Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 10

Thứ hai, 19/08/2013 16:21 GMT+7
Sáng ngày 15/8/2013, Hội nghị Khoa học và Công nghệ hạt nhân toàn quốc lần thứ 10 đã khai mạc trọng thể tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Toàn cảnh Hội nghị

Tham dự Lễ khai mạc có ông Lê Đình Tiến, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; GS. TSKH. Trần Hữu Phát, Chủ tịch Hội đồng khoa học, công nghệ và đào tạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (NLNTVN); GS. TS. Phạm Duy Hiển; GS. TS. Trần Đức Thiệp; GS. Đào Vọng Đức; GS. TS. Đào Tiến Khoa; GS. TSKH. Phan Sỹ An; TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện NLNTVN; Ông Nguyễn Cường Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam, Trưởng ban Quản lý dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; Ông Sergei Tanakov, Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam. Tham dự Hội nghị còn có hơn 300 nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, nghiên cứu sinh, sinh viên thuộc hơn 40 tổ chức khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành trung ương và địa phương, các vị khách quốc tế đến từ các nước Liên bang Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Bungari và Đài Loan, phóng viên báo chí, đài phát thanh, truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai và các địa phương lân cận.

Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần thứ 10 diễn ra trong bối cảnh KH&CN hạt nhân thể hiện vai trò đặc biệt quan trọng đối với chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam và nhiệm vụ thực hiện các quy hoạch phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế - xã hội của đất nước.

TS. Cao Đình Thanh, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN đã thay mặt Ban tổ chức đọc diễn văn khai mạc Hội nghị. Diễn văn khai mạc của TS. Cao Đình Thanh một lần nữa nhắc lại chủ trương của Nhà nước về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam. Thực hiện chủ trương này Chính phủ đã ban hành các quyết định chỉ đạo các Bộ và các cơ quan có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm triển khai thực hiện hai dự án điện hạt nhân đầu tiên với các đối tác Liên bang Nga và Nhật Bản. Diễn văn khai mạc cũng thể hiện sự mong muốn tại Hội nghị này kết quả hoạt động KH&CN hạt nhân hai năm qua được đánh giá nghiêm túc; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của hoạt động KH&CN hạt nhân những năm tiếp theo được xác định rõ ràng nhằm tăng cường tiềm lực KH&CN hạt nhân góp phần thực hiện thành công chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam và góp phần thực hiện tốt các quy hoạch phát triển ứng dụng bức xạ trong các ngành kinh tế - xã hội đã được Chính phủ phê duyệt.


Thứ trưởng Lê Đình Tiến phát biểu tại Lễ khai mạc

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hội nghị đối với việc thực hiện các dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam cũng như sự đóng góp của Hội nghị đối với sự phát triển KH&CN của đất nước. Thứ trưởng Lê Đình Tiến cũng mong muốn các nhà khoa học tăng cường hợp tác, phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu, xây dựng tiềm lực KH&CN hạt nhân quốc gia từng bước tiến ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực.

So với Hội nghị lần thứ 9 tổ chức tại Ninh Thuận hai năm trước đây, Hội nghị lần thứ 10 năm nay có đông đảo các đại biểu tham dự hơn và số lượng các báo cáo đăng ký trình bày cũng nhiều hơn, nội dung phong phú về nhiều lĩnh vực liên quan đến KH&CN hạt nhân. Theo thống kê của Ban tổ chức số báo cáo trình bày tại Hội nghị này là 270 báo cáo. Trong đó có 5 báo cáo trình bày tại phiên toàn thể, 160 báo cáo trình bày và thảo luận ở các tiểu ban chuyên môn khác nhau, số còn lại là các báo cáo trình bày ở dạng poster.

