Nghiên cứu chọn tạo giống và biện pháp kỹ thuật canh tác sắn bền vững ở vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên

Thứ năm, 30/11/2017 21:29 GMT+7

Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là hai vùng sản xuất sắn hàng hóa quan trọng nhất ở Việt Nam. Năm 2009, cả hai vùng đã trồng 263,6 ngàn ha đạt sản lượng trên 5 triệu tấn. Trong đó, Đông Nam Bộ chiếm 113,5 ngàn ha và diện tích sắn Tây Nguyên là 150,1 ngàn ha. Giống sắn được trồng phổ biến hiện nay ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên là KM94 có thời gian sinh trưởng hơn 10 tháng mới đạt được năng suất bột cao, mặt khác giống sắn KM94 hiện nay đang bị nhiễm bệnh sắn chổi rồng (Phytoplasma sp.) gây hại trên diện rộng ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ngãi và Kon Tum làm thiệt hại đáng kể đến thu nhập và đời sống của nông dân. Để nâng cao năng suất và sản lượng sắn cho vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, chúng ta cần đa dạng cơ cấu giống từ ngắn, trung và dài ngày đồng thời xác định giống sắn có năng suất bột cao, khả năng kháng một số bệnh, thích hợp với từng tiểu vùng sinh thái.

 

Các nghiên cứu kỹ thuật canh tác sắn tại Đông Nam Bộ và Tây Nguyên hiện chưa có những nghiên cứu về kỹ thuật canh tác chuyên sâu cho từng vùng sinh thái khác nhau phù hợp với từng loại đất, khí hậu và điều kiện canh tác tại địa phương. Đã có nhiều tác giả nghiên cứu về phân bón dành cho cây trồng này nhưng chưa có những nghiên cứu dài hạn và chưa xác định được mức bón cho cây sắn đối với từng loại đất, chưa đi sâu nghiên cứu bảo vệ đất chống xói mòn trên đất dốc trồng sắn.Các nghiên cứu yếu tố thường là đơn lẻ, chưa xây dựng  được quy trình trồng sắn đạt năng suất và lợi nhuận cao phù hợp với điều kiện tự nhiên về đất  đai, khí hậu, thời tiết và tập quán canh tác cho từng vùng sinh  thái. Do đó, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Hữu Hỷ, Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc, Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam - Viện khoa học Nông nghiệp Việt  Nam đứng đầu đã đề xuất được thực hiện nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống và biện pháp kỹ thuật canh tác sắn bền vững ở vùng Đông Nam  Bộ và Tây Nguyên” với mục tiêu chọn tạo được 1-2 giống sắn mới có năng suất cao hơn giống sắn phổ biến KM94 từ 10 - 15%, thích nghi với sinh thái Đông Nam Bộ và Tây  Nguyên; Xác định được 1- 2 công thức phân bón đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao, bền vững; Hoàn thiện Quy trình kỹ thuật canh tác sắn tổng hợp đạt năng suất cao, bền vững có năng suất cao hơn sản xuất đại trà từ 10 - 15% thích hợp sinh thái Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Qua bốn năm thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả nghiên cứu như sau:

- Đã đáp ứng đầy đủ danh mục sản phẩm KHCN đã ghi trong hợp đồng số 1068 ngày 19 tháng 06 năm 2009 giữa đại diện Bộ Nông nghiệp & PTNT và Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam;

- Đã chọn tạo được hai giống sắn mới KM140 và KM98-5 có năng suất cao hơn so với đối chứng KM94 từ 15 – 20%, thích nghi với sinh thái toàn quốc và các tỉnh phía Nam;

+ Giống KM 140 đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận giống tại thông tư số: 65/2010/TT-BNNPTNT,  ngày 05 tháng 11  năm 2010 và cho phép sản  xuất hàng hoá trên toàn Quốc. Mã hàng:0714-10-10-00.

+ Giống sắn KM98-5 đã được Hội đồng KHCN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn họp ngày 30 tháng 11 năm 2009 và nhất trí 100% đề nghị công nhận sản xuất thử tại các tỉnh phía Nam.

- Công thức phân bón 80N + 40 P2O5 + 80 K2O (kg/ha), 160N + 80 P2O5 + 160 K2O (kg/ha) cho sắn đạt năng suất cao và hiệu quả kinh tế cao, bền vững thích hợp với điều kiện canh tác vùng Đông Nam Bộ và Tây  Nguyên.

- Quy trình kỹ thuật canh tác sắn tổng hợp đạt năng suất cao, bền vững thích hợp với sinh thái Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Từ những kết quả thu được, nhóm nghiên cứu đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa kết quả nghiên cứu của đề tài vào ứng dụng kết quả vào sản  xuất.

 

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 12400-2016) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn: Cục Thông tin KH&CN quốc gia

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img