Khai thác, phát triển nguồn gen lợn nạc đặc sản: Lợn mán, Mường khương và Sóc

Thứ tư, 29/11/2017 08:02 GMT+7

Lợn Mán tỉnh Hòa Bình, Lợn Mường Khương tỉnh Lào Cai và lợn Sóc tỉnh Đắk Lắk một trong những nguồn gen giống lợn bản địa được người dân nuôi từ lâu đời. Tuy nhiên, do công tác quản lý giống chưa được quan tâm đúng mức nên các giống lợn này đang bị lai tạp và chất lựợng bị kém dần. Song, chúng vẫn giữ được đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống và chất lượng thịt vẫn thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và ưa thích hơn các sản phẩm thịt lợn khác trên thị trường.

 

Nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn gen một số giống lợn đặc sản của Việt Nam, nhóm nghiên cứu do TS Trịnh Phú Ngọc, Viện Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Khai thác, phát triển nguồn gen lợn nạc đặc sản: Lợn mán, Mường khương và Sóc”. Đây là đề tài nghiên cứu có tính cấp thiết, mang tính thời sự và có ý nghĩa khoa học, thực tiễn cao, đồng thời góp phần giúp nông dân xoá đói giảm nghèo bằng các giống vật nuôi bản địa phù hợp với điều kiện và tiềm năng sẵn có của đồng bào dân tộc.

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả như sau:

* Tình hình điều tra bổ sung, đánh giá hiện trạng tình hình chăn nuôi và đặc điểm sinh học của lợn Mường Khương, Mán và Sóc cho thấy: Số con sơ sinh trung bình của lợn Mường Khương: 6,25 con/ổ; của lợn Mán: 5,32 con/ổ; của lợn Sóc: 5,30 con/ổ; Khối lượng sơ sinh trung bình/con của lợn Mường Khương đạt: 0,51 kg; của lợn Sóc: 0,31 kg và của lợn Mán: 0,32 kg; Khối lượng trung bình lúc 12 tháng tuổi lợn Mán: 30,85 kg; lợn Sóc: 30,92 kg; và của lợn Mường Khương đạt 45,62 kg; Tuổi thành thục tính dục của lợn đực ở cả 3 giống muộn hơn so với lợn cái. Tuổi động dục lần đầu và tuổi đẻ lứa đầu của lợn Sóc là: 10,84 tháng; của lợn Mán là: 8,55 tháng và lợn Mường Khương là:10,30 tháng; Tỷ lệ nuôi sống đến khi giết thịt tính trung bình của lợn Mường Khương đạt 91,05%; của lợn Mán đạt 89,95% và của lợn Sóc đạt 90,75%; Khoảng cách lứa đẻ của lợn Mường Khương: 250,30 ngày (1,4 lứa/nái/năm) của lợn Sóc: 285,58 ngày (1,27 lứa/nắi/năm) và của lợn Mán: 280,86 ngày (1,30 lứa/nái/năm).

Nhìn chung của cả 3 tỉnh đều có điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và rủi ro sau:

- Điểm mạnh: Đều có nguồn gen lợn bản địa đặc sản đã thích nghi với điều kiện sống kham khổ, có chất lượng thịt thơm ngon, đang được thị trường ưa chuộng hơn các loại thịt lợn khác. Có nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẳn có tại chỗ dồi dào và lực lượng lao động tại chỗ dư thừa, nông dân thiếu việc làm.

- Điểm yếu: Thiếu tiến bộ khoa học kỹ thuật và vốn ít, kinh tế khó khăn.

- Cơ hội: Được nhà nước có chính sách về phát triển nguồn gen vật nuôi bản địa

- Rủi ro: Thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa.

* Việc nghiên cứu tuyển chọn và xây dựng đàn hạt nhân lợn Mường Khương, lợn Mán và lợn Sóc: Đã xây dựng được Tiêu chuẩn cơ sở đàn hạt nhân lợn giống MK, Mán và Sóc; Đã đánh giá được chất lượng lợn nái của 3 giống Mường Khương, Mán và Sóc; Đặc điểm ngoại hình của đàn lợn nái giống Mường Khương này được đánh giá là đạt tiêu chuẩn về giống vì chúng có sự đồng đều khá cao và mang hầu hết các đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống; Thông qua 8 bộ phận chính trên cơ thể lợn nái giống, không phát hiện bất kỳ sai khác nào so với các đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống lợn Mường Khương. Trong đó,

