Thứ hai, 17/06/2013 18:55 GMT+7

Luật Khoa học và Công nghệ: Lời giải “bài toán” về phát triển khoa học

Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sửa đổi được kỳ vọng sẽ đem lại nguồn sinh khí mới, để đưa KH&CN thực sự trở thành chìa khóa để phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến băn khoăn...

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trò chuyện riêng với TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ KH&CN để làm rõ hơn vấn đề này trước khi Luật KH&CN sửa đổi được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 18/6.

Chỉ nghiên cứu khi có đầu ra

- Thưa Thứ trưởng, tại sao Bộ KH&CN lại chọn thời điểm này để sửa đổi Luật KH&CN?

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Luật KH&CN lần đầu tiên được ban hành vào năm 2000, có hiệu lực từ năm 2001. Sau 13 năm thực hiện, Luật KH&CN tuy có nhiều thành công, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu và tình hình mới.

Cũng trong thời gian qua, ngành KH&CN cũng có 7 đạo luật chuyên ngành như Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ cao… Bên cạnh đó, các luật của ngành khác như thuế, đất đai, tài nguyên, lao động… đều có chỉnh sửa, bổ sung. Bởi thế, rất cần có sự sửa đổi Luật KH&CN để tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết TW6 về KH&CN cũng đề ra những nhiệm vụ trọng tâm phát triển KH&CN. Do đó, Luật KH&CN cần phải sửa đổi để thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển KH&CN như một quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất cho việc phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và của nền kinh tế.

Thời gian qua, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam rất mạnh mẽ và sâu rộng. Chúng ta phải có những chính sách hợp lý để tận dụng cơ hội hợp tác quốc tế phát triển KH&CN.

Sửa Luật KH&CN phải mang tính đột phá

- Được biết, Luật KH&CN sửa đổi sẽ tập trung mạnh mẽ vào chính sách đầu tư và cơ chế tài chính; Cơ chế tổ chức và hoạt động KH&CN; Đào tạo và trọng dụng nguồn nhân lực KH&CN, xin Thứ trưởng nói rõ hơn về vấn đề này?

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Về chính sách đầu tư, luật sửa đổi khẳng định rõ chi 2% ngân sách hàng năm cho KH&CN. Ngoài ra, những dự án quan trọng đặc biệt của quốc gia sẽ áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt.

Có một thực tế là ở Việt Nam, việc đầu tư cho KH&CN chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Trong khi đó, ở các nước, việc xã hội hóa đầu tư vào KH&CN rất cao. Luật KH&CN sửa đổi sẽ đưa ra các chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư để đổi mới công nghệ trong sản xuất và kinh doanh.

Trước đây, cơ chế tài chính cho KH&CN là quyết toán hàng năm, song trong dự thảo Luật sửa đổi, việc giao kinh phí sẽ áp dụng cơ chế khoán, cơ chế Nhà nước đặt hàng và cơ chế quỹ để triển khai các nhiệm vụ KH&CN. Như vậy, Luật KH&CN sửa đổi sẽ cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TW: Ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để phát triển KH&CN; ưu tiên đầu tư trước một bước để phát triển, ứng dụng KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài ra, cơ chế tổ chức hoạt động KH&CN cũng được đổi mới. Các cơ quan phải xác định nhiệm vụ trúng và đúng với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Sau đó, phải tuyển chọn ra đúng tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ khoa học; việc đánh giá, nghiệm thu kết quả nghiên cứu phải căn cứ vào hiệu quả ứng dụng.

Cũng theo Luật sửa đổi, những đề tài, chương trình KH&CN phải có địa chỉ nơi ứng dụng. Nghĩa là trước khi nhiệm vụ KH&CN được phê duyệt thì trong thuyết minh phải nêu và kiểm định được tính khả thi và địa chỉ ứng dụng. Cách làm này sẽ giúp cho việc sử dụng nguồn lực nhà nước có hiệu quả, theo quy hoạch; khắc phục tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu xong lại không triển khai ứng dụng trong thực tế.

