Bản chất của biến đổi khí hậu và những khả năng tích hợp vào xây dựng chiến lược khoa học và công nghệ

Thứ năm, 25/09/2014 16:20 GMT+7
Ngày 23/09/2014, Viện Chiến lược và Chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tổ chức sinh hoạt học thuật về chủ đề “Biến đối khí hậu và những khả năng tích hợp vào xây dựng chiến lược KH&CN".

Đây là một ý tưởng từ nhóm nghiên cứu do TS. Bạch Tân Sinh làm trưởng nhóm cho quá trình xây dựng chiến lược và chính sách về KH&CN tại Viện, đúc rút từ kinh nghiệm nghiên cứu về các chủ đề tác động của biến đổi khí hậu tới hoạt động kinh tế xã hội, nhằm cảnh báo rủi ro trong tương lai, phát triển kế hoạch thiết thực để ứng phó và phục hồi từ các tác động của biến đổi khí hậu....


Chu trình Đối thoại học hỏi – chia sẻ

Cách tiếp cận của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện dự án từ dưới lên (bottom-up), trong đó chú trọng tới các phương pháp thực nghiệm: đối thoại – chia sẻ - tiến tới đồng thuận. Sự đồng thuận ở đây là kết quả của giao lưu, chia sẻ và thậm chí bảo vệ quan điểm của các đối tác tham gia.

Để tìm hiểu sự đồng thuận của cộng đồng về các vấn đề quan tâm, nhóm nghiên cứu tổ chức “Đối thoại chia sẻ - học hỏi" (shared learning dialogue), thực hiện qua nhiều vòng, với kết quả của vòng trước là nguyên liệu đầu vào cho vòng tiếp sau. Ví dụ, kết quả của vòng thứ nhất là thông tin về các hiểm họa thiên tai đồng thời là đầu vào của vòng thứ hai để đưa ra các kết quả là cảnh báo và kế hoạch, kịch bản ứng xử thiên tai đó. Xem xét kinh nghiệm này trong bối cảnh nghiên cứu và xây dựng chiến lược KH&CN, nhóm nghiên cứu đã đề xuất ý tưởng, Viện sẽ đóng vai trò trung gian, là cầu nối để liên kết các địa phương để chia sẻ các ý kiến với các tổ chức trung ương về các vấn đề liên quan đến chiến lược và chính sách KH&CN. Nhiệm vụ của Viện là xây dựng chiến lược và chính sách KH&CN, mà điều cốt lõi của quá trình đó là hướng về tương lai và nghiên cứu về các yếu tố bất định. Trong xây dựng kịch bản, cách tiếp cận đối thoại chia sẻ-học hỏi là một cách tốt để đáp ứng yêu cầu đó.

Nhóm nghiên cứu đã tổ chức 3 lần chia sẻ - học hỏi, trong đó đã mời đại diện của nhiều tổ chức các cấp, bộ ngành có liên quan như Bộ Tài Nguyên và Môi trường tham gia. Hoạt động này đang được nhân rộng ở các thành phố địa phương khác nhau. Quá trình tổ chức ở các địa phương đem lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn lý thú, ví dụ chia sẻ - học hỏi được tổ chức và thực hiện tốt hơn cả ở Quy Nhơn so với Đà Nẵng và Cần Thơ, mặc dù so sánh tương quan về tiềm lực KH&CN, Đà Nẵng và Cần Thơ có nhiều lợi thế hơn bởi là trung tâm kinh tế - xã hội – văn hóa – KH&CN của cả vùng. Bối cảnh có vai trò quan trọng, nhưng người khâu nối trung gian, người tổ chức mới đóng vai trò quyết định tới sự thành công của chu trình đối thoại chia sẻ - học hỏi này.


Các nghiên cứu viên tham gia buổi sinh hoạt học thuật

Trong quá trình hoạt động, nhóm nghiên cứu đã rút ra một số nhận xét:
- Vốn xã hội (social capital) là yếu tố quan trọng, có vai trò phát hiện cũng như giải quyết các khó khăn mang tính cộng đồng. Vốn xã hội không do nhà nước tạo ra nhưng nhà nước có thể thúc đẩy bằng các biện pháp quản lý xã hội, phục vụ quản lý.
- Xây dựng lòng tin trong xã hội là một quá trình khó khăn và tốn thời gian, mặc dù mục đích hướng tới một kết quả tốt đẹp hơn thực tại. Khái niệm “lòng tin xã hội - Community Trust" cũng là trọng tâm trao đổi của các nhà nghiên cứu khoa học xã hội hiện nay.
- Đối thoại chia sẻ - học hỏi là một quá trình diễn ra nhiều vòng, tốn nhiều thời gian, tốn kém nguồn lực, đòi hỏi sự kiên trì, kiên nhẫn và kỹ năng xã hội phong phú của những người thực hiện.
- Tri thức bản địa cần được chia sẻ để đưa vào quá trình xây dựng chính sách, kết quả là ra quyết sách phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Kết thúc phiên thảo luận, TS. Bạch Tân Sinh trích lời bà TS. Judith Rodin - Chủ tịch quỹ Rockefeller: “Trong thời đại toàn cầu hóa, nhiều ý tưởng tốt xuất phát từ cấp địa phương" với ngụ ý tăng trưởng không chỉ quan tâm đến tốc độ mà còn phải lưu tâm đến chất lượng.

Thu Trang

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img