Toàn cảnh buổi tiếp
Tại buổi tiếp, hai bên đã đưa ra những đề xuất, chia sẻ những kinh nghiệm về các công nghệ khai thác titan tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay, đặc biệt là công nghệ plasma trong chế tạo Titan dioxid TiO2 chất lượng cao từ tinh quặng titan của Việt Nam, ngoài ra các phương hướng hợp tác trong lĩnh vực khoa học và tiêu chuẩn hóa cũng đã được trao đổi nhằm chuẩn bị cho Khóa họp lần thứ 14 của Ủy ban liên Chính phủ dự kiến tổ chức vào cuối tháng 10 tại Kiev.
Đại sứ Ucraina Oleksiy Shovkoplias nhấn mạnh, Ucraina sẵn sàng tiến hành ký kết các văn bản có tính thực thi cao và loại bỏ những văn bản không mang tính ứng dụng, thực tế, hướng sự tập trung hợp tác giữa hai nước vào lĩnh KH&CN và tiêu chuẩn hóa. Nhằm tạo sự cạnh tranh hàng hóa từ Việt Nam sang Ucraina và ngược lại, Đại sứ Oleksiy Shovkoplias đề nghị thành lập phòng hợp chuẩn, hợp quy chung của hai nước song song với việc thành lập một nhóm “phản ứng nhanh”, từ đó có thể cập nhật và phản hồi để có thể giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai.
Cũng theo Đại sứ Oleksiy Shovkoplias, việc hợp tác khai thác quặng titan, các sản phẩm về titan đòi hỏi yêu cầu rất cao về môi trường, do vậy Uraina sẵn sàng chuyển giao công nghệ khai thác, chế biến cho Việt Nam thông qua việc thành lập một phòng thí nghiệm chung tại Việt Nam về phân tích quặng titan và sản phẩm titan. Ông hy vọng thông qua buổi tiếp lần này sẽ tạo một động lực mới sự hợp tác giữa hai nước về các vấn đề trên.
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Đình Tiến khẳng định, Việt Nam - Ucraina có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, nhiều thế hệ nhà khoa học Việt Nam đã được đào tạo Uraina,... đặc biệt là về lĩnh vực KH&CN sẽ là cơ sở, tiền đề tốt góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp của hai nước.
Thứ trưởng Lê Đình Tiến cũng bày tỏ sự ủng hộ về hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực hợp chuẩn, hợp quy. Tuy nhiên Thứ trưởng lưu ý hai bên cần tập trung vào từng vấn đề cụ thể để sự hợp tác mang tính thiết thực cao, trong đó có việc tiếp cận các công nghệ chế biến, khai thác titan tiên tiến trên thế giới hiện nay từ đó có thể lựa chọn phương pháp phù hợp, mang lại hiệu quả cao nhất, tương xứng với các tiềm năng vốn có của hai nước.
Được biết, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam và Ucraina đã triển khai một số đề tài như: Hợp tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo mẫu khinh khí cầu có điều khiển với hình dạng tối ưu; Cơ sở địa lý học trong quản lý và khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường theo lưu vực sông phục vụ mục đích phát triển bền vững (lấy ví dụ sông Hương và sông Bug Nam - Ucraina); Quan hệ Việt Nam - Ucraina trong bối cảnh quốc tế mới,…
Phía Ucraina sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho các đề tài, dự án hợp tác chung và để Việt Nam tham gia một số dự án khoa học quan trọng khác như: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị robot ngầm phục vụ thăm dò, khảo sát các công trình trên biển… Ngoài ra, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) cũng đã ký kết với Cục Quy chuẩn Kỹ thuật Nhà nước Ucraina Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, đo lường và đánh giá sự phù hợp.