Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh thăm và làm việc tại Thái Lan

Thứ năm, 07/04/2016 11:04 GMT+7
Từ ngày 21-23/3/2016, Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh đã làm việc tại Bangkok, Thái Lan để tham gia Cuộc họp lãnh đạo giữa Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan và Cuộc họp lần thứ 49 Nhóm...
Cuộc họp giữa Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Trần Việt Thanh và bà Nuntawan Sakuntanaga, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan đã diễn ra trong không khí thân mật và cởi mở. Hai bên cùng chia sẻ những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trong định hướng phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ quốc gia cũng như những khó khăn mà hai cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia đang gặp phải. Kế hoạch, cách thức để đưa sở hữu trí tuệ thực sự đóng vai trò hữu hiệu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước, thu hút hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đối với lĩnh vực này đã được hai Cục trưởng cùng thảo luận cụ thể. Bên cạnh đó, hai bên cũng trao đổi kinh nghiệm về các giải pháp giải quyết tồn đọng đơn, nâng cao hiệu quả quản trị hệ thống đơn đăng ký sở hữu công nghiệp trong cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia. Từ định hướng phát triển và nhu cầu thực tiễn của mỗi cơ quan, hai bên đã thống nhất Kế hoạch hợp tác song phương 2016 - 2017.


Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Trần Việt Thanh gặp và làm việc với Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan

Tiếp đó, Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Trần Việt Thanh đã tham dự Lễ khai mạc Cuộc họp lần thứ 49 Nhóm công tác về Hợp tác sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 49). Tham dự Lễ khai mạc AWGIPC 49 có Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan và lãnh đạo tất cả các cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia các nước ASEAN. Phát biểu khai mạc cuộc họp, bà Apiradi Tantraporn, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, đã phân tích các nỗ lực của Chính phủ Thái Lan trong việc thực hiện mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế Thái Lan sang nền kinh tế sáng tạo, các chính sách tăng trưởng kinh tế trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội quốc gia lần thứ 12 và vai trò của sở hữu trí tuệ đối với quá trình này.
Cũng trong thời gian công tác tại Thái Lan, Thứ trưởng kiêm Cục trưởng đã thăm và làm việc với tập đoàn Siam Cement Group (SCG), tìm hiểu về hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của Tập đoàn. Cục trưởng đánh giá cao chiến lược phát triển sở hữu trí tuệ cũng như chính sách quản trị tài sản trí tuệ đang được triển khai tại Tập đoàn và mong muốn Tập đoàn SCG sẽ chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam và các cán bộ làm công tác sở hữu trí tuệ Việt Nam về vấn đề này trong thời gian sớm nhất.


Thứ trưởng kiêm Cục trưởng Trần Việt Thanh tham dự Lễ khai mạc cuộc họp lần thứ 49 Nhóm công tác về Hợp tác sở hữu trí tuệ ASEAN

Nội dung chính của bài phát biểu của bà Apiradi Tantraporn, Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan

Chúng ta cùng nhau có mặt ở đây ngày hôm nay để tiếp tục nỗ lực chung trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) vì lợi ích của tất cả các nước thành viên ASEAN. Tôi đánh giá cao nhiệt huyết và cam kết ở mức độ cao mà các quý vị đã thể hiện tại diễn đàn này trong những năm qua.

Với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được chính thức thiết lập vào ngày 31/12/2015, khu vực được kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh và năng lực sản xuất thông qua bảo hộ và khai thác thỏa đáng quyền sở hữu trí tuệ và hoạt động sáng tạo. Đây sẽ là một trong những động lực chính để các nước ASEAN thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nâng cao kim ngạch thương mại quốc tế, và cuối cùng, khả năng cạnh tranh của khu vực bền vững và được nâng cao.

Chính phủ Thái Lan hiện đang đẩy mạnh các biện pháp tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế Thái Lan sang nền kinh tế sáng tạo. Các điểm nổi bật trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội quốc gia lần thứ 12 đều đề cập đến sự tăng trưởng của nền kinh tế thông qua các ngành công nghiệp đòi hỏi vốn lớn, phụ thuộc nhiều vào công nghệ, đổi mới và sáng tạo thay vì nguồn nhân công giá rẻ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như tái cơ cấu khu vực công nghiệp, đặc biệt là các ngành thế mạnh của đất nước.

Để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch này, nhiều bước đã được tiến hành như thúc đẩy công nghệ của Thái Lan bằng việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu triển khai của các công ty trong nước và toàn cầu, thiết lập các cơ sở sản xuất hàng đầu tại Thái Lan và các nước ASEAN, và quan trọng hơn hết, phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ Thái Lan.

Tương lai của chúng ta do nền công nghệ đang thay đổi nhanh chóng tạo nên. Quyền SHTT đã trở thành một phần không thể thiếu của thế giới hiện đại. Ngày nay, sự phát triển của SHTT đã vượt ra khỏi bảo hộ quyền SHTT đơn thuần. Quyền SHTT đang được xem như hàng hóa, tài sản của một doanh nghiệp, có thể thương mại hóa thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài, chuyển giao công nghệ và liên doanh. Với việc quản lý quyền SHTT và các kênh marketing phù hợp, quyền SHTT có thể trở thành một hoạt động kinh doanh chủ chốt tạo ra doanh thu đáng kể cho doanh nghiệp; là điều tất yếu trong môi trường kinh doanh ngày nay nơi tất cả các công ty hàng đầu đều coi đổi mới như lực đẩy chủ yếu cho hoạt động kinh doanh của mình.

Về quản lý SHTT, với sự tăng trưởng đáng kể lượng đơn sáng chế và nhãn hiệu ở Thái Lan, Cục Sở hữu trí tuệ, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cam kết phát triển một hệ thống hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả hơn. Bộ Thương mại đã đồng ý với kế hoạch tăng số lượng thẩm định viên, tăng cường hệ thống công nghệ thông tin và trở thành thành viên của các hiệp định liên quan đến sở hữu trí tuệ quốc tế và khu vực nhằm hỗ trợ quy trình thẩm định và đăng ký SHTT của Cục SHTT. Hơn thế nữa, đẩy mạnh thương mại hóa SHTT cũng rất quan trọng, bao gồm nhiều đối tượng: sáng chế, nhãn hiệu và quyền tác giả, cho phép chủ sở hữu quyền chuyển giao quyền SHTT của mình cho người khác.

Cuộc họp này là một bước quan trọng của AWGIPC nhằm tiếp tục triển khai các sáng kiến trong Chương trình hành động ASEAN về SHTT mới được thông qua gần đây và xem xét cách thức phù hợp nhất để triển khai thành công Chương trình trong khi công nhận mức độ phát triển và hệ thống luật pháp khác nhau của các nước thành viên. Đây cũng là cơ hội lớn để các nước thành viên ASEAN thảo luận với các bên đối thoại lớn về các lĩnh vực hợp tác có thể có tác động đến sự phát triển sở hữu trí tuệ trong khu vực. Nền tảng của ASEAN là hợp tác, điều này hoàn toàn đúng trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khi thành công của AWGIPC là thước đo cho hợp tác mạnh mẽ giữa các nước thành viên ASEAN, cũng như giữa các nước ASEAN và các bên đối thoại./.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img