Chuyến công tác nhằm mục đích tìm hiểu thông tin về KH&CN cũng như công tác tổ chức hoạt động truyền thông trong lĩnh vực KH&CN; công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới về truyền thông đa phương tiện; các phương thức phổ biến, nâng cao hiểu biết của người dân về lĩnh vực KH&CN;… tại Úc. Đồng thời, trao đổi cụ thể hơn về các nội dung triển khai của Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa 3 cơ quan là CESTC, Trung tâm KH&CN Quốc gia Úc (National Science and Technology Centre - Questacon) và Đại học Quốc gia Úc (Australian National University).
Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với các cơ quan: Bộ Công nghiệp, Đổi mới, Biến đổi khí hậu, Khoa học, Nghiên cứu và Giáo dục đại học Úc (Department of Industry, Innovation, Climate Change, Science, Research and Tertiary Education - DIICCSRTE) và một số đơn vị thuộc DIICCSRTE (Vụ Hợp tác quốc tế về Khoa học và Giáo dục; Questacon; Trung tâm Khám khá khoa học CSIRO); Đại học Quốc gia Úc (ANU) và Trung tâm Quốc gia Nâng cao nhận thức cộng đồng về khoa học thuộc ANU; Đại học RMIT; Đại học Công nghệ Swinburne; Đại học Công nghệ Sydney; Tổng Công ty Phát thanh và Truyền hình Úc ABC (Kênh khoa học trực tuyến; Kênh phim khoa học CATALYST; Kênh phát thanh Scienceshow; Kênh khoa học quốc tế); Kênh truyền hình SkillsOne; Công ty truyền thông khoa học Pty Ltd.
Tại mỗi đơn vị đến làm việc, ngoài việc trao đổi về kinh nghiệm truyền thông KH&CN, đoàn đều đã đề xuất các hình thức hợp tác trong thời gian tới như trao đổi chuyên gia, hỗ trợ các khóa đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ truyền thông KH&CN; phối hợp tổ chức các sự kiện quốc tế về lĩnh vực KH&CN; đề xuất hỗ trợ nghiên cứu đề án phát triển truyền thông KH&CN quốc gia, đề án tổ chức Tuần lễ KH&CN quốc gia;…
Đoàn công tác làm việc với Questacon
Trong khuôn khổ chuyến công tác, đoàn đã thăm và làm việc tại Trung tâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia Úc (Questacon). Tại buổi làm việc, GS. Graham Durant AM, Giám đốc Questacon đã chia sẻ kinh nghiệm của Úc trong việc đẩy mạnh các hoạt động về truyền thông KH&CN. GS. Graham Durant AM cho biết, Chính phủ Úc luôn quan tâm, chú trọng đến phát triển KH&CN, với quan điểm khoa học đặc biệt quan trọng trong việc duy trì, nâng cao chất lượng xã hội, kinh tế và môi trường. Vì thế, truyền thông là một bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển KH&CN của Úc.
Để phát triển hoạt động này, Chính phủ Úc đã xây dựng những Trung tâm truyền thông khoa học để các nhà khoa học giao lưu, trao đổi học thuật, tập huấn về công tác truyền thông để có thể trao đổi và chủ động trong việc kết nối với giới truyền thông, trong đó cơ quan đầu mối trung ương là Questacon. Các hoạt động truyền thông KH&CN được triển khai tại Úc rất phong phú, đa dạng, tập trung hướng đến mục đích chủ yếu của "Sáng kiến khơi dậy Australia" - chiến lược quốc gia về truyền thông KH&CN là khơi dậy tinh thần sáng tạo, đam mê khoa học của tất cả các đối tượng trong xã hội. Cụ thể, các hoạt động đã và đang diễn ra như: Tuần lễ KH&CN quốc gia (đã được tổ chức 16 năm nay); Gánh xiếc khoa học; Quỹ khai mở tiềm năng Australia; Giải thưởng của Thủ tướng về khoa học; hình thành một số đơn vị để các nhà khoa học gặp gỡ, giao lưu và có thể trưng bày, thuyết trình các công trình nghiên cứu khoa học của mình với công chúng; tổ chức hội thảo cho các giáo viên để họ nắm được phương pháp và kiến thức dạy các môn khoa học thế nào cho sáng tạo, thú vị nhất; cung cấp kiến thức về truyền thông cho các nhà khoa học thông qua các tọa đàm;…
Cũng nhân chuyến công tác này, đoàn công tác đã được tận mắt chứng kiến lễ khai mạc Tuần lễ KH&CN quốc gia của Úc và một số hoạt động trong khuôn khổ sự kiện này. Sự kiện này cùng những chia sẻ kinh nghiệm của các đối tác sẽ là tiền đề cơ sở tốt để đoàn công tác đề xuất giải pháp tổ chức Tuần lễ KH&CN quốc gia tại Việt Nam.
Đoàn công tác và lãnh đạo, cán bộ Trường Đại học Công nghệ Swinburne
Đoàn công tác cũng đã đến thăm và làm việc với một số trường đại học của Úc. Đại diện các trường đại học đều cho rằng, để sản phẩm nghiên cứu đến với thực tế nhanh và hiệu quả, công tác truyền thông luôn luôn được chú trọng. Tại các trường đều có sự hợp tác chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để quảng bá kịp thời sản phẩm nghiên cứu của các nhà khoa học.
Giáo sư Ajay Kapoor, Hiệu phó Trường Đại học Công nghệ Swinburne chia sẻ, ông đánh giá rất cao vai trò của truyền thông trong việc đưa những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trong trường nói riêng và toàn nước Úc nói chung vào cuộc sống. Nhận thức được điều này, trong nhiều năm qua Trường đã thành lập một trung tâm phụ trách về truyền thông. Trung tâm này có mối quan hệ rất mật thiết với các viện nghiên cứu, trường đại học khác trong thành phố và toàn nước Úc, các cơ quan báo chí và truyền thông. Ông cũng cho biết, hầu hết tại mỗi viện, trường khác của nước Úc cũng đều có các đầu mối phụ trách truyền thông, làm đầu mối thông tin về nghiên cứu khoa học, giúp nhà khoa học thương mại hóa, chuyển giao kết quả nghiên cứu.
Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với một số cơ quan truyền thông, kênh truyền thông chuyên biệt về khoa học của Úc. Tại đây, các kinh nghiệm xây dựng chuyên mục, bản tin KH&CN, thông tin KH&CN trực tuyến, cũng như mô hình tổ chức tin bài, cách tác nghiệp chuyên sâu về KH&CN cũng đã được trao đổi.
Tại các buổi làm việc, các cơ quan đối tác không chỉ nhiệt tình, cởi mở trong việc chia sẻ thông tin mà còn đưa ra nhiều gợi ý hữu ích với đoàn để đẩy mạnh hoạt động truyền thông KH&CN tại Việt Nam. Các cơ quan khoa học của Úc như Questacon, ANU, Trung tâm Khám khá CSIRO, Trường đại học RMIT, ABC,… đều khẳng định sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong các nội dung như: đào tạo nhân lực truyền thông KH&CN thông qua việc gửi cán bộ đi đào tạo tại Úc hoặc trao đổi chuyên gia giữa hai nước; phối hợp tổ chức các hội thảo quốc tế liên quan đến truyền thông khoa học; chia sẻ kinh nghiệm và tư liệu phục vụ xây dựng đề án phát triển truyền thông khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, đề án Tuần lễ KH&CN quốc gia;…