Hội nghị lần thứ 6 của Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á với chủ đề: Hội đồng nghiên cứu về các phương pháp tiếp cận đối với phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân

Thứ tư, 03/09/2014 10:30 GMT+7
Từ ngày 26 đến ngày 27/8/2014 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị lần thứ 6 của Diễn đàn Hợp tác hạt nhân châu Á với chủ đề “Hội đồng nghiên cứu về các phương pháp tiếp cận đối với phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân” do Văn phòng Nội các Chính phủ...

Tham dự Hội nghị có các chuyên gia của cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) (thông qua Hội nghị truyền hình), CAO, JAEC và các nước thành viên như Nhật Bản, Hàn Quốc, Kazakhstan, Mông Cổ, Indonesia, Malaysia, Philippine, Thái Lan và Trung Quốc.Về phía Việt Nam có sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia từ Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam (VAEA), Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (VARANS) và VINATOM. TS. Trần Chí Thành – Viện trưởng VINATOM đã đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Mục đích của Hội nghị là nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cũng như thảo luận về các khả năng hợp tác giữa các nước thành viên về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân.

Trong ngày đầu tiên của Hội nghị, TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng VINATOM đã trình bày Chương trình phát triển Điện hạt nhân ở Việt Nam với những điểm đáng chú ý sau:
• Chương trình phát triển Điện hạt nhân là một lựa chọn đúng đắn cho Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng, đảm bảo an ninh năng lượng; đào tạo đội ngũ cán bộ KH&CN, làm động lực thúc đẩy KH&CN và các ngành công nghiệp, nhằm đưa kinh tế phát triển, cũng như góp phần giải quyết các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.
• Tuy nhiên, phát triển điện hạt nhân là một nhiệm vụ lớn, với nhiều khó khăn, thách thức phía trước do Việt Nam chưa có kinh nghiệm, nguồn nhân lực KH&CN cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu và trình độ KH&CN còn thấp.
• Chương trình điện hạt nhân cần thu hút, tập hợp được những cán bộ giỏi, những nhà khoa học xuất sắc nhất của đất nước, đồng thời việc đào tạo nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên gia là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Hiện nay, việc cử các cán bộ, chuyên gia của Việt Nam nói chung và của VINATOM nói riêng sang nghiên cứu ở Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và sắp tới là Hoa Kỳ đang được đẩy mạnh.
• Trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước,Việt Nam đã rất thành công trong việc xây dựng các nhà máy thủy điện và chính điều này sẽ giúp Việt Nam thực hiện công cuộc “nội địa hóa” trong kế hoạch phát triển Điện hạt nhân của mình.

TS. Toshihiko Fuji – Phó Ủy viên Ủy ban về các vấn đề quốc tế, cơ quan Năng lượng và Tài nguyên, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã thông báo về thực trạng nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi hiện nay và những nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản trong việc xử lý ô nhiễm nước và không khí sau vụ tai nạn hạt nhân.

TS. Toshihiko Fuji cũng đã thông qua kế hoạch Năng lượng cơ bản mới của Nhật Bản và khẳng định sẽ không có sự pha trộn nguồn năng lượng trong tương lai mà thay vào đó Nhật Bản sẽ cố gắng tận dụng và phát huy tối đa thế mạnh của mỗi nguồn năng lượng.

TS. Masaki Okubo - nguyên là chuyên gia tư vấn cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản, TS. Anhar R. Antariksawan – Phó Chủ tịch cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc gia Indonesia và Ông Lee Youngel – Viện An toàn hạt nhân Hàn Quốc đã có bài thuyết trình về Lịch sử thành lập và những nỗ lực cũng như những thách thức của tổ chức Hỗ trợ kỹ thuật (TSO) nước mình với các vấn đề quan tâm về: các dịch vụ hỗ trợ cơ sở hạ tầng quy định thống nhất cho các thành viên mới dựa trên các tiêu chuẩn của IAEA; công tác để lấy lại lòng tin của công chúng về an toàn hạt nhân; tổ chức hỗ trợ kỹ thuật độc lập về kỹ thuật và cơ cấu tổ chức.

TS. Xu Bin – Chuyên gia Viện nghiên cứu Điện hạt nhân Trung Quốc, ông Bae Kyoo Hwa – Giám đốc Trung tâm phân tích an toàn – Viện nghiên cứu Năng lượng nguyên tử Hàn Quốc và TS.Yan Xing L – Cơ quan Năng lượng nguyên tử Nhật Bản đã bàn luận về những tiến bộ trong phát triển và triển khai công nghệ lò phản ứng mô đun nhỏ (SMR), bên cạnh những đặc điểm thuận lợi và lợi ích tiềm năng thì loại lò này cũng có những thách thức trong việc cấp phép và thiếu các dữ liệu hoạt động. Một câu hỏi đặt ra là việc xây dựng những tiêu chuẩn an toàn và lựa chọn địa điểm cho những lò phản ứng mô đun nhỏ này như thế nào, và dự đoán thị trường tiềm năng của các lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên thế giới sẽ được thay thế bằng những lò phản ứng mô đun nhỏ này.

Vào ngày thứ hai (27/8), Hội nghị tập trung thảo luận vấn đề chính là đối phó với tình trạng khẩn cấp bằng việc thiết lập và cải tiến mạng lưới xuyên biên giới trong khu vực một cách hiệu quả.

TS. Vương Thu Bắc - Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân (INST) - VINATOM đã giới thiệu cách tiếp cận của Việt Nam về việc phát triển một mạng lưới quan trắc phóng xạ, chuẩn bị công tác sẵn sàng ứng phó khẩn cấp đối với tai nạn hạt nhân. Đại diện Viện Khoa học phóng xạ Nhật Bản, TS. Keiichi Akahane, đã đánh giá về sự thiệt hại đối với cư dân Fukushima sau sự cố hạt nhân Fukushima Daiichi, từ đó cho thấy sự cần thiết phải chuẩn bị sẵn sàng công tác ứng phó khẩn cấp đối với bức xạ.

Trong phần thảo luận về sự hợp tác của các nước thành viên liên quan TS. Sueo Machi – Điều phối viên của Nhật Bản đã đưa ra những ví dụ tích cực điển hình về sự hợp tác của các nước thành viên trong dự án điện hạt nhân ở tỉnh Fukui- Nhật Bản và Bà Kristina – Chuyên gia nghiên cứu về quan hệ với công chúng của Kazakhstan đã chia sẻ những kinh nghiệm và hoạt động thực tiễn của Kazakhstan để nâng cao những hiểu biết của cộng đồng về mục đích khai thác của các mỏ urani.

Kết thúc, Hội nghị đã thông qua chương trình dự thảo cho phiên họp tiếp theo với các chủ đề chính như sau:
1. Đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử cho việc phát triển bền vững trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe, cải thiện phúc lợi xã hội cho con người.
2. Điện hạt nhân và vấn đề an ninh cung cấp năng lượng và giảm thải khí carbon dioxide.
3. Chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu đến ứng dụng thực tế hoặc thương mại.
4. Quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng từ các lò phản ứng hạt nhân trong thời gian vừa và dài.
5. Phát triển nguồn nhân lực cần thiết cho dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
6. Sự chấp nhận của công chúng về chương trình phát triển điện hạt nhân và ứng dụng bức xạ thông qua sự phối hợp với tổ chức liên quan.
7. Xây dựng văn hóa an toàn và an ninh hạt nhân.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img