Thứ tư, 25/11/2020 11:19 GMT+7

Khai mạc Cuộc họp thường niên lần thứ 7 Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử của ASEAN

Ngày 24/11/2020, tại Hà Nội, trên cương vị Chủ tịch Mạng lưới các cơ quan pháp quy về năng lượng nguyên tử của ASEAN (ASEANTOM) năm 2020, Cục ATBXHN đã tổ chức khai mạc Cuộc họp thường niên lần thứ 7 ASEANTOM. Cuộc họp diễn ra trong 2 ngày (24-25/11) là một sự kiện quan trọng hàng đầu trong Năm Chủ tịch ASEANTOM 2020, lần đầu được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đã đến dự và phát biểu khai mạc.

Toàn cảnh các điểm cầu
 

Cuộc họp diễn ra dưới hình thức trực tuyến với các điểm cầu, gồm điểm cầu 10 nước ASEAN và các đối tác: Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ủy ban châu Âu (EC); Văn phòng Hợp tác vùng (RCA) và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội, có Bà Axelle Nicaise, Phó Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Brunei, Căm-pu-chia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippine, Singapore và Thái Lan; đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan.
Cuộc họp là dịp để lãnh đạo cơ quan pháp quy hạt nhân các nước ASEAN và các đối tác báo cáo các hoạt động, dự án đang triển khai đồng thời trao đổi, thảo luận về các định hướng hợp tác trong thời gian tới nhằm tăng cường hỗ trợ lẫn nhau giữa các nước trong khu vực và hợp tác bền vững, hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác quốc tế.
 

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu khai mạc
 

Phát biểu khai mạc Cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động hợp tác giữa các nước ASEANTOM và với các đối tác quốc tế. Việc triển khai các dự án thành phần trong khuôn khổ ASEANTOM đã không thể được triển khai như mong đợi. Trên tinh thần chủ đề của ASEAN 2020: ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng, Việt Nam đã tích cực thực hiện vai trò điều phối của mình để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Thứ trưởng nhấn mạnh đến việc chuẩn bị thành lập Mạng lưới quan trắc phóng xạ cảnh báo sớm của ASEAN, xây dựng Nghị định thư ASEAN về Chuẩn bị và Ứng phó khẩn cấp bức xạ hoặc hạt nhân v.v. Các dự án kỹ thuật như vậy sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật của các quốc gia thành viên trong khu vực trong việc chuẩn bị và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về bức xạ và hạt nhân có thể xảy đến từ các nhà máy điện hạt nhân trong đất liền (NPP) ngoài khu vực. Hiện nay, việc phát triển các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và nhà máy điện hạt nhân nổi (TNPP) mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đặt ra những nguy cơ về an toàn và an ninh. Là một quốc gia có đường bờ biển dài, Việt Nam nhận thức rõ tầm quan trọng của biển và tài nguyên biển đối với sự phát triển kinh tế và xã hội đất nước và các sự cố tiềm ẩn bắt nguồn từ hoạt động của các TNPP sẽ ảnh hưởng lớn đến môi trường biển và các vấn đề an toàn, an ninh. Do đó, Thứ trưởng kêu gọi các nước thành viên ASEANTOM, “cùng chung tay thúc đẩy xây dựng các khuôn khổ pháp lý quốc tế ràng buộc hoặc không ràng buộc để đảm bảo các TNPP hoạt động an toàn và an ninh”.

Thứ trưởng cũng kêu gọi các nước ASEANTOM ủng hộ và tham gia vào các sáng kiến của IAEA như  Sáng kiến Hành động tích hợp phòng ngừa các bệnh lây nhiễm từ động vật gây ra đại dịch (ZODIAC) và chương trình kiểm soát rác thải nhựa trên biển  (NUTEC).
 

Bà Axelle Nicaise, Phó Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam
 

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bà Axelle Nicaise, Phó Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam nhấn mạnh đến sự hỗ trợ của Liên minh Châu Âu (EU) cho ASEANTOM, đặc biệt trong lĩnh vực Chuẩn bị và Ứng phó khẩn cấp về bức xạ và hạt nhân như thiết lập mạng lưới trạm quan trắc phóng xạ môi trường khu vực ASEAN, hợp tác về Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo về Quản lý Thiên tai (Trung tâm AHA). Bà Axelle Nicaise cũng đánh giá cao sự tham gia tích cực của Cục ATBXHN/Việt Nam trong Sáng kiến thiết lập Trung tâm hợp tác tiên tiến về giảm thiểu nguy cơ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (Sáng kiến CBRN) khu vực ASEAN do EU tài trợ.
 

Cục trưởng Cục ATBXHN Nguyễn Tuấn Khải, Chủ tịch ASEANTOM 2020
 

Với vai trò Chủ tịch ASEANTOM 2020, Cục trưởng Cục ATBXHN Nguyễn Tuấn Khải cho biết, Việt Nam mong muốn trở thành một thành viên tích cực của ASEANTOM và trên thực tế, Việt Nam đã tham gia hầu hết các hoạt động trong khuôn khổ này. Sự tham gia này xuất phát từ nhu cầu thực tế của quốc gia, góp phần hiệu quả trong việc nâng cao năng lực kỹ thuật và nhân lực trong lĩnh vực an ninh hạt nhân, ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ và hạt nhân.

Cục trưởng nhận định, năm 2020 là một năm được đánh dấu bằng những tác động do đại dịch Covid-19 gây ra, điều này cản trở tiến độ thực hiện Kế hoạch công tác 5 năm ASEANTOM 2019-2023. “Đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEANTOM 2020, tôi rất tự hào chứng kiến ​​quyết tâm của tất cả các Quốc gia Thành viên ASEANTOM và các đối tác đối thoại quốc tế trong việc thực hiện Kế hoạch”.

Cục trưởng bày tỏ mong muốn, ASEANTOM tiếp tục khẳng định sự đoàn kết mạnh mẽ và khả năng thích ứng linh hoạt với các thách thức.
 

Toàn cảnh Lễ khai mạc


Sau lễ khai mạc, là phiên họp giữa ASEANTOM và các đối tác quốc tế nhằm cập nhật tình hình triển khai các hoạt động, dự án thuộc khuôn khổ ASEANTOM và củng cố hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN với các đối tác quốc tế. Ngày thứ 2 (25/11) là phiên họp nội khối, các nước sẽ trình bày báo cáo quốc gia và thảo luận về các hoạt động và định hướng hợp tác trong thời gian tới./.

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 3671

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)