Đầu tư cho khoa học công nghệ - bắt đầu từ đâu?

Thứ hai, 31/08/2009 09:15 GMT+7
Để đạt mục tiêu đầu tư xã hội cho khoa học công nghệ (KHCN) gấp 2 lần đầu tư từ ngân sách Nhà nước, thì Chính phủ cần phải có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa. Cùng với đó là điều chỉnh các quy định hiện nay, đặc biệt là một số quy định Luật Ngân sách...

- Xin Thứ trưởng cho biết, trong thời gian qua hoạt động đầu tư cho KHCN đã được thực hiện như thế nào?

- Thứ trưởng Nguyễn Quân: Trong quá khứ, việc đầu tư cho KHCN chủ yếu là từ ngân sách Nhà nước. Nhưng từ khi thực hiện công cuộc đổi mới và chuẩn bị hội nhập quốc tế… thì đầu tư cho KHCN có thay đổi đáng kể. Từ năm 2000, Quốc hội đã rất quan tâm và duy trì phân bổ đầu tư cho KHCN là 2% tổng chi ngân sách hàng năm, liên tục trong 10 năm qua. Và có thể nói 2% tổng chi ngân sách tương đương với gần 0,5% GDP của Việt Nam là một mức đầu tư vào loại cao so với các nước trên thế giới, kể cả các nước phát triển. Bởi vì, nhiều nước chỉ đầu tư trong khoảng 0,3- 0,35% GDP cho KHCN từ ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, nếu ở các nước, nguồn đầu tư từ doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong xã hội cho KHCN nhiều gấp từ 2- 3 lần so với đầu tư từ ngân sách nhà nước, thậm chí có nước gấp 10 lần, thì ở Việt Nam việc huy động đầu tư ngoài ngân sách cho KHCN còn rất yếu kém: theo đánh giá của Bộ KH&CN đến năm 2007 mức đầu tư ngoài ngân sách mới chỉ bằng khoảng 43% đầu tư từ ngân sách nhà nước. Trong khi, Đảng và Nhà nước đặt ra mục tiêu đầu tư từ xã hội phải tương đương với đầu tư từ ngân sách nhà nước, và đến 2010 phải đạt mức gấp 2 lần đầu tư từ Ngân sách Nhà nước. Nhưng với tốc độ xã hội hóa đầu tư như hiện nay thì chúng ta khó đạt được mục tiêu này.

- Vậy hiện nay, chúng ta đã có biện pháp nào để tháo gỡ khó khăn trên, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Quân: Hiện chúng ta rất thiếu nguồn tài chính cho hoạt động KHCN, vì đến nay các đơn vị chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách nhà nước. Trong khi, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước đầu tư cho KHCN còn rất thấp, các tổ chức cá nhân khác trong xã hội thì gần như chưa đầu tư, và các quỹ phát triển KHCN của các địa phương, của doanh nghiệp thì mới hình thành. Tuy nhiên, hiện Chính phủ cũng đã có tác động thông qua việc trình với Quốc hội ban hành thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có một điều khoản rất có ý nghĩa: Các doanh nghiệp phải thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho KHCN. Nếu như các doanh nghiệp Việt Nam đều làm tốt việc này và đều trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế thì theo tính toán của Bộ Tài chính, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu là đầu tư từ xã hội sẽ gấp đôi đầu tư từ ngân sách Nhà nước.

- Nhưng với thực tế kinh phí cho cho hoạt động KHCN như hiện nay thì cần phải ưu tiên cho lĩnh vực nào để tạo mũi nhọn cho sự phát triển, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Xuất phát từ chỗ chúng ta có bức tranh về đầu tư chưa được đa dạng. Vì vậy, cần tập trung việc đầu tư vào hai mảng, một là nghiên cứu cơ bản để tạo nền móng cho nghiên cứu phát triển và nghiên cứu ứng dụng. Bởi vì, nghiên cứu cơ bản là lĩnh vực đầu tư mang tính mạo hiểm cao, đòi hỏi Nhà nước phải đầu tư, còn khối doanh nghiệp chỉ chú ý đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng.

Thứ hai, Nhà nước phải tập trung đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ ưu tiên. Đặc biệt, một số lĩnh vực liên quan đến những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, trong quá trình CNH – HĐH: Tập trung 4 lĩnh vực công nghệ cao đã được xác định, cộng với một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên. Trong đó, công nghệ cao gồm có: Công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học. Một số công nghệ cần ưu tiên: Công nghệ vũ trụ, công nghệ năng lượng. Những chương trình công nghệ cao và công nghệ ưu tiên phục vụ trực tiếp cho sự nghiệp CNH - HĐH đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, mang tính liên ngành mới thực hiện được. Còn lại ở các lĩnh vực khác nên huy động đầu tư của xã hội và của doanh nghiệp.

- Việc Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) phân bổ trực tiếp kinh phí đầu tư phát triển cho KHCN, theo Thứ trưởng liệu có sự bất cập trong quản lý ở đây?

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Luật Ngân sách nhà nước vẫn còn những bất cập, từ đó ảnh hưởng đến việc đầu tư không được hiệu quả: Kinh phí dành cho KHCN của Việt Nam là 2% tổng ngân sách, bao gồm 2 mảng lớn: Mảng đầu tư phát triển và mảng khoa học. Đầu tư phát triển dao động trong khoảng trên dưới 40%, khoản này do Bộ KH-ĐT phân bổ trực tiếp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trong điều kiện nước ta hiện nay, có thể thấy rất ít địa phương sử dụng đúng mục đích đầu tư cho phát triển KHCN. Nguyên nhân là do các địa phương còn rất nhiều khó khăn, nhiều tỉnh chưa đảm bảo được chi ngân sách mà vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ từ Trung ương, chưa kể những thiên tai, dịch bệnh bất thường… nên lãnh đạo các địa phương thường sử dụng nguồn kinh phí này vào những mục đích khác.

Trong những năm vừa qua, nguồn kinh phí cho đầu tư phát triển hàng năm khoảng trên dưới 4.000 tỷ đồng, nhưng việc thực hiện chế độ báo cáo thống kê chưa được làm một cách bài bản và thiếu chế tài để xử lý những trường hợp không thực hiện đúng chế độ báo cáo thống kê.

- Để việc phân bổ ngân sách cho đầu tư KHCN tạo được động lực thúc đẩy phát triển nghiên cứu và ứng dụng, theo Thứ trưởng cần phải có biện pháp và chính sách gì?

Thứ trưởng Nguyễn Quân: Theo tôi, để đạt được mục tiêu đầu tư xã hội cho KHCN gấp 2 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước thì giải pháp đầu tiên là Chính phủ phải có biện pháp đẩy mạnh xã hội hóa. Thứ hai, chúng ta phải điều chỉnh các quy định hiện nay, đặc biệt là một số quy định trong Luật Ngân sách nhà nước. Nếu chúng ta phân cấp mang tính cắt khúc cho địa phương, cho các Bộ, ngành như hiện nay mà không đi kèm với chế tài về chế độ báo cáo thống kê thì rất khó kiểm soát được hiệu quả của nguồn đầu tư này. Thứ ba, trong một chừng mực nhất định thì nên đưa việc quản lý nguồn đầu tư cho KH&CN về một đầu mối là Bộ KH&CN chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước Quốc hội.

- Xin cám ơn Thứ trưởng!

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img