Mục đích chuyến công tác để trao đổi với Chủ đầu tư (EVN) và tư vấn của Chủ đầu tư về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến khảo sát và đánh giá địa điểm đã được các tư vấn của EVN thực hiện cho địa điểm dự kiến xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 cũng như các kết quả khảo sát bổ sung của địa điểm dự kiến xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 2 đang được tư vấn JAPC thực hiện.
An toàn địa điểm là vấn đề quan trọng cần được quan tâm đầu tiên trong quá trình triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Hội đồng ATHNQG đã yêu cầu Cục ATBXHN tổ chức các hội thảo để thảo luận về các vấn đề liên quan đến hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm trong quá trình các tư vấn của EVN triển khai thực hiện với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực địa chất, địa chấn, địa vật lý cũng như các chuyên gia của IAEA, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Pháp, Đức, Slovakia,… Sau các hội thảo trong năm 2014, hiện có một số vấn đề vẫn còn ý kiến khác nhau giữa các chuyên gia Việt Nam cũng như giữa các chuyên gia Việt Nam và tư vấn của EVN liên quan đến đứt gãy và đánh giá nguy hiểm động đất. Vì vậy, Hội đồng ATHNQG đã yêu cầu Tổ chuyên gia tư vấn của Hội đồng tổ chức các buổi làm việc để làm rõ các nội dung liên quan của địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2 và yêu cầu tiến hành khảo sát bổ sung cho địa điểm xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 2.
Đối với địa điểm xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1, nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia của Hội đồng ATHNQG lần này tập trung vào các chủ đề sau: 1) Thống nhất các khái niệm, định nghĩa về đới địa động lực, đứt gãy, đứt gãy hoạt động, so sánh với các khái niệm theo quy định của luật pháp Việt Nam và tài liệu của IAEA; 2) Cung cấp các số liệu mặt cắt địa chất trên biển nhằm xác định sự tồn tại, mức độ hoạt động của đới đứt gãy Thuận Hải – Minh Hải; 3) Xác định bản chất ranh giới của các đới địa động lực, bao gồm cả ranh giới giữa địa điểm dự kiến xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; 4) Quy mô của các đới dập vỡ biểu hiện trong kết quả khảo sát địa vật lý và khoan; 5) Giải thích sự tồn tại của các đới đứt gãy địa phương đã được chỉ ra trong kết quả khảo sát của Tư vấn Nhật Bản (ký hiệu F10); 6) Sự tồn tại của một số đứt gãy đã được chỉ ra của các chuyên gia Việt Nam; và 7) Hoạt động quan trắc động đất địa phương tại địa điểm Ninh Thuận 1.
Đối với địa điểm xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 2, nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia của Hội đồng ATHNQG lần này tập trung vào các chủ đề sau:1) Kết quả khảo sát bổ sung tại đứt gãy Đông Hòn Gió về các vấn đề như tính liên tục, hình thái, quy mô, mức độ hoạt động; 2) Kết quả khảo sát bổ sung tại đứt gãy Hòn Đeo về các vấn đề như khoan bổ sung, lấy mẫu, phân tích mẫu và luận giải bản chất của các đới dập vỡ; 3) Kết quả đánh giá các đứt gãy khác trong khu vực khảo sát (phía Bắc Ban quản lý vườn quốc gia Núi Chúa, đứt gãy F4); 4) Phương pháp sử dụng trong đánh giá độ nguy hiểm động đất bao gồm phương pháp xác suất và phương pháp tất định; và 5) Hoạt động quan trắc động đất địa phương tại địa điểm Ninh Thuận 2.
Tham gia các buổi làm việc với Đoàn chuyên gia của Hội đồng có đại điện Ban quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận, các chuyên gia của Tư vấn Nhật Bản (JAPC) và Tư vấn trợ giúp EVN thẩm định các hồ sơ phê duyệt địa điểm và phê duyệt dự án đầu tư trước khi trình các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước (Công ty AF). Tư vấn Nga (E4-KIEP) không tham dự buổi làm việc với Đoàn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban quản lý dự án thì họ đã cung cấp các tài liệu liên quan để Ban quản lý làm việc với Đoàn chuyên gia của Hội đồng. Đây là một tồn tại trong công tác phối hợp dẫn đến hiệu quả thảo luận các nội dung đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 không đạt được kết quả như mong đợi.
Ngoài việc thảo luận tại Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Đoàn chuyên gia đã tiến hành khảo sát tại thực địa bao gồm khảo sát đứt gãy Suối Mía, Kho lưu trữ mẫu của Ban quản lý dự án, Kho lưu trữ mẫu tạm thời của JAPC đối với công tác khoan bổ sung của địa điểm Ninh Thuận 2, Khảo sát một số vết lộ có biểu hiện đứt gãy khu vực phía bắc Ban quản lý vườn quốc gia Núi Chúa và một số vết lộ mới xuất hiện trong quá trình làm đường giao thông được phát hiện.
Theo chương trình, Đoàn chuyên gia của Hội đồng dự kiến sẽ đi kiểm tra thực địa tại đứt gãy núi Bà Dương. Tuy nhiên, Tư vấn JAPC của Nhật Bản chưa sẵn sàng cho việc tổ chức chuyến khảo sát này do thời gian đi địa điểm mất hơn 12 giờ và địa hình nguy hiểm và phía Tư vấn Nhật Bản chưa có sự chuẩn bị cho công việc này. Đoàn chuyên gia của Hội đồng thống nhất với Ban quản lý sẽ tổ chức chuyến khảo sát này vào tháng 12/2015.
Kết thúc đợt công tác, Đoàn đã có buổi làm việc với Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận để thống nhất các kết quả đã đạt được và tiếp tục đề xuất một số kiến nghị cho Ban quản lý và các nhà tư vấn liên quan đến hoạt động khảo sát, đánh giá địa điểm xây dựng NMĐHN Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 cũng như công tác tổ chức quan trắc động đất địa phương tại địa điểm Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
Trước khi về Hà Nội, Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận để trao đổi về các vấn đề liên quan đến an toàn địa điểm cũng như một số nội dung liên quan của địa phương cần phối hợp thực hiện phục vụ triển khai dự án điện hạt nhân, có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Hội đồng như xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh, xây dựng trạm quan trắc phóng xạ môi trường của tỉnh, xây dựng Trung tâm Điều hành ứng phó ngoài địa điểm, xây dựng cơ sở chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm xạ tại địa phương, xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi cho địa phương để đưa vào hệ thống khung văn bản quy phạm cho điện hạt nhân dự kiến trình Thủ tướng trong tháng 11/2015.