Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng ở Việt Nam”

Thứ ba, 05/04/2016 10:32 GMT+7
Ngày 03/4/2016, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam và Ban Điều phối vùng Duyên hải Miền Trung tổ chức Hội thảo quốc tế “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô...

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có: ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hoà, Trưởng Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung; bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; ông Carl Georg Berger, Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương , các tỉnh ủy, thành ủy, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia kinh tế;…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vương Đình Huệ, cho biết: Vấn đề kinh tế vùng và liên kết vùng đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam nhận thức rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VIII, văn kiện nêu rõ: “Tạo điều kiện cho tất cả các vùng đều phát triển trên cơ sở khai thác thế mạnh và tiềm năng của mỗi vùng để hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và liên kết các vùng, tạo nên sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của cả nước. Kết hợp sự phát triển có trọng điểm với sự phát triển toàn diện của các vùng lãnh thổ, giảm bớt chênh lệch về nhịp độ phát triển giữa các vùng”. Qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ IX, X, XI đều tiếp tục xác định rõ định hướng chiến lược phát triển vùng. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XII đã nêu rõ: “Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đồng thời ưu tiên phát triển các vùng kinh tế động lực, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa phát triển đến các địa phương trong vùng và đến các vùng khác. Có chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và hải đảo; phát triển kinh tế lâm nghiệp. Đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền, gắn với phân định và nâng cao trách nhiệm của trung ương và địa phương. Thực hiện quy hoạch vùng, chính sách vùng; sớm xây dựng và thể chế hóa cơ chế điều phối liên kết vùng theo hướng xác định rõ vai trò đầu tàu và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng địa phương trong vùng. Khắc phục tình trạng nền kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp. Xây dựng một số đặc khu kinh tế để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá”.

Để cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển vùng, từ năm 2000 đến nay, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành các văn bản liên quan, từ phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, từ quy chế phối hợp, tổ điều phối vùng,… đến các chính sách đặc thù của vùng, đặc biệt vấn đề vùng đã được chú trọng, lồng ghép vào các định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế nhằm thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các vùng và nhóm dân cư. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai chủ trương, cơ chế chính sách như: chưa nhận thức đầy đủ phát triển kinh tế vùng như một quy luật tự thân của kinh tế thị trường theo không gian kinh tế; cách phân vùng kinh tế - xã hội còn nhiều mặt hạn chế để phát huy lợi thế so sánh từng vùng; các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội; chưa quan tâm đến chức năng từng vùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội vùng và với tổng thể quốc gia; thiếu cơ chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả; chất lượng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng còn hạn chế;...

Từ những hạn chế trên và nhiều vấn đề cấp bách cấp vùng hiện nay nổi lên mà từng địa phương không thể giải quyết được một cách hiệu quả như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán và quản lý nguồn nước,… Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận gợi mở một số nội dung quan trọng như: tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo vùng; xác lập chiến lược phát triển kinh tế vùng trong chiến lược phát triển quốc gia; rà soát, phân vùng hợp lý, khoa học và thực tiễn phù hợp với giai đoạn mới phát triển các vùng kinh tế - xã hội và vùng kinh tế trọng điểm; mô hình thể chế điều phối, quản trị vùng;…
Ông Vương Đình Huệ cũng chỉ ra các cơ chế chính sách cho việc phát triển kinh tế vùng, cũng như các vấn đề liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục đào tạo, phân bổ công nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.

Những kiến nghị, đề xuất của Hội thảo sẽ có ý nghĩa thiết thực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng để hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh liên kết và phát triển kinh tế - xã hội các vùng trong phạm vi cả nước và giúp cho các tổ chức quốc tế xác định rõ hơn chiến lược hoạt động trong giai đoạn tới.

Các tham luận tại Hội thảo đã tập trung phân tích rõ tính tất yếu và cần thiết, các yếu tố tác động đến phát triển kinh tế vùng; lý giải một số vấn đề cơ bản, như động lực liên kết là lợi ích vùng và việc phân chia thành quả của liên kết; vai trò của Nhà nước và thị trường trong liên kết phát triển kinh tế vùng,… Nhiều tham luận đề cập các cơ chế chính sách cho phát triển kinh tế vùng; vấn đề thể chế hóa điều phối kinh tế vùng, tính liên kết có tổ chức trên cơ sở tự nguyện; xác định thể chế điều phối kinh tế vùng phù hợp điều kiện của Việt Nam; cơ chế thích hợp cho các vùng kinh tế động lực phát triển; cho các vùng khó khăn rút ngắn khoảng cách phát triển; quan tâm các vùng có tính đặc thù như tây bắc, tây Nam Bộ, Tây Nguyên,…

