tiếp cận và thu nhận được nhiều kiến thức liên quan đến ứng dụng của phân tích tỉ lệ đồng vị bền trong nghiên cứu môi trường, biến đổi khí hậu, sinh học… và hệ thiết bị EA-IRMS. Kết thúc khóa học, các học viên hoàn thành bài kiểm tra và được trao chứng nhận tham dự khóa đào tạo. Ban tổ chức đã đánh giá cao tinh thần giảng dạy và học tập của các giảng viên, học viên và sớm có kế hoạch phối hợp tổ chức các khóa đào tạo trên hệ thiết bị này trong thời gian tới.
TS. Bùi Hoàng – Giảng viên, Đại diện Công ty TNHH MTV Hoàn Vũ trình bày về phương pháp phân tích tỉ lệ đồng vị bền trên hệ thiết bị EA-IRMS
Học viên thực tập chuẩn bị mẫu phân tích
Giảng viên hướng dẫn học viên phân tích và chuẩn hóa dữ liệu
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Dung (Trung tâm ĐTHN) trao chứng chỉ cho các học viên