Báo cáo đầu tiên trình bày tại phiên toàn thể đã đề cập đến kết quả việc khởi động Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt với nhiên liệu độ giàu thấp. Những kết quả này ghi nhận thành tựu của đội ngũ cán bộ khoa học Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đối với chương trình chuyển đổi nhiên liệu của Việt Nam được thực hiện suốt 10 năm qua theo cam kết của Việt Nam đối với thế giới về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình. Các báo cáo khác tại phiên toàn thể đã đề cập đến những vấn đề quan trọng nhất hiện đang được cộng đồng năng lượng nguyên tử quan tâm. Đó là các báo cáo về tình hình thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do ông Phan Minh Tuấn, Phó ban Quản lý dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trình bày; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu phát triển hỗ trợ chương trình phát triển điện hạt nhân của đất nước do Viện trưởng Viện NLNTVN Trần Chí Thành trình bày, trong đó nêu rõ vấn đề thúc đẩy nghiên cứu mà trước mắt đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực điện hạt nhân được coi là vô cùng cần thiết và cấp bách trong 5-7 năm sắp tới, đồng thời cũng đề xuất một kế hoạch cụ thể đào tạo chuyên gia cho điện hạt nhân. Tiếp cận công nghệ đa ngành điện hạt nhân, với cách nhìn mới đối với vấn đề nghiên cứu phát triển điện hạt nhân Việt Nam được GS. Phạm Duy Hiển trình bày, nhấn mạnh vai trò của công cụ máy tính mô phỏng trong nghiên cứu hiện đại. Ông Sergei Tanakov, Tham tán Sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam đã có bài trình bày về hợp tác Việt Nga trong ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, cho thấy sự hỗ trợ tích cực của Liên bang Nga đối với chương trình điện hạt nhân của Việt Nam, Nga không chỉ giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, mà còn hỗ trợ Việt Nam xây dựng tiềm lực KH&CN hạt nhân thông qua việc giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân. Về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, GS. TSKH. Phan Sỹ An đã trình bày tổng quan và đầy đủ về y học hạt nhân những tiến bộ và triển vọng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y học tại Việt Nam cho giai đoạn hiện nay.

Mô hình tương tác phát triển điện hạt nhân và các cơ sở nghiên cứu

Sau phiên toàn thể, Hội nghị chia thành 07 tiểu ban chuyên môn để thảo luận các chủ đề khác nhau về KH&CNhạt nhân, bao gồm: Tiểu ban A - điện hạt nhân và lò phản ứng; Tiểu ban B - vật lý hạt nhân, số liệu hạt nhân và máy gia tốc; Tiểu ban C - phân tích hạt nhân, ghi đo bức xạ và an toàn bức xạ; Tiểu ban D - ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong y tế; Tiểu ban E - ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong nông nghiệp và sinh học; Tiểu ban F - ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, địa chất thủy văn và môi trường; Tiểu ban G - chu trình nhiên liệu, công nghệ vật liệu hạt nhân và quản lý chất thải phóng xạ.

Vị trí của Trung tâm KH&CN hạt nhân trong phát triển điện hạt nhân

Tại hầu hết các tiểu ban, các đại biểu tham dự đã nghiêm túc xem xét, đánh giá các công trình nghiên cứu của từng tác giả trình bày, nhiều công trình nghiên cứu được thảo luận sôi nổi. Ban chương trình của các tiểu ban đều có báo cáo đánh giá tương đối toàn diện về hoạt động nghiên cứu thuộc nội dung chuyên môn của tiểu ban và nêu định hướng hoạt động trong tương lai do các đại biểu trong tiểu ban thống nhất đề ra.

