Hội thảo có sự tham gia của Ông Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó ban thường trực Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Lãnh đạo một số tổng cục, cục, vụ, viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Viện Kinh tế Việt Nam; Ban chủ nhiệm Chương trình Nông thôn mới; Đại học Quốc Gia Hà Nội; Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế- Bộ KH&CN. GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Cao Đức Phát cho biết, tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 đến nay 13 năm thực hiện cần kiến nghị chủ trương giải pháp để ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và cần có các giải pháp khuyến khích các thành phần kinh tế cùng đầu tư; cần điều chỉnh cơ chế chính sách cho phù hợp, nhất là các cơ chế chuyển giao kỹ thuật cho nông dân (khoảng 11 triệu nông dân có diện tích sản xuất canh tác nhỏ). Để thực hiện những mục tiêu trên, việc nâng cấp hạ tầng nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân có cần cơ chế tài chính như quốc tế hay không là câu hỏi được ông Phát đặt ra để Hội thảo cùng thảo luận.
Trước khi bắt đầu thảo luận, Hội thảo được nghe PGS.TS Đào Thế Anh- Giám đốc VAAS thay mặt nhóm nghiên cứu của VAAS trình bày báo cáo chuyên đề “Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Báo cáo được chuẩn bị để phục vụ tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (2008 – 2020). Bên cạnh các kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đóng góp của KH&CN trong tăng trưởng, phát triển nông nghiệp nông thôn, Báo cáo cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong nghiên cứu phát triển KH,CN và đổi mới sáng tạo của ngành nông nghiệp; Đề xuất các định hướng, giải pháp như: Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nông nghiệp và nông thôn; đẩy nhanh chuyển đổi số trong nông nghiệp nông thôn nhằm đổi mới mô hình quản trị kinh doanh nông nghiệp, nông thôn; Tăng cường chất lượng nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý KH&CN; Xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ;…
Các đại biểu thảo luận trực tuyến (ảnh VISTIP chụp từ màn hình Zoom)
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, hiệu quả công nghệ tính riêng cho nông nghiệp đạt 16.18% vào TFP là chưa nhiều. Phần lớn doanh nghiệp mua công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc và bên ngoài từ khoảng 20 năm trước. Để đánh giá hệ thống nghiên cứu chuyển giao cần đưa tiêu chí hiệu quả sản xuất và tiêu chí hiệu quả thực tế để đánh giá. Cũng theo chia sẻ của TS Sơn, trong thời gian tới, dịch bệnh làm đứt gẫy chuỗi cung ứng, sản xuất trên thế giới, một số quốc gia tiến tới bài toán tự túc sản phẩm. Do đó sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam muốn vào các thị trường khó tính thì phải thay đổi cách thức sản xuất và đẩy mạnh hàm lượng KH&CN vào trong sản phẩm và hạ giá thành, song song với đó phải ứng dụng công nghệ số, mở rộng hệ thống kết nối thông tin nhằm bỏ qua nhiều trung gian để hạ chi phí nhằm tiếp cận vào các thị trường. Để làm được những việc trên, cần đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng và nguồn nhân lực cho các cơ sở nghiên cứu của ngành. Với nhận định coi KH&CN là then chốt, đột phá trong sản xuất nông nghiệp, hệ thống các cơ sở nghiên cứu nên dần hình thành các Hub thu hút ý tưởng sáng tạo. Bên cạnh đó, vai trò của việc liên doanh, liên kết phối hợp hiệu quả giữa các viện, trường đại học, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và nhà nước cũng được ông Sơn chia sẻ rất tâm huyết tại hội thảo.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ KH&CN- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần đánh giá nội dung hợp tác quốc tế và bài học kinh nghiệm của các nước để thấy bức tranh tổng thể vai trò của hợp tác KH&CN quốc tế trong sự phát triển của ngành. Đổi mới sáng tạo nằm trong từng nội dung, nếu tách ra và không gắn với CN 4.0 thì chưa thấy vai trò đổi mới sáng tạo trong KH&CN. Bà Thủy cũng nêu một số vướng mắc về chính sách như: Chế độ tự chủ của cơ sở nghiên cứu phát triển không song hành với một số điều khoản của luật công chức viên chức; chế độ tiền lương; vấn đề sử dụng quỹ KH&CN trong nông nghiệp; vấn đề đất đai, tài sản công còn một số điểm bất cập với chính sách thu hút nguồn lực. Đó là những rào cản sẽ ảnh hưởng, kém hấp dẫn doanh nghiệp trong việc triển khai đầu tư KH&CN dạng đối tác công tư (PPP) trong nông nghiệp.
Hội thảo cũng được nghe các ý kiến tham luận vấn đề hợp tác xã, hộ nông dân ứng dụng KH&CN; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới của đại diện trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Nông lâm Bắc Giang. Vấn đề chiến lược hợp tác quốc tế, điều phối nghiên cứu giữa các vùng miền, chế độ tuyển chọn đề tài, chiến lược đào tạo, KH&CN và hợp tác quốc tế về KH&CN trong nông nghiệp cũng được GS Nguyễn Văn Bộ- nguyên Giám đốc VAAS chia sẻ thẳng thắn.
Bà Bùi Thị Huy Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hội nhập KH&CN quốc tế- Bộ KH&CN nêu vấn đề đóng góp của các doanh nghiệp trong lĩnh vực KH&CN, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn hay sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế. Làm thế nào để huy động các nguồn lực từ các tổ chức này nhằm thúc đẩy phát triển KH&CN của Việt Nam đã được đưa ra và được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại hội thảo. Các tổ chức KH&CN đặc biệt là các viện, trường, đơn vị NC&PT trong lĩnh vực nông nghiệp cần gắn kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế để huy động nguồn lực từ bên ngoài vào phục vụ quá trình nghiên cứu khoa học, cải tiến công nghệ, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, hợp tác các bên cùng có lợi. Tuy nhiên quá trình trên không phải lúc nào cũng thuận lợi vì thiếu thông tin dữ liệu công nghệ và chuyên gia/đối tác. Giải pháp được đưa ra đó là: Các tổ chức KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp cần liên kết chặt chẽ hơn nữa với những tổ chức trung gian thực hiện hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN như là chất xúc tác, cầu nối nâng tầm hiệu quả cho các hoạt động hợp tác với các đối tác quốc tế của đơn vị mình.
Kết thúc Hội thảo, ông Cao Đức Phát Đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, tuy nhiên cần phân tích toàn diện hơn về hệ thống quốc gia (Bộ, các cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp; đánh giá vai trò của nhập khẩu khoa học công nghệ, của các doanh nghiệp FDI… để có bức tranh tổng thể hơn) và đề nghị làm rõ xu hướng phát triển trong bối cảnh mới với sự xuất hiện của cuộc CMCN 4.0. Với mong muốn có được những ý kiến góp ý từ cơ sở, Ban tổ chức Hội thảo đã mời đại biểu đến từ những viện, trường, cơ sở nghiên cứu KH&CN, các đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục tham gia sâu hơn, góp ý để có được Báo cáo chất lượng.