Sẽ có nhà khoa học nhân dân?

- Còn việc trọng dụng nguồn nhân lực…?

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Về nguồn nhân lực, Luật sửa đổi quy định một chương riêng và nhiều điều khoản khác để quy định cơ chế cụ thể khuyến khích hoạt động dào tạo và trọng dụng nhân lực KH&CN. Điều 23 của dự thảo Luật quy định chế độ ưu đãi, trọng dụng nhân tài, nhất là đối với các nhà khoa học đầu đàn, nhà khoa học đang đảm đương nhiệm vụ KH&CN trọng yếu của quốc gia và các nhà khoa học trẻ tài năng.

Luật KH&CN sửa đổi sẽ đãi ngộ nhà khoa học trên 3 phương diện: môi trường nghiên cứu, sáng tạo; đãi ngộ về thu nhập và điều kiện sống; được tôn vinh.

Về việc tôn vinh, Luật KH&CN sửa đổi dẫn chiếu nội dung này để Luật Thi đua khen thưởng quy định. Còn có ý kiến khác nhau, nhưng chúng tôi cũng đang đề nghị quy định phong danh hiệu Nhà khoa học nhân dân, Nhà khoa học ưu tú cho những nhà khoa học không chỉ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, ứng dụng mà còn có vai trò như tấm gương về tinh thần tận tụy cống hiến cho khoa học, vai trò lan tỏa, dẫn dắt quần chúng, nhất là thế hệ trẻ lao động sáng tạo để chấn hưng nền khoa học nước nhà.

- Có một số ý kiến của các nhà khoa học tỏ ra “không mấy tin tưởng” vào Luật KH&CN sửa đổi bởi nhiều năm nay chúng ta vẫn nói tới việc đãi ngộ, đổi mới cơ chế tài chính cho khoa học song tình hình vẫn không mấy cải thiện. Ông nghĩ nguyên nhân là ở đâu, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Thực tế cho thấy, đến nay việc triển khai những cơ chế, chính sách hiện hành để thực hiện chủ trương phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu còn nhiều bất cập. Như Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nhận định, công tác lãnh đạo chỉ đạo, đầu tư, bố trí nguồn lực… chưa đúng tầm “quốc sách hàng đầu.”

Chính sách trọng dụng đối với các nhà khoa học chưa triển khai được, hoặc triển khai rất hạn chế. Chưa thực sự có môi trường khuyến khích lao động sáng tạo, sự đãi ngộ, tôn vinh vẫn chưa xứng đáng. Điều đó đã khiến một số nhà khoa học mất dần sự tự tin, hoài bão, động lực cống hiến. Mặt chính sách đúng quy định trong Luật là điều kiện cần, nhưng chưa đủ bởi công tác triển khai, quản lý, điều hành có vai trò quyết định thực thi luật.

Tôi vẫn cho rằng, mặc dù còn những tồn tại nhưng chúng ta vẫn đang có một đội ngũ nhân lực KH&CN đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ KH&CN được Đảng, Nhà nước giao nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao trước nhân dân và đất nước.

Cần đặt hàng để có sản phẩm khoa học xứng tầm

- Thưa Thứ trưởng, Luật KH&CN đã được thảo luận tại Quốc hội và đã nhận được những ý kiến góp ý. Cảm nhận của ông về những đóng góp ấy như nào?

Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải: Các đại biểu Quốc hội rất tâm huyết với sự nghiệp phát triển KH&CN, coi đó là một trong những động lực quan trọng nhất phục vụ phát triển bền vững của đất nước.

Tôi chưa thấy có ý kiến nào của đại biểu quốc hội xem nhẹ vai trò của KH&CN hay là phản đối việc ban hành cơ chế ưu tiên đầu tư, trọng dụng nhân tài… Thậm chí còn yêu cầu có những cơ chế mạnh mẽ, khả thi hơn. Thật sự là cảm động. Qua đó, nhà khoa học và những người quản lý KH&CN càng phải nhận thức sâu sắc hơn để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Lượt xem: 1144

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)