Tại Tiểu ban A, nghiên cứu tập trung vào công nghệ lò phản ứng năng lượng bao gồm các công trình liên quan trực tiếp đến phân tích an toàn lò VVER-1000; phân tích công nghệ an toàn bức xạ, vật liệu thiết bị trao đổi nhiệt của lò nước sôi ABWR, phân tích sự cố nặng đối với lò nước áp lực... Các công trình khác liên quan đến đo đạc thực nghiệm khảo sát dòng 2 pha, tính toán lý thuyết và thực nghiệm phục vụ thiết kế và đánh giá an toàn lò phản ứng. Đối với lò phản ứng nghiên cứu có báo cáo đưa ra kết quả tính toán toàn diện các thông số vật lý và thủy nhiệt của lò phản ứng nghiên cứu Đà Lạt trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu từ HEU sang LEU. Các hướng nghiên cứu tương lai trong lĩnh vực này là nghiên cứu lựa chọn công nghệ điện hạt nhân, nghiên cứu đánh giá công nghệ đã lựa chọn nhằm góp phần phục vụ dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; nghiên cứu sử dụng phần mềm trong tính toán an toàn hạt nhân; chú trọng các nghiên cứu về sự cố nặng; tăng cường nghiên cứu thực nghiệm về an toàn thủy nhiệt tiến tới khai thác các stand thực nghiệm sẽ được xây dựng tại Trung tâm KH&CN hạt nhân, v.v. Tại Tiểu ban B, các công trình nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu lý thuyết hạt nhân, nghiên cứu thực nghiệm phản ứng hạt nhân và cấu trúc hạt nhân, nghiên cứu kỹ thuật cao phục vụ thí nghiệm về phản ứng hạt nhân và nghiên cứu máy gia tốc. Các hướng nghiên cứu tương lai trong lĩnh vực do Tiểu ban B đề ra bao gồm việc tiếp tục đẩy mạnh các hướng nghiên cứu truyền thống về lý thuyết hạt nhân, thực nghiệm phản ứng và cấu trúc hạt nhân với photon va neutron, mở rộng các nghiên cứu và tăng cường đào tạo nhân lực để thúc đẩy nghiên cứu thực nghiệm về vật lý ion nặng và mở rộng những nghiên cứu vật lý phục vụ chương trình điện hạt nhân của Việt Nam. Tại Tiểu ban C, các công trình nghiên cứu đề cập đến việc đánh giá rủi ro phóng xạ xung quanh nhà máy điện hạt nhân trong điều kiện vận hành bình thường và khi xảy ra sự cố nặng. Các nghiên cứu về phân tích hạt nhân đã chứng tỏ khi so sánh quốc tế chất lượng phân tích Việt Nam là tốt nhất. Hướng nghiên cứu của Tiểu ban C đề ra là đẩy mạnh nghiên cứu phương pháp đo anpha, đo radon, đầu tư thêm về thiết bị ghi đo bức xạ, phát triển phương pháp mô phỏng phục vụ công tác chế tạo thiết bị ghi đo bức xạ, thực hiện chương trình đánh giá liều dân chúng Việt Nam. Tại Tiểu ban D, các nghiên cứu tập trung vào ứng dụng khoa học và kỹ thuật hạt nhân trong chuẩn đoán và điều trị ung thư. Tuy có ít nghiên cứu về ứng dụng lâm sàng nhưng chất lượng công trình nghiên cứu rất cao. Hướng nghiên cứu của Tiểu ban D đề ra là tăng cường hoạt động nghiên cứu về kỹ thuật PET/CT, giải quyết khó khăn trong thực tế lâm sàng bằng kỹ thuật hạt nhân, đẩy mạnh nghiên cứu cơ chế tác dụng của bệnh, tác dụng của thuốc, đẩy mạnh nghiên cứu về phóng xạ ghi hình và phóng xạ điều trị.

Báo cáo tổng kết từ các tiểu ban khác cũng cho thấy có nhiều công trình nghiên cứu về ứng dụng của khoa học và kỹ thuật hạt nhân trong hầu hết các ngành kinh tế - xã hội. Điều đó chứng tỏ vai trò quan trọng của khoa học và kỹ thuật hạt nhân đối với nền kinh tế của đất nước.

Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, GS. TSKH. Trần Hữu Phát cho rằng tại Hội nghị KH&CN hạt nhân toàn quốc lần này đã xuất hiện những dấu hiệu thể hiện việc chuyển giao giữa hai thế hệ nghiên cứu.

Các nhà khoa học thế hệ trước đã có nhiều đóng góp cho KH&CN hạt nhân của đất nước. Thế hệ tiếp theo được giao nhiệm vụ tiếp tục thực hiện sự nghiệp này trong bối cảnh hiện tại nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng chưa phục hồi sau khủng hoảng, bên cạnh đó là cơ chế quản lý hoạt động KH&CN còn nhiều bất cập và chưa hợp lý. Chúng ta phải thừa nhận rằng các cơ quan nghiên cứu về KH&CN hạt nhân trong đó cơ quan đầu ngành là Viện NLNTVN đang đối mặt với nhiều khó khăn như việc giải quyết chế độ thu hút/ưu đãi cho cán bộ nghiên cứu, chuyên gia giỏi trong và ngoài nước; vấn đề thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các trường đại học; vấn đề phối hợp, tổ chức và triển khai các chương trình đào tạo giữa các cơ quan trong ngành trên cơ sơ Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã được Chính phủ phê duyệt; vấn đề xây dựng tiềm lực cơ quan hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình phát triển điện hạt nhân, v.v.

Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị có ý kiến thể hiện sự mong muốn Bộ KH&CN giành sự quan tâm nhiều hơn đến các cơ quan nghiên cứu KH&CN hạt nhân để đưa KH&CN hạt nhân có nhiều đóng góp hơn nữa vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img