Toàn cảnh Hội nghị
Đề án thí điểm xây dựng nhiệm vụ KH&CN tiềm năng nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học trẻ, sinh viên có những ý tưởng khoa học mới được thực hiện việc nghiên cứu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực KH&CN.
Thông qua Đề án, hình thành một đội ngũ cán bộ nghiên cứu kế cận, có đủ năng lực và kinh nghiệm thực tế để có thể giải quyết được những vấn đề công nghệ của các ngành sản xuất khác. Từ kết quả nghiên cứu, hình thành doanh nghiệp KH&CN, phát triển công nghệ do các cán bộ khoa học trẻ chủ trì.
Với 93 đề tài có tính mới và có tính ứng dụng cao được thực hiện, trong gần 2 năm, Đề án đã tạo điều kiện cho trên 600 cán bộ khoa học được học hỏi, trau dồi kinh nghiệm trong thực hiện các nhiệm vụ cấp nhà nước.
Nhiều cán bộ khoa học trẻ đã thể hiện được năng lực trong nghiên cứu khoa học, được các chuyên gia và hội đồng chuyên ngành đánh giá cao. Số lượng bài báo được công bố trên các tạp chí ISI quốc tế và hội nghị quốc tế cũng như trên các tạp chí khoa học trong nước có tỷ lệ cao hơn nhiều so với các nhiệm vụ KH&CN thuộc các chương trình giai đoạn trước.
Hội đồng tư vấn của Đề tài đã lựa chọn, đánh giá xuất sắc cho 18 đề tài của các nhà khoa học như: Nghiên cứu đề xuất mô hình, giải pháp phát hiện và cảnh báo cháy dựa trên kỹ thuật thị giác máy phục vụ công tác phòng chống cháy nổ; Thiết kế chip nhận dạng tiếng nói tiếng Việt trên nền công nghệ FPGA; Hệ hỗ trợ trực tuyến cảnh báo lũ cho lưu vực sông Vu Gia, Quảng Nam; Chế tạo mực in nano bạc và ứng dụng trong công nghệ in các mạch điện tử; Nghiên cứu chế tạo vật liệu compozit trên cơ sở nhựa polyolefin khâu mạch và bột gỗ biến tính ứng dụng làm vật liệu xây dựng, kiến trúc nội - ngoại thất; Nghiên cứu chế tạo thiết bị pha dịch lọc tự động dung trong điều trị cho bệnh nhân bị suy thận…
Thiết bị lọc thận tự động- một trong những sản phẩm được trưng bày tại Hội nghị
Một số kết quả của Đề án đã được ứng dụng ngay trong thực tế như: Giải pháp công nghệ để phân tích xu hướng cộng đồng trên mạng xã hội; Phần mềm hệ thống chia sẻ hình ảnh cho cộng đồng; Giải pháp công nghệ hỗ trợ trực tuyến cảnh báo lũ cho lưu vực sông Vu Gia, Quảng Nam…
Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao chất lượng của Đề án, cũng như tạo điều kiện để các nhà khoa học trẻ tham gia thực hiện. Các đại biểu cho rằng, để các đề tài tiềm năng đạt hiệu quả cao, cần có tiêu chí đánh giá đề xuất, đánh giá kết quả một cách cụ thể, chi tiết; cần đổi mới hơn nữa cơ chế quản lý các đề tài của nhà khoa học trẻ, đặc biệt là cơ chế tài chính để cán bộ trẻ có nhiều thời gian hơn nữa cho công tác chuyên môn….
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân chúc mừng thành công của các nhà khoa học trẻ. Bộ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ KH&CN tiềm năng là một dạng nhiệm vụ KH&CN mà Bộ KH&CN đặc biệt quan tâm. Mặc dù được triển khai với nhiều khó khăn nhưng cho đến nay có thể khẳng định đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. 18 dự án có kết quả nổi bật sẽ là minh chứng cho sự thành công đó. Kết quả mà các nhà khoa học trẻ đạt được trong thời gian vừa qua thực sự đóng góp quan trọng trong việc hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh và sau này trở thành những tập thể khoa học mạnh của các trường trọng điểm trong cả nước.