- Khả năng sinh sản của lợn hạt nhân giống Mường Khương: Tuổi động dục lần đầu của đàn lợn Mường Khương của đàn hạt nhân là 210,25 ngày, của đàn sản xuất là 211,34 ngày, không có sự sai khác đáng kể về chỉ tiêu tuổi động dục lần đầu giữa 2 đàn trên (P>0,05); Tuổi phối giống lần đầu của lợn Mường Khương của đàn hạt nhân và sản xuất không có sự sai khác đáng kể (P>0,05), trung bình là 247,46 ngày; Tuổi đẻ lứa đầu của nái giống lợn Mường Khương trung bình là 371,71 ngày; Số con sơ sinh đẻ ra của đàn nái hạt nhân Mường Khương đạt 7,61 con/ổ, so với đàn nái sản xuất đạt 7,15 con/ổ. Như vậy đàn hạt nhân đã vượt đàn sản xuất: 0,46 con/ổ; Số lứa đẻ/nái/năm của đàn hạt nhân là 1,87 và của đàn sản xuất là 1,78. Như vậy  kết quả đàn lợn nái hạt nhân giống Mường Khương vượt so với sản xuất là 0,90 lứa/nái/năm.

- Khả năng sinh sản của lợn hạt nhân giống Mán: Tuổi động dục lần đầu đối với đàn lợn Mán hạt nhân có tuổi động dục lần đầu là 171,95 ngày, trong khi đó đàn lợn Mán sản xuất có tuổi động dục lần đầu là 173,11 ngày; Trung bình tuổi động dục trung bình của lợn nái giống Mán là 172,65 ngày; Tuổi phối giống lần đầu của đàn lợn nái giống Mán trung bình là 192,39 ngày; Tuổi đẻ lứa đầu của đàn lợn Mán hạt nhân là 318,25 ngày, của đàn sản xuất là 319,80 ngày, trung bình của đàn nái giống Mán 319,39 ngày; Số con đẻ ra/ổ của lợn hạt nhân giống Mán tính trung bình là 7,83 con/ổ; trong khi đó đàn sản xuất đạt 7,54 con/ổ, như vậy đàn hạt nhân vượt: 0,29 con/ổ; Số lứa đẻ/nái/năm của đàn hạt nhân lợn là 1,74 lứa/nái/năm, của đàn sản xuất là: 1,66 lứa/nái/năm như vậy đàn hạt nhân đã vượt đàn sản xuất: 0,8 lứa/nái/năm.

- Khả năng sinh sản của lợn hạt nhân giống  Sóc: Tuổi động dục lần đầu tính trung bình của lợn nái giống Sóc là 220,11 ngày; Tuổi phối giống lần đầu của đàn lợn nái giống Sóc trung bình là 242,47 ngày; Tuổi đẻ lứa đầu của đàn nái lợn Sóc trung bình là 370,10 ngày; Số con đẻ ra/lứa của lợn nái đàn hạt nhân giống Sóc 7,02 con, trong đó của đàn sản xuất chỉ đạt 6,73 con/ổ, như vậy đàn hạt nhân đã vượt đàn sản xuất: 0,29 con/lứa; Số lứa đẻ/nái/năm. Số lứa đẻ/nái/năm của đàn hạt nhân lợn là 1,70 lứa/nái/năm, của đàn sản xuất là: 1,63 lứa/nái/năm như vậy đàn hạt nhân đã vượt đàn sản xuất: 0,7 lứa/nái/năm.

Như vậy, về chỉ tiêu số con /lứa/ nái/năm và số lứa đẻ/nái/năm của 3 đàn hạt nhân lợn Mán, Mường Khương và Sóc đều vượt trên 7% so với đàn sản xuất và vượt trội so với kế hoạch và thực tế sản xuất.

* Việc tuyển chọn và xây dựng đàn sản xuất lợn Mường Khương, lợn Mán và lợn Sóc: Đã xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở đàn sản xuất lợn Mường Khương, Mán và Sóc. Cụ thể: Tiêu chuẩn ngoại hình của 3 giống và tiêu chuẩn về năng suất: lợn đực và cái hậu bị, nái và đực giống của 3 giống để từ đó các cơ sở và người chăn nuôi có căn cứ để tuyển chọn và đánh giá đàn lợn của mình; Đã nghiên cứu đánh giá được đặc điểm ngoại hình và khả năng sinh sản của đàn sản xuất lợn Mường Khương, lợn Mán và lợn Sóc

- Đặc điểm ngoại hình và khả năng sinh sản của đàn sản xuất lợn MK: Đàn sản xuất lợn MK được tuyển chọn từ đàn hạt nhâ lợn MK gồm 120 con (100 con cái và 20 con đực) 100% đều mang các đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống; Tuổi động dục lần đầu của đàn sản xuất lợn MKTính trung bình là 210,04 ngày; Tuổi phối giống lần đầu của đàn sản xuất lợn MK trung bình là 245,04 ngày; Tuổi đẻ lứa đầu của đàn sản xuất giống lợn MK trung bình là 371,82 ngày; Đàn sản xuất giống lợn MK có số lứa đẻ/nái/năm là: 1,78, (thực tế chỉ có 1,15 lứa/nái/năm) và số con /lứa: 7,15 con/nái/năm (thực tế chỉ có: 4,5 con/nái/năm) như vậy, trong nghiên cứu này, chỉ số kỹ thuật (số con/lứa và số lứa/nái/năm) của đàn sản xuất đã vượt trội so với sản xuất đại trà.

