Hội thảo được tổ chức với mục đích giới thiệu tổng quan chung về chính sách, thị trường, công nghệ và các kết quả nghiên cứu của các viện, trường đại học trong lĩnh vực này cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp Hải Dương có thể lựa chọn công nghệ thích hợp trong việc ứng dụng công nghệ trong bảo quản, sơ chế và chế biến nông sản sạch.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN, các Sở KH&CN các tỉnh lân cận, phòng Nông nghiệp, phòng Công thương, doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất và chế biến nông sản của Hải Dương.
Hải Dương được biết đến là một tỉnh có sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng là vải thiều. Vải thiều là loại quả ngon nổi tiếng ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Sau này giống vải thiều được nhân giống trồng ở nhiều khu vực khác trong cả nước như huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh, hay huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang. Chính vì vậy, các bài tham luận của báo cáo viên trình bày tại hội thảo khoa học này đều tập trung vào giới thiệu công nghệ sơ chế, bảo quản và chế biến giống cây trồng đặc trưng của tỉnh là cây vải.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng, Cục Thông tin KH&CN quốc gia đã giới thiệu tổng quan chung về thị trường nông sản trong nước và thế giới; những cách thức lựa chọn công nghệ thích hợp và cung cấp thông tin công nghệ chế biến vải như: Vải đông lạnh, Vải đóng hộp, Si-rô vải, Nước giải khát lên men từ vải, Rượu vang vải, Thạch vải, Salat Vải, Mứt vải, Vải khô.
Tiếp theo, Phó Viện trưởng Viện cơ điện Nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch đã giới thiệu 11 công nghệ sơ chế và bảo quản rau quả, trong đó nổi bật là các công nghệ: sơ chế và xử lý rau quả tiền bảo quản, công nghệ bảo quản lạnh, công nghệ bao gói khí điều biến (MAP), công nghệ bảo quản bằng chế phẩm tạo màng phủ, công nghệ bảo quản bằng các chế phẩm hấp thụ hoặc ức chế quá trình sinh tổng hợp Ethylene ... Đây được xem là những công nghệ rất cần thiết đối với doanh nghiệp muốn sản xuất ra được những sản phẩm nông sản an toàn theo tiêu chuẩn ViệtGAP, GlobalGAP để xuất khẩu.
Các đại biểu còn được tiếp cận công nghệ hiện đại của Nhật Bản – Công nghệ lạnh đông nhanh với chức năng CAS do Thạc sỹ Tạ Thu Hằng, Trưởng phòng KHCN và Môi trường, Viện nghiên cứu và phát triển vùng giới thiệu. Công nghệ CAS không phá vỡ màng và thành tế bào nên được sử dụng trong bảo quản chế biến thực phẩm tươi như nông sản, thực phẩm, hải sản trong thời gian dài từ 1-2 năm.
Giám đốc Sở KH&CN Hải Dương với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh cũng có bài tham luận nêu rõ những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng KH&CN trong sản xuất và thương mại của trung ương và địa phương dành cho các doanh nghiệp. Đồng thời cũng chỉ rõ những ưu thế và khó khăn của các sản phẩm nông sản tỉnh nhà cũng như sự cần thiết phải đầu tư áp dụng những công nghệ mới nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi và liên quan đến chế biến vải và đặc sản của địa phương như: công nghệ bóc vỏ vải, chôm chôm, bóc cùi vải, bao gói vải; công nghệ sơ chế và bảo quản rau quả và quy trình đóng gói sản phẩm, bảo quản bánh gai. Các nhà khoa học – nhà quản lý đã nhiệt tình giải đáp thắc mắc của đại biểu và đưa ra những lời khuyên hữu ích trong việc áp dụng công nghệ sạch, công nghệ tiên tiến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu.