Khai thác và phát triển nguồn gen ngô địa phương Slidim, Khẩu lương, Khẩu li và Xá li lượt

Thứ tư, 29/11/2017 08:06 GMT+7

Nguồn gen ngô địa phương (các giống ngô thụ phấn tự do) luôn có một vai trò quan trọng trong nghiên cứu chọn tạo giống và sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen cấp Bộ, bốn mẫu giống ngô Slidim, Khẩu lương, Khẩu li và Xá li lượt được thu thập tại Điện Biên, Lào Cai và Lai Châu. Giống ngô Sli dim có nguồn gốc của người Kh’Mú sống tại Điện Điên. Giống ngô Khẩu Lương có nguồn gốc của dân tộc Mông sống tại Lào Cai. Giống ngô Khẩu li có nguồn gốc của dân tộc Thái sống tại Lai Châu và giống ngô Xá li lượt có nguồn gốc từ dân tộc Dao ở Lào Cai.

Gắn liền với điều kiện kinh tế xã hội và điều kiện tự nhiên ở từng địa phương, các mẫu giống ngô trên đã tồn tại trong một thời gian dài và truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ trong các nhóm người dân tộc thiểu như một loại “di sản” quý của họ. Slidim, Khẩu lương, Khẩu li hay Xá li lượt là tên gọi theo tiếng dân tộc của người bản địa. Dịch nghĩa theo tiếng Kinh, tên gọi của chúng lần lượt có nghĩa là ngô đỏ, ngô vàng và ngô nếp trắng. Mặc dù theo chính sách Khuyến nông mới của Nhà nước, nhiều giống ngô cải tiến, ngô lai đã được phổ biến đến tận khu vực miền núi. Song các giống ngô địa phương vẫn có một vị trí trong cơ cấu sản xuất không thay đổi. Thu thập và bảo tồn nguồn gen  ngô địa phương góp phần củng cố sự phát triển của nguồn vật liệu di truyền trong nghiên cứu chọn tạo giống. Hơn thế, bốn mẫu giống ngô trên với nhiều tính trạng đặc biệt, năng suất khá có thể trực tiếp khai thác và sử dụng cho sản xuất tại các khu vực có điều kiện canh tác khó khăn thông qua việc phục tráng giống. Để phục tráng thành công các mẫu giống ngô địa phương mà sau quá trình canh tác dài, không có kỹ thuật chọn lọc bồi dục thích hợp dẫn tới thoái hóa giống, cần thiết tiến hành thu thập các thông tin cơ bản của từng giống tại nơi phát sinh và có những đánh giá chi tiết. Nhiệm vụ tiến hành phục tráng bốn giống ngô địa phương để đưa trở lại sản xuất, sau đó tiến hành hoàn thiện quy trình chọn lọc phục tráng và quy trình canh tác giống ngô thụ phấn tự do (OPV): Slidim, Khẩu lương, Khẩu li và Xá li lượt. Phục vụ giống cho vùng khó khăn, nông dân nghèo đảm bảo an ninh và tăng thu thập cho người trồng ngô góp phần xóa đói giảm nghèo. Bảo tồn các  giống cũng là bảo tồn văn hóa và kiến thức bản địa, là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
 


Nhằm khai thác và phát triển nguồn gen 04 giống Ngô địa phương Slidim, Khẩu lương, Xá li lượt và Khẩu li phục vụ cho các tỉnh miền núi phía bắc, nhóm nghiên cứu do GS. TS. Vũ Văn Liết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã tiến hành nghiên cứu đề tài: “Khai thác và phát triển nguồn gen ngô địa phương Slidim, Khẩu lương, Khẩu li và Xá li lượt”.

Sau một thời gian triển khai nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã đạt những kết quả sau:

- Bốn mẫu giống ngô địa phương Slidim, Khẩu lương, Khẩu li và Xálilượt có đặc điểm và tính trạng quý đã chọn lọc cải tiến thành công, kết quả đảm bảo đa dạng di truyền nguồn gen, ứng dụng trong sản xuất ngô cho những vùng khó khăn nâng cao thu nhập cho người sản xuất là phát triển bền vững.

- Bốn mẫu giống đã được thu thập bổ sung thông tin với 120 mẫu phiếu, 30 mấu phiếu/giống, hoàn thành bản mô tả 4 giống với 23 tính trạng, các giống có năng suất và yếu tố tạo thành năng suất khá cao từ 3,0 đến 4,0 tấn/vụ, hai giống ngô nếp có chất lượng tốt.