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Cộng hoà Liên bang Đức tại Việt Nam, ông Carl Georg Christian Berger khẳng định: Đức cũng như một số đối tác quốc tế hoàn toàn ủng hộ vấn đề thúc đẩy điều phối vùng tại Việt Nam. “Tôi tin rằng điều phối vùng đủ mạnh sẽ mang lại cho các tỉnh tiềm năng to lớn trong việc giải quyết các vấn đề nằm ngoài tầm ảnh hưởng của các đơn vị hành chính quy mô nhỏ hơn; và điều phối vùng cũng có thể thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, đặc biệt, nếu điều phối vùng được hỗ trợ tích cực bởi các cơ quan chức năng. Việc điều phối có thể loại bớt những vấn đề phức tạp, tạo ra những cơ hội cho phát triển kinh tế, trong đó có định hướng phát triển kinh tế thị trường và bảo vệ môi trường tại các địa phương...” Ông Carl Georg Berger nhấn mạnh.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng: “Sự tăng trưởng của Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, vì vậy, việc điều phối vùng mạnh hơn để tối ưu hoá được các tiềm năng to lớn của Việt Nam là rất cần thiết và cấp bách”. Bà Victoria Kwakwa cũng khẳng định, Ngân hàng Thế giới sẵn sàng phối hợp với các tổ chức quốc tế, chính phủ Việt Nam triển khai hiệu quả nhằm thúc đẩy và phát triển vùng và điều phối vùng ở Việt Nam.

Nhân dịp này, các đối tác phát triển tại Việt Nam đã có tuyên bố ủng hộ Sáng kiến thúc đẩy điều phối vùng tại Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ Việt Nam khởi xướng. Các đối tác phát triển bày tỏ tin tưởng tăng cường điều phối vùng sẽ đem lại lợi ích to lớn cho sự phát triển vùng nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Các đối tác phát triển đề xuất Việt Nam cần có các thể chế mạnh để điều phối vùng một cách hiệu quả; quy hoạch vùng và mối liên hệ với vấn đề tài chính là điều kiện quan trọng để điều phối vùng một cách hiệu quả; để thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao khả năng chống chịu các tác động của biến đổi khí hậu, cần có một cơ chế điều phối vùng không chỉ cho phát triển kinh tế mà còn xác định và thực hiện các giải pháp đa ngành; thúc đẩy điều phối vùng là vấn đề cấp thiết và có thể được thực hiện theo từng giai đoạn;...

Từ kết quả của Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp để báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan liên quan để nghiên cứu, triển khai trong thực tiễn.


BÁO CÁO THAM LUẬN

(Của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc)

Chủ trương, cơ chế chính sách, chương trình, dự án phát triển khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng giai đoạn 2016-2020

Trong bối cảnh thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường về các vấn đề an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ..., để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, với vai trò là quốc sách hàng đầu đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước, đòi hỏi khoa học và công nghệ có những cơ chế chính sách kịp thời, phù hợp với tiềm lực của quốc gia.

1. Các chủ trương, cơ chế chính sách, dự án KH&CN liên quan đến phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng đã ban hành

1.1. Về các chủ trương, cơ chế chính sách

Một trong những văn bản pháp lý quan trọng nhằm triển khai chủ trương đường lối của Đảng về KH&CN nói chung và phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng nói riêng là Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012). Chiến lược đã đề ra nhóm giải pháp “KH&CN ở các vùng, địa phương”, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng với các nhiệm vụ chủ yếu là: (1) Hoạt động KH&CN vùng cần tập trung khai thác các lợi thế và điều kiện đặc thù của từng vùng để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực. Xây dựng định hướng phát triển KH&CN tạo môi trường hợp tác, liên kết giữa các địa phương; (2) Hình thành tại mỗi vùng một số mô hình liên kết giữa KH&CN với giáo dục và đào tạo, sản xuất, kinh doanh, hướng vào khai thác lợi thế của vùng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội; (3) Xây dựng hệ thống tổ chức và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động KH&CN trong vùng, như các viện nghiên cứu và phát triển, các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN.

Cụ thể đối với các vùng kinh tế trọng điểm, Chiến lược đã đề ra các nhiệm vụ chủ yếu như sau:

- Đối với các vùng kinh tế trọng điểm: Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ. Phấn đấu tốc độ đổi mới công nghệ của vùng bình quân 20 - 25%/năm; tỷ lệ công nghệ tiên tiến đạt khoảng 45%. Hình thành một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chú trọng phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch với quy mô công nghiệp phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.

- Đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ: Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, như cơ khí chế tạo, công nghiệp đóng tàu, công nghiệp phần mềm, thiết bị tin học, công nghiệp phụ trợ, sản xuất các thiết bị tự động hóa, rô bốt, sản xuất vật liệu mới, thép chất lượng cao. Phát huy vai trò đầu tàu và ảnh hưởng lan tỏa của Thủ đô Hà Nội như một trung tâm KH&CN hàng đầu của cả nước.

