Thông điệp của Tổng giám đốc IAEA tại Đại hội đồng năm 2014

Thứ tư, 24/09/2014 16:47 GMT+7
Ngày 22/9/2014, Khóa họp Đại hội đồng lần thứ 58 Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã khai mạc tại thủ đô Viên, Cộng hòa Áo. Tổng giám đốc IAEA Amano Yukiya đã có bài phát biểu quan trọng đánh giá các hoạt động trong năm qua và định hướng...

Mở đầu bài phát biểu, Tổng Giám đốc IAEA đã nhấn mạnh đến vai trò của khoa học và công nghệ nói chung và khoa học và công nghệ hạt nhân nói riêng đối với phát triển bền vững, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, quản lý nguồn nước, công nghiệp cũng như năng lượng. Thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật của IAEA đã giúp cho các nước đang phát triển triển khai các ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đối với mục tiêu phát triển bền vững cho giai đoạn sau năm 2015, trong đó nhấn mạnh các lợi ích to lớn của việc sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân. Vì vậy, IAEA đã đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm của mình tại Seibersdorf nhằm giúp đào tạo cán bộ cho các quốc gia thành viên về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân; hỗ trợ triển khai các nghiên cứu trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và các lĩnh vực khác; cung cấp dịch vụ phân tích mẫu cho các nước. Dự án nâng cấp phòng thí nghiệm Seibersdorf sẽ hoàn thành vào năm 2017 và sẽ đáp ứng yêu cầu của các quốc gia thành viên trong 15-20 năm tới.

Ông cho rằng thách thức lớn nhất hiện nay của thế giới trong những thập kỷ tới chính là việc cung cấp nguồn năng lượng ổn định khi dân số tăng lên cũng như giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tin tưởng rằng điện hạt nhân có thể góp phần giải quyết được các thách thức này. Điện hạt nhân là nguồn năng lượng ít phát thải carbon nhất trong toàn bộ vòng đời của nhà máy.

Hiện nay, trên thế giới có 437 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành cung cấp 11% sản lượng điện. 70 lò phản ứng đang được xây dựng phần lớn ở châu Á. Có 33 nước đang được IAEA giúp đỡ trong việc triển khai các dự án điện hạt nhân. Theo dự báo của IAEA thì điện hạt nhân vẫn tăng trưởng đến năm 2030 nhưng với tốc độ chậm hơn so với trước khi xảy ra tai nạn Fukushima. Để hỗ trợ các nước phát triển điện hạt nhân, IAEA đã chỉnh sửa lại tài liệu về Cơ sở hạ tầng cho phát triển điện hạt nhân trên cơ sở các ý kiến góp ý từ các nước thành viên. Ngoài ra, IAEA cũng hợp tác tích cực với các nước thành viên trong nghiên cứu các lò phản ứng phục vụ khử mặn nước biển, cấp nhiệt cho các khu dân cư và ứng dụng trong công nghệ hóa dầu.

Thải phóng xạ là vấn đề quan tâm không chỉ của các quốc gia phát triển điện hạt nhân. Có một quan niệm sai lầm được phổ biến rộng rãi là không có công nghệ xử lý chất thải phóng xạ. Thực tế đã tồn tại các công nghệ để giải quyết vấn đề chất thải phóng xạ. Tuy nhiên, mỗi quốc gia cần xem xét lựa chọn thích hợp khi bắt đầu triển khai chương trình điện hạt nhân. Đây là nội dung quan trọng mà Diễn đàn khoa học của Đại hội đồng IAEA lần này được đề cập đến.

