Thứ ba, 26/11/2024 14:52 GMT+7

Hợp tác nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tạo hình biến dạng phức tạp vùng mặt

Thứ ba, 15/11/2016 11:38 GMT+7

Vùng mặt của con người không chỉ là một vùng có chức năng thẩm mỹ quan trọng nhất mà còn là nơi có chức năng và giải phẫu quan trọng như đầu vào của cơ quan tiêu hóa, hô hấp, thị giác và thính giác.

Vùng mặt của con người không chỉ là một vùng có chức năng thẩm mỹ quan trọng nhất mà còn là nơi có chức năng và giải phẫu quan trọng như đầu vào của cơ quan tiêu hóa, hô hấp, thị giác và thính giác.
 
PGS. TS. Vũ Quang Vinh (trái) đang phẫu thuật cho bệnh nhân bằng kỹ thuật vi phẫu

Trong phẫu thuật tạo hình, chất liệu chiếm một vai trò hết sức quan trọng trong che phủ các tổn khuyết. Các phương pháp tạo hình kinh điển như ghép da, vạt da tại chỗ, vạt da có cuống,... đã trở thành sự lựa chọn chủ yếu của các phẫu thuật viên tạo hình. Tuy nhiên, nhược điểm của những phương pháp này làm cho chỉ định của nó ngày càng trở nên hạn chế như sự thay đổi màu sắc, co kéo thứ phát hay giảm độ chun giãn đàn hồi,…

Tại Việt Nam, tại một số cơ sở tạo hình đã bước đầu nghiên cứu ứng dụng vạt da tự do tạo hình vùng mặt. Tuy vậy, việc sử dụng vạt da nào cho thích hợp với yêu cầu tổn khuyết đòi hỏi như độ rộng, độ dày, độ mỏng, đồng thời đảm bảo được cả yêu cầu chức năng và thẩm mỹ của vùng mặt cũng là vấn đề đang được quan tâm nghiên cứu.

Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn nói trên, đề tài Hợp tác nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật vi phẫu trong điều trị tạo hình biến dạng phức tạp vùng mặt đã được PGS. TS. Vũ Quang Vinh cùng các cộng sự thuộc Viện Bỏng Lê Hữu Trác thực hiện nhằm 2 mục tiêu chính:
1) Khảo sát đặc điểm giải phẫu mạch máu lớn cấp máu cho da vùng mặt và vùng cấp máu của nhánh xuyên động mạch liên sườn sau, động mạch mũ vai ứng dụng trong phẫu thuật tạo hình biến dạng phức tạp vùng mặt và ghép mặt.
2) Đánh giá hiệu quả sử dụng kỹ thuật vi phẫu trong tạo hình biến dạng phức tạp vùng mặt bằng vạt da tự do 2 cuống mạch xuyên động mạch mũ vai và động mạch liên sườn sau.

Từ kết quả nghiên cứu trên lâm sàng sử dụng 30 vạt da tự do hai cuống nhánh xuyên động mạch mũ vai và nhánh xuyên động mạch liên sườn sau có nối mạch vi phẫu trong điều trị phẫu thuật 30 bệnh nhân sẹo bỏng do biến dạng phức tạp vùng mặt, nhóm thực hiện đề tài đã rút ra một số kết luận sau:
* Vạt da tự do vùng lưng với hai cuống mạch là nhánh xuyên động mạch mũ vai và động mạch liên sườn sau: Là một chất liệu tạo hình mới để tạo hình vùng mặt với nhiều ưu điểm:
- Kích thước rộng, rất rộng: vạt có thể che phủ được khuyết hổng rộng phần mềm rộng gần toàn bộ khuôn mặt, đủ để tái tạo cả tháp mũi:
+ Vạt hai cuống mạch cùng bên: chiều dài: 33 cm, chiều rộng: 17 cm – chỉ định cho những trường hợp có sẹo chiếm khoảng ½ vùng mặt.
+ Vạt hai cuống mạch khác bên: chiều dài: 41 cm, chiều rộng: 24cm – chỉ định cho những trường hợp có sẹo rộng gần toàn bộ vùng mặt.
- Độ an toàn của vạt cao: có từ 1-2 nhánh xuyên của động mạch liên sườn ở mỗi khoang gian sườn. Các nhánh này xuất hiện trong khoảng giữa hai đường là cạnh ngoài của cơ cạnh sống và bờ trong của cơ lưng to. Tìm thấy nhánh xuyên động mạch liên sườn sau ở tất cả các trường hợp.
- Đảm bảo độ mỏng cần thiết: do được làm mỏng vạt vùng giữa hai cuống mạch, có thể chỉ cần giữ lại lớp mỡ mỏng chừng 5mm.

Bên cạnh đó, đề tài của nhóm nghiên cứu cũng đã thu được một số kết quả đáng chú ý sau:
Tất cả các bệnh nhân sau mổ đều có sự cải thiện về chức năng của các bộ phận trên mặt (mắt, mũi, miệng), không có ảnh hưởng sinh hoạt của bệnh nhân như trước khi mổ.
* Đáp ứng được yêu cầu thẩm mỹ vùng mặt:
- Kết quả gần: Tốt: 29/30 (97,67%), trung bình: 1/30 (3,33%), xấu: 0
- Kết quả xa: Tốt: 26/28 (92,86%), trung bình: 2/28 (7,14%), xấu: 0
* Vùng cho vạt: không gây ảnh hưởng chức năng vận động.

Có thể nói đây là một phương pháp thực sự đáng tin cậy với độ an toàn cao, mang lại hiệu quả tốt và rất có ý nghĩa thực tiễn, đáp ứng được những yêu cầu về chức năng cũng như thẩm mỹ vùng mặt, có thể tái tạo một thì khuyết hổng rộng vùng mặt.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số: 11567/2015) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

 

Lượt xem: 9626

comment                                                           
BÌNH LUẬN
   capcha

ĐÁNH GIÁ

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
   capcha_img
Khách online:16910
Lượt truy cập: 616714