Tọa đàm khoa học “Tầm nhìn về công nghệ chế tạo siêu vi mạch bán dẫn trong tương lai và khả năng ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam”

Thứ tư, 29/11/2017 16:29 GMT+7

Sáng ngày 22/11/2017, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã phối hợp với Vụ Công nghệ cao tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Tầm nhìn về công nghệ chế tạo siêu vi mạch bán dẫn trong tương lai và khả năng ứng dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam”.

Mục tiêu của buổi Tọa đàm nhằm giới thiệu tổng quan về xu thế phát triển công nghệ chế tạo siêu vi mạch bán dẫn trong thời gian tới và khả năng ứng dụng để chế tạo thiết bị phục vụ đời sống dân sinh, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ an ninh xã hội và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Tọa đàm đã thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, giảng viên đại học và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, công nghệ cao.

Phát biểu khai mạc, TS. Hoàng Xuân Long - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN đã khẳng địnhvai trò của công nghệ bán dẫn đã góp phần tạo nên những bước tiến vượt bậc trong quá trình phát triển KH&CN toàn cầu và mong muốn thông qua Tọa đàm, các đại biểu sẽ cùng đóng góp ý kiến về xu thế phát triển công nghệ bán dẫn trong tương lai và những khả năng ứng dụng tại Việt Nam.

Tham gia trình bày tại buổi Tọa đàm là GS.TSKH. Trần Đức Chỉnh, nguyên thành viên Ủy ban Chiến lược Phát triển công nghệ cho tương lai, thuộc XTREME technologies Corp., Cộng hòa liên bang Đức. GS. Trần Đức Chỉnh đã trình bày về tầm nhìn cho công nghệ chế tạo siêu vi mạch bán dẫn trong tương lai và khả năng ứng dụng một số kết quả nghiên cứu phát triển công nghệ. Trong xu thế hiện nay, việc chế tạo các vi mạch bán dẫn có tốc độ xử lý tín hiệu siêu nhanh sẽ mang lại những bước tiến vượt bậc cho công nghệ sản xuất thiết bị điện tử. Bài trình bày đã nhận được sự quan tâm và đánh giá rất cao của các đại biểu tham dự Tọa đàm.

 

TS. Hoàng Xuân Long trình bày tham luận tại Tọa đàm

 

Các đại biểu đã thảo luận về những thách thức, khó khăn mà Việt Nam đã và đang gặp phải trong ứng dụng công nghệ chế tạo siêu vi mạch bán dẫn, tìm hiểu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về ứng dụng và phát triển công nghệ bán dẫn, Cũng tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi nhằm tìm kiếm những cơ hội hợp tác để phát triển công nghệ bán dẫn tại Việt Nam nhằm góp phần tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và đem lại cuộc sống an toàn chất lượng./.

Nguồn: Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img