Từ phòng thí nghiệm ra thị trường

Thứ tư, 19/08/2009 17:19 GMT+7
Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ tại TP Hồ Chí Minh có nhiều khởi sắc với nhiều đề tài ứng dụng vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực.

Theo số liệu thống kê, năm 2008, có đến 80% đề tài nghiên cứu được đưa vào ứng dụng, trong đó có những sản phẩm được công nhận có hàm lượng chất xám cao.

Ðầu năm ngoái, Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã cho ra mắt trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch đồng thời công bố sản phẩm chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam SigmaK3. Lúc ấy, trung tâm đã sử dụng đúng con chip này để điều khiển quang báo và rô-bốt tự hành. Quang báo đã có khả năng hiển thị chuỗi có chiều dài tối thiểu 8.192 ký tự, thay đổi mầu sắc theo ba mầu xanh lá, đỏ, cam và có hiển thị tĩnh, động. Còn rô-bốt tự hành thì có thể di chuyển tới, quay về theo lộ trình định sẵn với các góc rẽ 900 và 1.800. Rô-bốt này còn có khả năng dò tìm đường nếu di chuyển lệch ra khỏi các đường line đã định sẵn. Thực ra với chip SigmaK3, Trung tâm thiết kế vi mạch TP Hồ Chí Minh chứng minh rằng là nước ta có khả năng tham gia vào thị trường thiết kế vi mạch.

Ðến cuối năm 2008, trung tâm giới thiệu con chip SG-8-V1, lần này là chip thương mại thật sự. SG-8-V1 được cải tiến rất nhiều tính năng mà SigmaK3 còn thiếu để tung ra thị trường. 20% khách hàng là các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, 70% là khối công nghiệp. Ông Ngô Ðức Hoàng, Giám đốc Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch cho biết: Trung tâm đã nhận được một số lời đề nghị, biên bản ghi nhớ mua chip SG-8-V1 của các doanh nghiệp khi sản phẩm chính thức có mặt. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 12 tỷ đồng, trong đó ngân sách từ thành phố là 9,5 tỷ, còn lại là vốn của Ðại học Quốc gia. Dự kiến đến năm 2012, 60% kinh phí từ ngân sách sẽ được thu hồi.

Trong vài năm tới đây, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi sẽ sớm trở thành mô hình nông nghiệp xanh biomass đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh khi mà những nghiên cứu sản xuất cồn nhiên liệu sinh học của Trường đại học Bách Khoa được triển khai đồng bộ. Thành công này sẽ tạo nên vòng tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Cồn được tạo ra từ rơm, rạ, trấu được dùng trong công nghiệp, khi đốt sẽ thải vào không khí một lượng CO2, nhưng cũng chính những loại cây như lúa lại hấp thụ lượng CO2 này và lại sinh ra biomass. TS Phan Ðình Tuấn, Phó Hiệu trưởng ÐH Bách Khoa TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, nhóm nghiên cứu đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu về việc sản xuất và sử dụng các phế phẩm trong sản xuất nông nghiệp như rơm, rạ, trấu nhằm sản xuất cồn nhiên liệu sinh học. Ba vị trí xây dựng các trạm thu gom và nạp biogas tại xã Thái Mỹ ở ấp Bình Hạ Tây, Bình Thượng, Mỹ Khánh A. Bốn vị trí xây dựng nhà máy cồn tại ấp Bình Hạ Ðông, ấp Bình Hạ Tây, ấp Mỹ Khánh A và ấp Bình Thượng 1. Tại đây, xe kéo, máy cày, động cơ bơm nước đều được sử dụng nhiên liệu biogas ủ từ phân trâu bò, phân heo. Những thiết bị phản ứng thủy nhiệt do Trường đại học Tô-ki-ô Nhật Bản cung cấp đang được các nhà khoa học của ta vận dụng để ép cồn. Kết quả cồn nhiên liệu trên 90 độ C đã được làm ra, dù thực tế giá cồn này vẫn còn khá đắt.

Ðặc biệt, từ chương trình nghiên cứu của các nhà khoa học thành phố, mới đây một số đảo của Trường Sa đã nhận được nguồn điện mặt trời và điện gió với tổng công suất phát điện 21 kWh từ nguồn vốn sáu tỷ đồng mà thành phố đầu tư. Trung tâm tiết kiệm năng lượng đã triển khai dự án này từ năm 2007, mất hơn sáu tháng thử nghiệm trong đất liền đến khi ổn định sẵn sàng, các chuyên gia mới đưa thiết bị ra đảo. Ðây là tiền đề đặt nền tảng năng lượng phục vụ cho kinh tế quốc phòng ở quần đảo Trường Sa đồng thời những thiết bị, nghiên cứu của các nhà khoa học đã phục vụ tích cực phát triển kinh tế - xã hội và đời sống. Mặc dù hiện tại điện mặt trời ở đảo Trường Sa vẫn còn phụ thuộc vào nguồn pin nhập khẩu, nhưng sau này những chương trình về năng lượng mới có thể sử dụng pin mặt trời do phòng thí nghiệm na-no của Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nghiên cứu.

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh khẳng định rằng, đã đến lúc chúng ta phải làm chủ những công nghệ nguồn: Chip thương mại, pin mặt trời, rô-bốt hàn cũng như cồn từ rơm rạ. Ðó là những sản phẩm mà cuộc sống đã có, nhưng đa phần là hàng nhập khẩu. Dẫu còn nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu và sản xuất như trường hợp của chip SG - 8 - V1, phải đặt nước ngoài gia công theo bản quyền của ta, hay cồn làm ra giá thành còn quá cao, nhưng tất cả cho thấy, nghiên cứu không còn là lý luận suông mà đã thiết thực hơn và sẽ có chỗ đứng trên thị trường một ngày không xa. Ðây được xem là những tín hiệu vui của nền khoa học công nghệ trong nước.

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img