- Đặc điểm ngoại hình và khả năng sinh sản của đàn sản xuất lợn Mán: Đàn sản xuất lợn Mán gồm 120 con (trong đó có 100 con cái và 20 con đực). Đàn sản xuất lợn Mán đều mang các đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống; Tuổi động dục lần đầu của đàn sản xuất lợn Mán là 172,53 ngày; Tuổi phối giống lần đầu của đàn sản xuất lợn Mán trung bình là 192,86 ngày; Tuổi đẻ lứa đầu của đàn sản xuất giống lợn Mán trung bình là 309,02 ngày; Khối lượng phối lần đầu của đàn sản xuất giống lợn Mán trung bình là 26,48 kg; Số con đẻ ra/ổ của đàn sản xuất đạt 7,54 con/lứa; Số lứa đẻ/nái/năm của đàn sản xuất là: 1,66 lứa/nái/năm; Đàn sản xuất giống lợn Mán có số lứa đẻ/nái/năm là 1,66 lứa (thực tế chỉ có 1,15 lứa/nái/năm) và số con /lứa: 7,54 con/nái/năm (thực tế chỉ có:4,5 con/nái/năm) như vậy, trong nghiên cứu này, chỉ số kỹ thuật (số con/lứa và số lứa/nái/năm) của đàn sản xuất đã vượt trội so với sản xuất đại trà.

* Xây dựng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và thú y phòng bệnh lợn Mường Khương, Mán và Sóc: Đã xây dựng được quy trình chọn lợn hạt nhân Mán, Mường Khương và Sóc; Đã xây dựng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và thú y phòng bệnh đàn giống (đàn hạt nhân, đàn sản xuất) lợn Mường Khương, Mán và Sóc; Đã xây dựng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và thú y phòng bệnh đàn thương phẩm lợn Mường Khương, Mán và Sóc. Nhờ có quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và thú y phòng bệnh mà cả ba đàn lợn:  lợn Mường Khương, Mán và Sóc đã được đảm bảo an toàn dịch và đạt hiệu quả kinh tế chăn nuôi tăng vượt trội so với trước. Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng và thú y phòng bệnh lợn Mường Khương, Mán và Sóc đã giúp người chăn nuôi yên tâm phát triển kinh tế chăn nuôi lợn MK, Mán và Sóc. Các quy trình đã và đang được các địa phương áp dụng và khuyến cáo trong sản xuất ba giống lợn Mường Khương, Mán và Sóc.

* Xây dựng mô hình nuôi đàn thương phẩm lợn Mường Khương, Mán và Sóc: Đã xây dựng tiêu chuẩn đàn thương phẩm lợn MK, Mán và Sóc; Đã xây dựng mô hình nuôi lợn MK, Mán và Sóc thương phẩm; Mô hình nuôi lợn Mường Khương thương phẩm 130 con tạ tỉnh Lào Cai; Mô hình nuôi lợn Mán thương phẩm 130 con tỉnh Hoà Bình; Mô hình nuôi đàn thương phẩm lợn Sóc 130 con tại tỉnh Đắk Lắ. Cả ba mô hình đều đảm bảo an toàn dịch và có hiệu quả kinh tế chăn nuôi.

Từ các kết quả thu được, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra một số kiến nghị sau: Sản xuất thử nghiệm ba nguồn gen lợn đặc sản bản địa: Lợn Mán, lợn Mường Khương lợn Sóc và chuyển giao vào sản xuất; Ứng dụng quy trình kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng mô hình khai thác, phát triển nguồn gen Lợn Mán lợn Mường Khương, lợn Sóc nói riêng và các nguồn gen lợn bản địa nói chung để chuyển giao vào sản xuất; Đưa 3 nguồn gen; Lợn Mán, Mường Khương và Sóc vào chương trình nuôi giữ giống gốc làm nguyên liệu lai tạo, nâng cao năng xuất chất lượng nguồn gen lợn bản địa.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13050-2016) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img