- Đối với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Tập trung phát triển năng lực KH&CN đạt trình độ tiên tiến trong một số lĩnh vực công nghiệp trọng điểm, như công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng. Tập trung đầu tư để thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế trở thành cụm trung tâm KH&CN của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

- Đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, như cơ khí chính xác, công nghiệp chế biến thực phẩm, điện tử - tin học, sản xuất các thiết bị tự động hóa, thiết bị y tế, năng lượng, sản xuất vật liệu mới, phát triển các ngành công nghiệp đóng tàu, dầu khí, công nghiệp phần mềm. Tập trung đầu tư để thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm KH&CN của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Nghiên cứu đề xuất một số cơ chế đặc thù để thí điểm áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh nhằm tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tốc độ phát triển KH&CN.

- Đối với vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long: Tập trung nghiên cứu phát triển, ứng dụng KH&CN phục vụ các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, như sản xuất lúa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp các giống cây, con, các dịch vụ kỹ thuật, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung đầu tư để thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm KH&CN của vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long.

Triển khai nhiệm vụ nêu trên, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011 -2015 (Quyết định số 1244/QĐ-TTg ngày 25/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó có nhiệm vụ KH&CN chủ yếu liên quan đến phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng là: “Xác định mô hình và các giải pháp tái cấu trúc và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Ứng dụng các giải pháp KH&CN để phát triển kinh tế biển, phát triển kinh tế - xã hội các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ”. Đặc biệt mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05/6/2015) trong đó nêu rõ giải pháp nhằm tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu của vùng và liên kết vùng là: “Khoa học và công nghệ ở các vùng, địa phương: tập trung triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong các vùng kinh tế trọng điểm; tiếp tục triển khai Chương trình KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ và Chương trình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020”.

Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2011, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với các Bộ/ngành, địa phương có liên quan triển khai thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia phục vụ phát triển kinh tế các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ, trong đó, ngoài mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng, có nhiều nhiệm vụ chú trọng đến liên kết vùng và xuyên biên giới.

1.2. Các chương trình, dự án phát triển KH&CN đã và đang triển khai

- Chương trình Tây Nguyên 3:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Chương trình KH&CN cấp nhà nước Tây Nguyên 3, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Chương trình Tây Nguyên 3) (theo Quyết định số 2632/QĐ-BKHCN ngày 29/8/2011 của Bộ trưởng Bộ KH&CN).

Trên cơ sở bám sát mục tiêu và nội dung, sản phẩm của khung Chương trình, đồng thời xem xét các vấn đề cấp thiết, thực tiễn từ kiến nghị của địa phương và Ban chỉ đạo Tây Nguyên, với tính tổng hợp liên ngành cao, các kết quả của Chương trình trong giai đoạn này đã đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.

Trong giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở các kết quả đạt được, qua quá trình quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình và nắm bắt nhu cầu cấp thiết tại các địa phương, Bộ KH&CN thấy rằng để phục vụ phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên, các định hướng mục tiêu cần hướng tới là: (1) Cung cấp luận cứ khoa học về liên kết vùng, ngành và hội nhập kinh tế quốc tế: Xác định lĩnh vực liên kết vùng và hội nhập hiệu quả và đặc thù; đề xuất các chính sách, cơ chế, giải pháp; (2) Ứng dụng có hiệu quả và chuyển giao công nghệ tiên tiến thích hợp; lựa chọn nhân rộng các mô hình đã thử nghiệm vào sản xuất tạo sản phẩm hàng hóa nông lâm nghiệp, dịch vụ; (3) Cung cấp giải pháp KH&CN nâng cao năng lực quản lý của các tỉnh Tây Nguyên về tài nguyên, môi trường, rủi ro thiên tai và quản lý xã hội theo định hướng phát triển bền vững; (4) Cung cấp các giải pháp phát huy nguồn nội lực KH&CN tại vùng Tây Nguyên.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Bộ KH&CN đang định hướng nhiều Chương trình hợp tác quốc tế (song phương và đa phương) để chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển cho vùng Tây Nguyên nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của các vùng/địa phương, đặc biệt là sản phẩm nông lâm đặc sản xuất khẩu, phát triển dược liệu, du lịch, phát triển thị trường cho người nghèo, cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần cải thiện đời sống kinh tế xã hội tại những địa bàn khó khăn, đảm bảo quốc phòng an ninh.

