Phát biểu khai mạc, Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế xã hội, nhất là phát triển bền vững trong chương trình nghị sự sau 2015, phát triển điện hạt nhân gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, giúp các nước thành viên thực hiện các mục tiêu phát triển về y tế, nông nghiệp, quản lý nguồn nước và năng lượng. Tổng Giám đốc Amano nhấn mạnh hỗ trợ kỹ thuật của IAEA cho các nước đang phát triển, giúp đỡ các nước mới lựa chọn phát triển điện hạt nhân, chia sẻ kinh nghiệm với các nước về công nghệ điện hạt nhân, bảo đảm an toàn hạt nhân cũng như quản lý chất thải phóng xạ. Theo Tổng Giám đốc Amano, trên thế giới hiện có 437 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động tại 30 quốc gia, đóng góp 11% cho tổng sản lượng điện toàn thế giới; 70 lò phản ứng đang được xây dựng chủ yếu tại Châu Á và đây sẽ là châu lục sẽ phát triển nhanh nhất và cần nhiều điện năng nhất.
Chủ tịch Khoá họp 58 (Xri Lan-ca) đánh giá cao vai trò Chủ tịch Hội đồng Thống đốc IAEA của Việt Nam, đặc biệt là đóng góp của Việt Nam cho thành công của Nhóm làm việc về tài chính cho Quỹ hợp tác kỹ thuật.
Phát biểu tại Khoá họp vào ngày 23/9/2014, Đại sứ Nguyễn Thiệp, Trưởng đoàn Việt Nam, đề cao vai trò quan trọng của IAEA trong việc thực hiện 3 trụ cột trong lĩnh vực hạt nhân là an toàn và an ninh hạt nhân, ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân, kiểm chứng và thanh sát; chia sẻ quan điểm về việc cần có sự cân bằng giữa nhu cầu phát triển điện hạt nhân với bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Đại sứ Nguyễn Thiệp đã giới thiệu các thành tựu nổi bật của Việt Nam trong ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tình hình triển khai dự án điện hạt nhân ở Việt Nam trong năm qua và đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về các lĩnh lực trên trong khuôn khổ IAEA và Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3 về An ninh Hạt nhân tại La Hay (Hà Lan, 24-25/3/2014). Đại sứ Nguyễn Thiệp khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân; cảm ơn Ban thư ký và các nước thành viên đã hợp tác chặt chẽ giúp Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thống đốc nhiệm kỳ 2013-2014. Những đóng góp thiết thực thời gian qua của Việt Nam được IAEA và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Trong khuôn khổ Khoá họp 58 Đại hội đồng IAEA, các thành viên đoàn Việt Nam đã tham gia Diễn đàn Khoa học năm 2014 về quản lý chất thải phóng xạ, cuộc họp các nhà lãnh đạo cơ quan pháp quy và đã có nhiều cuộc tiếp xúc với đoàn các nước và các cơ quan chuyên môn IAEA, thúc đẩy hợp tác đa phương và song phương của nước ta trên các lĩnh vực an toàn, an ninh, thanh sát hạt nhân, xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân, hợp tác pháp quy, hợp tác kỹ thuật, đào tạo nhân lực và bồi thường thiệt hại hạt nhân...
Khóa họp đã nhất trí kết nạp bốn thành viên mới của IAEA là Cô-mô-rốt, Gi-bu-ti, Gai-a-na và Va-nu-a-tu. Khoá họp 58 Đại hội đồng IAEA sẽ kéo dài đến ngày 26/9/2014, dự kiến sẽ xem xét thông qua các nghị quyết, quyết định về chương trình và hoạt động của IAEA thời gian tới, bầu các thành viên Hội đồng thống đốc nhiệm kỳ 2014-2015.