Thứ tư, 14/08/2019 23:05 GMT+7

Cuộc họp khởi động Dự án 64 về Chương trình Kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng trong khu vực Đông Nam Á

Trong 2 ngày 14-15/8/2019, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Sáng kiến thiết lập Trung tâm hợp tác tiên tiến (CoE) khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực giảm thiểu nguy cơ hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) phối hợp với Liên minh Châu Âu (EU) tổ chức Cuộc họp khởi động Dự án 64 về Chương trình Kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng trong khu vực Đông Nam Á. PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục ATBXHN và ông Juan Zaratiegui, Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã đến dự và phát biểu tại Cuộc họp khởi động.

Tham dự Cuộc họp, có các chuyên gia của EU là Điều phối viên khu vực CoE CBRN, Điều phối viên khu vực Dự án 64, Trưởng nhóm EU P2P; các đại biểu đến từ Căm-pu-chia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Singapore, Philippines và các đại biểu trong nước đại diện cho Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ và Tổng cục Hải quan.

Mục đích của Chương trình Kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng, còn gọi là chương trình EU P2P, nhằm góp phần tạo ra, củng cố hoặc cập nhật hệ thống kiểm soát thương mại chiến lược (STC) đối với hàng hóa lưỡng dụng trong các nước đối tác. Chương trình EU P2P cũng góp phần giảm thiểu nguy cơ CBRN và cụ thể cho việc chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) bằng cách tập trung đặc biệt vào các vật liệu, thiết bị và công nghệ lưỡng dụng. 3 trọng tâm của Chương trình EU P2P gồm: tăng cường các điều kiện để tạo thuận lợi cho thương mại; góp phần cải thiện an ninh toàn cầu cả trong khu vực và các nước và giữa các nước, qua đó giảm thiểu các mối đe dọa đặt ra bởi các yếu tố quốc gia và không-quốc gia; và hỗ trợ kỹ thuật dựa trên nhu cầu của các nước đối tác và hiệp định chung. Chương trình EU P2P cho khu vực Đông Nam Á (Dự án 64) bao gồm các nước đối tác: Căm-pu-chia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Singapore, Philippines và Việt Nam, kéo dài từ 2019 đến 2021.
 


Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Cuộc họp khởi động, Cục trưởng Nguyễn Tuấn Khải cho biết, Việt Nam và EU đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và lâu dài với việc ký kết Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – EU năm 2012. Từ đó, hai bên đã có sự phát triển hợp tác  đáng ghi nhận trong rất nhiều lĩnh vực trong đó có CBRN. Trong khuôn khổ sáng kiến CBRN, Việt Nam đã tích cực tham gia 17 dự án đối với khu vực Đông Nam Á,với sự hỗ trợ của các chuyên gia EU, đã giúp đánh giá nhu cầu quốc gia,  xác định các mối đe dọa về CBRN và xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về CBRN. Tiếp nối thành công trên, mới đây EU đã phê duyệt một dự án mới cho khu vực Đông Nam Á - Dự án 64 về Chương trình Kiểm soát hàng hóa lưỡng dụng trong khu vực Đông Nam Á. Hôm nay, Cục ATBXHN, cơ quan điều phối triển khai Sáng kiến CoE CBRN của Việt Nam, phối hợp với EU tổ chức Cuộc họp khởi động cho Dự án này.

Cục trưởng cũng bày tỏ cám ơn đến EU vì những hỗ trợ thiết thực cho các nước Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng qua các dự án và hoạt động trong khuôn khổ Sáng kiến.
 


Ông Juan Zaratiegui, Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phát biểu tại Cuộc họp

Ông Juan Zaratiegui, Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, trong bài phát biểu của mình, đã điểm lại các hoạt động hỗ trợ cho các nước Đông Nam Á trong khuôn khổ Sáng kiến. Ông đánh giá cao sự tham gia tích cực của các nước và các kết quả đạt được trong việc nâng cao năng lực quốc gia về giảm thiểu nguy cơ CBRN và mong muốn tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác giữa EU và Đông Nam Á cũng như EU và Việt Nam trong thời gian tới.
 


Toàn thể đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Tại Cuộc họp, các nước đã giới thiệu về Những phát triển hiện nay và cập nhật mới trong Kiểm soát thương mại chiến lược (STC) tại nước mình. Các đại biểu cũng thảo luận về Những trở ngại chính cho việc thông qua các quy định về STC? Đối với những nước đã thông qua, vấn đề gì đang phải đối mặt? Các nước đối tác có thể làm gì để tăng cường hiệu quả của chương trình EU P2P và hợp tác xuyên biên giới trong tương lai?

Nguồn: Cục An toàn bức xạ và hạt nhân

Lượt xem: 3880

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)