Thứ tư, 06/07/2016 11:56 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu chuẩn hóa thương hiệu Việt Nam "đích thực"cho hàng hóa trước khi xuất ngoại

Theo VnExpress: Dẫn lại tình trạng nhầm lẫn khi người dân Mỹ mua nước mắm thương hiệu Phú Quốc nhưng lại dán mác "made in Thailand", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải chuẩn hóa thương hiệu Việt Nam "đích thực"cho hàng hóa trước khi xuất...
Những trăn trở của Thủ tướng về vấn đề bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ, cụ thể là thương hiệu Việt, không những ở trong nước mà phải vươn ra thị trường quốc tế chính là mục tiêu cần hướng tới của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam và của toàn xã hội.
Quyền sở hữu trí tuệ mang tính chất lãnh thổ
Theo Điều 53, Điều 93 và Điều 169 Luật Sở hữu trí tuệ, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; Văn bằng bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Bằng bảo hộ giống cây trồng có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, khi tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của mình ở Việt Nam, thì doanh nghiệp đồng thời cũng phải có chiến lược kinh doanh dài hạn, xác định được thị trường tiềm năng để nhanh chóng tiến hành đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại các quốc gia nước ngoài, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”. Trong số đó, có thể kể đến các trường hợp như “Vinataba”, “Trung nguyên”, “Buon Ma Thuot Coffee” bị các công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các quốc gia khác và mất nhiều công sức và chi phí để lấy lại tài sản trí tuệ của mình.


Nước mắm Phú Quốc được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý số 00001 ngày 01.06.2001


Xoài cát Hòa Lộc được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý số 00016 ngày 30.9.2009


Bưởi Tân Triều được bảo hộ chỉ dẫn địa lý số 00031 ngày 14.11.2012


Quýt Hồng Lai Vung được cấp Nhãn hiệu chứng nhận số 4-0177320 ngày 20.12.2011

Doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ càng sớm càng tốt

Theo khoản 1 Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ: “Trong trường hợp có nhiều đơn của nhiều người khác nhau đăng ký cùng một sáng chế hoặc đăng ký các kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau hoặc đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau cho các sản phẩm, dịch vụ trùng nhau hoặc tương tự với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ”. Tương tự, đối với giống cây trồng, theo khoản 1 Điều 166 Luật Sở hữu trí tuệ “Trường hợp có từ hai người trở lên độc lập nộp đơn đăng ký bảo hộ vào các ngày khác nhau cho cùng một giống cây trồng thì Bằng bảo hộ giống cây trồng chỉ có thể được cấp cho người đăng k‎ý hợp lệ sớm nhất.” Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên là một nguyên tắc cơ bản của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Do đó, doanh nghiệp cần nhanh chóng đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của mình tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài mà doanh nghiệp có chiến lược phát triển, tránh trường hợp bị các chủ thể khác đăng ký trước.

Đồng thời, theo nguyên tắc ưu tiên đối với đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, một sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu muốn xin hưởng quyền ưu tiên là ngày nộp đơn sớm hơn ở Việt Nam để nộp đơn vào các quốc gia khác thì cần phải nhanh chóng nộp đơn trong thời hạn ấn định theo các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Điều kiện để được hưởng quyền ưu tiên theo công ước Paris là đơn đăng ký cần được nộp trong thời hạn sau đây kể từ ngày nộp đơn đầu tiên: sáu tháng đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp hoặc đơn đăng ký nhãn hiệu, mười hai tháng đối với đơn đăng ký sáng chế.

Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở những thị trường mà mình muốn quảng bá sản phẩm, hoặc khi sản phẩm có chỗ đứng rồi mới nghĩ đến việc đăng ký bảo hộ. Ngoài việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, rất cần có sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan quản lý, sao cho tài sản trí tuệ của Việt Nam có chỗ đứng vững chắc không những ở trong nước mà phải vươn ra thị trường quốc tế. Sở hữu trí tuệ cần từng bước chứng tỏ là công cụ đắc lực để phát triển kinh tế - xã hội./.

(Bài viết có trích dẫn thông tin từ http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/bao-gio-nuoc-mam-phu-quoc-thoi-dan-mac-made-in-thailand-3426776.html)

Lượt xem: 1552

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)