- Chương trình Tây Bắc:

Hiện nay, Bộ KH&CN đã và đang chủ trì phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” giai đoạn 2013-2018 (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc) (theo Quyết định số 1746/QĐ-BKHCN ngày 28/6/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN) gồm các mục tiêu chính: (1) Cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; (2) Xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc; (3) Đề xuất, chuyển giao các giải pháp KH&CN phù hợp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông và thông tin; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc; (4) Xác định nhu cầu đào tạo nhân lực và đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững vùng Tây Bắc.

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 04 nhóm nội dung chính và 04 gói sản phẩm chính với các chỉ tiêu đánh giá định lượng cụ thể. Từ năm 2013 đến nay đã có 20 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình đang được triển khai thực hiện theo các định hướng mục tiêu và nội dung đã phê duyệt.

Các đề tài đã hướng tới giải quyết các vấn đề KH&CN cụ thể, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả của các ngành kinh tế trọng yếu của Tây Bắc (chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm đặc sản xuất khẩu, phát triển dược liệu, du lịch, phát triển thị trường cho người nghèo,…) góp phần cải thiện các mô hình sinh kế của người dân và mô hình tổ chức sản xuất của các doanh nghiệp trong vùng. Chương trình cũng đặc biệt quan tâm nghiên cứu các vấn đề cấp thiết về quốc phòng, an ninh, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng như vấn đề người H’Mông, quan hệ tộc người vùng biên giới, liên kết quân dân trong xây dựng các tuyến đường cơ động quân sự các tỉnh biên giới.

- Chương trình Tây Nam Bộ:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2014, Bộ KH&CN đã chủ trì phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia “KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ” giai đoạn 2014-2019 (gọi tắt là Chương trình Tây Nam Bộ) (theo Quyết định số 734/QĐ-BKHCN ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ KH&CN) nhằm Cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chiến lược, chính sách; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN; triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển bền vững, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của vùng Tây Nam Bộ, có tính đến bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Các mục tiêu cụ thể gồm: (1) Cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện chiến lược, chính sách phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; (2) Đề xuất các giải pháp KH&CN liên ngành để thúc đẩy liên kết nội vùng và liên kết vùng trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ; (3) Triển khai có hiệu quả các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ đã được xác định trong Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ).

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 03 nhóm nội dung chính và 03 gói sản phẩm chủ yếu với các chỉ tiêu đánh giá định lượng cụ thể. Hiện nay, các Bộ/ngành có liên quan và địa phương thuộc Vùng Tây Nam Bộ đang xem xét đề xuất các nhiệm vụ KH&CN theo các định hướng mục tiêu và nội dung của Chương trình đã phê duyệt để có thể triển khai sớm từ năm 2016.

2. Kết luận và kiến nghị về các định hướng phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng:

Để thúc đẩy những đóng góp của KH&CN trong phát triển phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng đòi hỏi sự tập trung sức lực không những chỉ riêng của ngành KH&CN và các địa phương mà còn có sự tham gia và phối hợp chặt chẽ của các Bộ/ngành có liên quan.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, trước các diễn biến khó lường về các vấn đề an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, đòi hỏi phải có đầy đủ cơ sở khoa học cho các giải pháp phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng nhằm đạt được các chỉ tiêu về kinh tế xã hội mà các văn kiện của Đảng, nhà nước và Chính phủ đã đề ra, trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đề xuất định hướng như sau:

Đối với từng vùng: Cần đầu tư tiềm lực cho việc nghiên cứu cơ sở khoa học trong việc hoạch định chiến lược, chính sách; đẩy mạnh ứng dụng KH&CN; triển khai các giải pháp KH&CN phục vụ phát triển bền vững, phù hợp với đặc thù và thế mạnh của từng vùng, có tính đến bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Về liên kết vùng: Thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, triển khai ứng dụng công nghệ trên địa bàn các vùng theo quy mô liên ngành, liên vùng không chỉ giữa các vùng trong nước mà còn tính đến khả năng liên kết xuyên biên giới với các nước (Lào, Campuchia), trong đó sự hợp liên kết về các lĩnh vực kinh tế, du lịch, văn hóa, quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và môi trường kinh tế; phòng tránh thiên tai, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên (nước, đất, khoáng sản, rừng...).

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành, địa phương có liên quan để tham mưu với Chính phủ trong xây dựng, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy hơn nữa phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng giai đoạn 2016-2020 theo đúng chủ trương, đường lối tại các văn kiện mà Đảng ta đã đề ra. Song song với định hướng này, Bộ KH&CN sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ hợp tác quốc tế để chuyển giao các công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển nhằm nâng cao giá trị sản phẩm của các vùng/địa phương theo cung ứng sản phẩm nông lâm đặc sản xuất khẩu, phát triển dược liệu, du lịch, phát triển thị trường cho người nghèo, cải thiện môi trường, giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần cải thiện đời sống kinh tế xã hội tại những địa bàn khó khăn, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img