Về an toàn hạt nhân, theo ông Amano Yukiya, đã có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện về an toàn hạt nhân ở các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới. IAEA và các quốc gia thành viên đang tiếp tục triển khai Kế hoạch hành động về an toàn hạt nhân được thông qua tại Đại hội đồng năm 2011. Theo kế hoạch thì tại khóa họp Đại hội đồng năm sau, IAEA sẽ phát hành Báo cáo quan trọng về tai nạn Fukushima. Tuy nhiên, an toàn hạt nhân không đơn giản chỉ là đối với các tác động tự nhiên bên ngoài nghiêm trọng như động đất và sóng thần. Trong những năm tới cần phải xem xét các khía cạnh khác của an toàn hạt nhân như tháo dỡ các cơ sở hạt nhân cũ, kéo dài thời gian vận hành các nhà máy điện hạt nhân hiện nay, xử lý chất thải hoạt độ cao, phát triển các công nghệ mới như lò nhanh, lò kích thước trung bình và nhỏ. Theo ngài Tổng giám đốc cần phải xem xét một cách nhìn rộng hơn về an toàn hạt nhân.

Về an ninh hạt nhân, IAEA đã đóng vai trò trung tâm trong việc tăng cường khuôn khổ an ninh hạt nhân toàn cầu. Môi trường an ninh hạt nhân quốc tế đang thay đổi nhanh chóng. Với khả năng của mình và sự hỗ trợ của 162 quốc gia thành viên, IAEA tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc chống lại các hành động khủng bố hạt nhân. IAEA đã cung cấp dịch vụ huấn luyện về an ninh hạt nhân cho các quốc gia thành viên tăng 37% so với năm trước, 60 dịch vụ tư vấn bảo vệ thực thể đã được thực hiện tại 40 quốc gia. Vấn đề còn tồn tại hiện nay là việc chưa đưa phần sửa đổi của Công ước bảo vệ thực thể vào hiệu lực và Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân 2016 sẽ là cơ hội để xem xét đánh giá các tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này.

Về thanh sát hạt nhân, đã có 124 nước ký kết thỏa thuận thanh sát với IAEA và ông đã đề nghị các nước còn lại nhanh chóng ký kết thoản thuận này. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 12 nước chưa tham gia Hiệp định không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Ngài Tổng giám đốc cũng nêu lên mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên sau 5 năm không tiến hành được các hoạt động thanh sát tại quốc gia này. Đối với Iran, ngài Tổng giám đốc nhấn mạnh các kết quả tích cực đã đạt được về hoạt động thanh sát từ Đại hội đồng lần trước. Iran đã thực thi các biện pháp thực tế như đã được đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn hai biện pháp chưa được thực hiện. Ngài Tổng giám đốc đề nghị Iran tiếp tục thực hiện các biện pháp thực tế như đã được nêu trong Thỏa thuận hợp tác đã ký và IAEA sẽ thực thi biện pháp kiểm chứng bảo đảm không chuyển đổi mục đích sử dụng các vật liệu hạt nhân đã được Iran tuyên bố theo Hiệp định Thanh sát đã ký. Ngoài ra, vẫn còn có quan điểm khác nhau của các nước trong khu vực về việc áp dụng Hiệp định thanh sát hạt nhân của IAEA đối với khu vực Trung Đông và yêu cầu cần có sự tham vấn tiếp tục của Ngài Tổng giám đốc.

Cuối cùng, Ngài Tổng giám đốc đã nói về các khó khăn đối với việc thu xếp tài chính trong hoạt động của IAEA cho những năm sắp tới do các nước có khó khăn trong việc đóng góp, trong khi nhu cầu các dịch vụ hỗ trợ của IAEA thì lại đang tăng lên. Vì vậy việc sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính của IAEA là hết sức quan trọng, cũng với việc tìm nguồn tài trợ bổ sung. Kết thúc bài phát biểu, Ngài Tổng giám đốc nhấn mạnh đến việc tuyển dụng các cán bộ nữ có kinh nghiệm vào làm việc cho IAEA là một ưu tiên hiện nay. Trong 5 năm qua từ khi ngài Amano được bầu làm Tổng giám đốc đã có nhiều cán bộ nữ có kinh nghiệm hơn được tuyển dụng vào làm việc cho IAEA. Việc này làm cho IAEA không đánh mất đi những cán bộ có kinh nghiệm và tài năng.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img