- Đánh giá nhận biết các tính trạng đã thù đã xác định khả năng chịu hạn tốt,  trong đó 3 giống có khả năng chịu hạn tốt nhất là GT8, GT17 và GN151. Phân tích xác định QTL chịu hạn của 4 vật liệu là các quần thể địa phương đối chứng là giống lai LCH9 (đối chứng). Chất lượng dinh dưỡng của 4 mẫu được đánh giá cao ở hàm lượng protein cao trên 7% và gần bằng hàm lượng protein có trong các giống ngô quy định là ngô QPM (>8%). Hàm lượng lysine và triptophan trong hai mẫu giống ngô tẻ rất cao chứng tỏ đây là hai giống ngô có chất lượng ăn uống tốt, mềm dẻo, vị đậm và có hương vị.

- Đánh giá khả năng chống chịu bệnh bằng lây nhiễm nhân tạo nhận biết 4 mẫu giống có khả năng chống chịu bệnh từ khá đến tốt. Chống chịu với bệnh thối rễ (do nấm Puccinia ssp. và R. solanii), bệnh đốm lá lớn và đốm lá nhỏ, khô vằn

- Chọn lọc phục tráng các mẫu giống qua 3 chu kỳ chọn lọc full-sib đã phục tráng thành công. Mẫu giống khẩu lương chọn được tái tổ hợp (TTH) tốt nhất là TTH1-2-1 từ tái hợp của 10 cặp full-sib có năng suất 42,20tạ/ha cao hơn đối chứng ở mức có ý nghĩa, độ tin cậy 95%. Mẫu giống Slidim qua 3 chu kỳ chonbj lọc đã phục tráng thành công với TTH tốt nhất là TTH1-3-3 có năng  suất (37,9 tạ/ha) cao vượt đối chứng (31,5 tạ/ha) ở mức có ý nghĩa, độ tin cậy 95%. Mẫu giống ngô nếp Khẩu li chọn được TTH là TTH1-1-3. Tái tổ hợp này khắc phục được các nhược điểm ban đầu của giống (màu sắc không đồng đều, chênh lệch trỗ cờ-phun râu lớn, thời gian trỗ-chín không tập trung, kích thước bắp không đều, chất lượng ăn tươi giảm về độ dẻo, năng suất thấp..), giữ nguyên được các ưu điểm của quần thể ban đầu như: ngắn ngày, khả năng chống đổ, chống chịu với sâu bệnh tốt. Năng suất đạt 32,65 tạ/ha vượt đối chứng (26,50tạ/ha) ở mức có ý nghĩa, độ tin cậy 95%. Mẫu giống Xá li lượt sau 3 chu kỳ chọn lọc đã tạo ra tái tổ hợp, kí hiệu TTH9-8-1, năng suất đạt 34,20 tạ/ha cao hơn đối chứng (27,50tạ/ha) ở mức có ý nghĩa, độ tin cậy 95%.

- Thí nghiệm xây dựng quy trình sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng (SNC) cho 4 quần thể mới (các TTH), quy trình đã được Hội đồng cơ sở nghiệm thu.

- Thí nghiệm xây dựng quy trình thâm canh cho 4 TTH, trên cơ sở các thí nghiệm thời vụ, thí nghiệm phân bón, thí nghiệm mật độ khoảng cách. Quy trình thâm canh ngô nếp cho cả điều kiện có tưới đồng bằng sông Hồng và vùng núi canh tác nhờ nước trời.

- Xây dựng mô hình trình diễn và hội nghị đầu bờ cho hai TTH ngô nếp tại Hải Dương, 8 mô hình cho cả 4 TTH ở Bảo Thắng và Sa Pa Lào Cai được đánh giá tốt. Người Mông đánh giá cao 4 TTH và sẵn sàng tiếp nhận để sản xuất.

Nhiệm vụ đã hoàn thành tất cả các nội dung nghiên cứu, các sản phẩm theo thuyết minh và hợp đồng đều đạt và vượt. Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị hỗ trợ duy trì mở rộng sản xuất, bởi vì các giống thụ phấn tự do và thích nghi với vùng núi khó khăn nên không công ty hay doanh nghiệp nào tiếp nhận để sản xuất kinh doanh.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 13031-2016) tại Cục Thông tin KH&CN quốc gia.

 

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img