Theo ông Nguyễn Thế Ích - Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn – Miền núi, trước đây các chương trình Nông thôn miền núi chưa chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, dẫn đến nông sản sản lượng cao nhưng chưa đạt hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.

Trả lời một độc giả ở Tiền Giang, về việc có nhiều mô hình nông nghiệp đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật rất thành công nhưng khâu bảo quản chưa được chú trọng, ông Nguyễn Thế Ích cho biết, giai đoạn 2016 – 2020 nội dung này sẽ được chú trọng.
 
Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản ở các nước đang phát triển lên đến 20 - 30%, nghĩa là chừng ấy tỷ lệ nông sản được sản xuất ra nhưng không đến được tay người tiêu dùng. 
 
Nguyên nhân chủ yếu là do thu hoạch, đóng gói, vận chuyển và bảo quản không đúng cách. Để nâng cao sức cạnh tranh của nông sản thì vấn đề bảo quản sau thu hoạch cần phải được đặc biệt quan tâm.
 
Trong những năm qua, có rất nhiều dự án thuộc Chương trình NTMN thực hiện thành công và sau khi kết thúc dự án đã tự mở rộng được nhiều mô hình sản xuất sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều nơi đã rơi vào tình trạng được mùa mất giá, người dân không tìm được đầu ra cho sản phẩm, dẫn đến việc các mô hình mở rộng không hiệu quả. Vì vậy, chính sách quản lý Chương trình NTMN giai đoạn 2016 – 2025 đã chú trọng và khuyến khích nội dung bảo quản sau thu hoạch.
 
Trong thực tiễn, đối với các dự án có ứng dụng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch thường đầu tư lớn và khai thác không hết công suất thiết kế, mang lại hiệu quả không cao bằng so với các lĩnh vực sản xuất khác do tính thời vụ của nông sản nên các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này ít được các nhà đầu tư quan tâm. Do đó, Chương trình Nông thôn miền núi sẽ khuyến khích và tạo điều kiện để các nhà đầu tư bỏ vốn cùng tham gia xây dựng các mô hình chế biến, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp.
 
Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Ích cũng thông tin cụ thể tới các viện nghiên cứu, trường đại học, các địa phương có mong muốn tham gia chương trình nông thôn miền núi, có thể liên hệ hoặc làm việc với cơ quan chuyên trách để nhận được hướng dẫn cụ thể.