Thứ tư, 27/10/2021 11:47 GMT+7

Đưa nghiên cứu khoa học vào đời sống

Trong thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã rất nỗ lực, chủ động thực hiện nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Đặc biệt, các nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu quan trọng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần chung tay xây dựng các chủ trương phòng, chống dịch đúng hướng, phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Máy thở CPAP MMD-V1 do Công ty cổ phần Meiko Automation, Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai (huyện Thạch Thất) sản xuất được sử dụng nhiều trong các bệnh viện lớn trên cả nước để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Bám sát tình hình dịch bệnh để triển khai

Ngay từ khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, các nhà khoa học Việt Nam đã bám sát tình hình dịch bệnh để nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước những giải pháp phù hợp, góp phần kiểm soát dịch bệnh.

Trong đó, ngành Khoa học và Công nghệ đã chứng minh được vai trò quan trọng trong tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Theo Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, nhiều kết quả nghiên cứu đã phục vụ cho công tác xét nghiệm, truy vết nhanh, hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh, giúp nâng cao hiệu quả việc phòng, chống dịch Covid-19.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, đã có rất nhiều các ứng dụng khoa học, kỹ thuật được áp dụng trong phòng, chống dịch, như: Nuôi cấy, giải trình tự gen, phát triển bộ test PCR, test nhanh phục vụ chẩn đoán; nghiên cứu sản xuất vắc xin, khẩu trang Nano, chất sát khuẩn; xây dựng phác đồ điều trị, chế tạo máy thở, thử nghiệm thuốc trên lâm sàng, Robot phục vụ điều trị… Mới đây nhất, các nhà khoa học trong nước đã làm chủ quy trình giải trình tự gen vi rút SARS-CoV-2 với độ chính xác cao, giúp xác định nhanh các biến thể gen vi rút, không cần đến hệ gen tham chiếu.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, các nghiên cứu khoa học xã hội thời gian qua cũng được các nhà khoa học tích cực thực hiện. Nhiều nghiên cứu về khoa học xã hội đã được tổng hợp và cung cấp luận cứ phục vụ công tác chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ. Tiêu biểu là các nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã cung cấp luận cứ khoa học, đề xuất các kiến nghị triển khai “mục tiêu kép”; “sống chung với dịch”; kiến nghị về việc cần có giải pháp cứu trợ người nghèo, lao động tự do, lao động ở khu vực không chính thức trước tác động của dịch bệnh...

Từ thực tế triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, nền khoa học và công nghệ của Việt Nam có đủ năng lực, tiềm lực để giải quyết các công việc của đất nước.

Tập trung 7 hướng nghiên cứu

Do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường, nên trong thời gian tới, ngành Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ mục tiêu “chung sống với Covid-19”, cũng như xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, để phòng, chống dịch Covid-19 tốt cần bám sát tình hình dịch tễ để triển khai; tăng cường các đề tài nghiên cứu khoa học và vai trò của các nhà khoa học trong phòng, chống dịch Covid-19; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh...

Còn theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung 7 hướng nghiên cứu phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn mới. Đó là nghiên cứu sản xuất vắc xin và thuốc điều trị Covid-19; nghiên cứu hội chứng hậu Covid-19; hỗ trợ hoàn thiện công nghệ sản xuất máy thở ô xy dòng cao (HFNC), hệ thống làm giàu ô xy; nghiên cứu các phương pháp xét nghiệm mới phát hiện nCoV qua mẫu bệnh phẩm là nước bọt, hơi thở; nghiên cứu sản xuất kít định lượng và khả năng trung hòa của kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2; các nghiên cứu đánh giá tác động đến kinh tế và khuyến nghị các mô hình hoạt động giáo dục, y tế thích ứng trong giai đoạn mới; định hướng phát triển các công nghệ hỗ trợ.

Để làm chủ các công nghệ nền liên quan đến chế tạo vắc xin, ngành Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia: “Nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030”. Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 1-10-2021, tại Quyết định số 1657/QĐ-TTg, với mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất 15 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 5 loại vắc xin, trong đó ưu tiên vắc xin phòng Covid-19, vắc xin ung thư, vắc xin phối hợp nhiều thành phần.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, việc huy động tiềm lực của xã hội và doanh nghiệp vào thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Bên cạnh đó là việc cắt giảm thủ tục hành chính trong tổ chức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà khoa học, doanh nghiệp tham gia thực hiện những nhiệm vụ, chương trình do ngân sách nhà nước tài trợ.

Liên kết nguồn tin:
http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Oto-xemay/1015570/dua-nghien-cuu-khoa-hoc-vao-doi-song
 

Nguồn: Báo Hànộimới

Lượt xem: 1994

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)